Tên Tiếng Việt: Phòng kỷ (Rễ)
Tên khác: Phấn phòng kỷ; Hán phòng kỷ; thạch thiềm thừ; sơn ô qui; đảo địa cung; kim ty điếu miết; bạch mộc hương
Tên khoa học: Stephania tetrandrae S. Moore thuộc họ Menispermaceae (Tiết dê).
Phòng mang ý nghĩa là phòng ngừa, đề phòng; kỷ là cho bản thân, ý nói là vị thuốc có tác dụng phòng ngừa, ngăn ngừa bệnh tật cho bản thân.
Có nhiều vị thuốc cùng tên Phòng kỷ nhưng nguồn gốc thực vật lại khác nhau. Do đó, khi sử dụng cần biết rõ mình sử dụng loại Phòng kỷ nào vì sẽ cho các tác dụng khác nhau.
Sau đây là một số vị cùng tên thường dùng:
Quảng phòng kỷ hay còn gọi là mộc phòng kỷ, phòng kỷ, đẳng phòng kỷ (cây thường mọc ở Quảng Tây, Trung Quốc): Là rễ phơi hay sấy khô của cây quảng phòng kỷ có tên khoa học là Aristolochia westlandii Hemsl. thuộc họ Aristolochiaceae (Mộc thông).
Hán trung phòng kỷ: Là rễ phơi hay sấy khô (Radix Aristolochiae heterophyllae) của cây hán trung phòng thành mộc hương có tên khoa học là Aristolochia heterophylla Hemsl. thuộc họ Aristolochiaceae (Mộc thông).
Mộc phòng kỷ: Là rễ phơi hay sấy khô của cây mộc phòng kỷ có tên khoa học là Cocculus trilobus DC. thuộc họ Menispermaceae (Tiết dê).
Phấn phòng kỷ là cây mọc leo và sống lâu năm, có rễ phình ra thành củ, mặt ngoài rễ có màu nâu hay màu tro nhạt, đường kính của rễ có thể lên đến 6cm.
Thân mềm, có thể dài tới 2,5 – 4m, vỏ thân màu xanh nhạt, phía gốc hơi đỏ.
Lá mọc so le, hình khiên, dài 4 – 6cm, rộng 4,5 – 6cm, đầu lá nhọn, mép nguyên, gốc lá hình tim, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tro, hai mặt đều có lông ngắn và mềm. Cuống lá không đính vào đáy lá mà vào phía trong phiến lá, có chiều dài gần bằng chiều dài của lá.
Hoa đực và hoa cái khác gốc, kích thước nhỏ và có màu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt.
Mùa hoa vào các tháng 4 – 5.
Mùa quả vào các tháng 5 – 6.
Cây này chưa thấy mọc ở Việt Nam. Phòng kỷ mọc hoang ven rừng thấp, các đồi, cỏ rậm ở các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, An Huy, Quảng Tây, Quảng Đông ở Trung Quốc.
Thu hoạch vào mùa thu (tháng 9 – 10), đào lấy rễ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, rễ con, phơi tái, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, cắt khúc 5 – 20cm, phơi hoặc sấy khô.
Chế biến bằng cách loại bỏ tạp chất, ngâm nước cho mềm, rửa sạch, thái lát dày, phơi khô.
Bộ phận sử dụng của cây Phòng kỷ và rễ đã phơi hay sấy khô.
Từ vị phòng kỷ này người ta đã chiết xuất được nhiều ancaloid khác nhau, trong đó chủ yếu là tetrandrin C38H42N2O6, demetyl tetrandrin C36H40N2O6 và một ancaloid có tính chất phenol với công thức C33H42N2O6.
Theo các tư liệu y học ngày xưa, phòng kỷ có vị rất đắng, lạnh và cay, quy vào kinh bàng quang. Phòng kỷ có tác dụng tả hạ, tiêu huyết phận thấp nhiệt, khử phong, hành thủy, thường dùng chữa những bệnh như thấp thũng, thủy thũng, khớp xương đau nhức, cước khí.
Trong một nghiên cứu trên chuột cho thấy Phòng kỷ có tác dụng kích thích thần kinh trung ương và kích thích hô hấp. Ngoài ra, Phòng kỷ còn chứa một vài alcaloid làm hạ thân nhiệt và tăng co bóp ruột trên chuột và thỏ; làm hạ huyết áp trên mèo.
Liều dùng từ 6 – 10g dược liệu một ngày, dạng hoàn tán hoặc thuốc sắc. Có thể dùng một đơn độc hoặc phối hợp với các loại thuốc khác.
Trị chứng phong thấp, đau nhức
Chứng phong thấp có triệu chứng như tay chân nặng mỏi, thấp nhiệt, các khớp sưng đỏ và đau, dùng Phòng kỷ phối hợp với Tàm sa, Chi tử, Hoạt thạch, Ý dĩ nhân,… như bài “Tuyên tý thang”.
Trị phong hàn thấp, đau nhức
Dùng Phòng kỷ phối hợp với Phục linh, Ma hoàng, Nhục quế.
Trị phù hai chi dưới, phù thủng, báng bụng, cước khí, tiểu tiện không thông
Phòng kỷ 4 – 5g, Hoàng kỳ 5g, Bạch truật 3,5g, Sinh khương 3g, Đại táo 3 – 4g, Cam thảo 1,5 – 2g.
Trị bụng báng thấp nhiệt
Phòng kỷ 12 – 20g, Đình lịch tử 12 – 20g, Tiêu mục 4 – 8g, Đại hoàng 8 – 12g.
Trị viêm khớp sưng đau
Bài thuốc 1: Dùng các dược liệu sau: phòng kỷ 12g, bạch truật 12g, sinh khương 12g, bạch linh đều 12g, cam thảo 9g, ô đầu 6g, quế chi 3g, đem sắc uống.
Bài thuốc 2: Phòng kỷ 15g, ý dĩ nhân 15g, mộc qua 9g, ngưu tất 9g đem đi sắc nước để uống.
Bài thuốc 3: Phòng kỷ 10g, tằm sa đều 10g, uy linh tiên 12g, kê huyết đằng 15g đem đi sắc nước uống.
Trị phù thũng, tiểu bí
Bài thuốc 1: Phòng kỷ 10g, bạch truật đều 10g, hoàng kỳ 16g, cam thảo 5g đem đi sắc nước uống.
Bài thuốc 2: Phòng kỷ 10g, phục linh 10g, hoàng kỳ 10g, quế chi 10g, cam thảo 6g đem đi sắc nước để uống.
Trị chứng nhiệt tý (thấp khớp cấp)
Ngâm phòng kỷ với rượu trong vòng 20 ngày, sau đó đem ra uống mỗi lần từ 10 – 20ml, ngày uống từ 2 – 3 lần. Một đợt điều trị kéo dài 10 ngày, sau đó nghỉ 4 – 5 ngày, tiếp tục lặp lại cho đến khi đạt từ 3 đến 6 đợt điều trị.
Không dùng Phòng kỷ cho người suy nhược hàn tính.
Phòng kỷ (rễ) có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Phòng kỷ (rễ) có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nên đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam 5: //duocdienvietnam.com/phong-ky/
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/phong-ky.html
Youmed: //youmed.vn/tin-tuc/phong-ky-vi-thuoc-tri-phong-thap-phu-thung/
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.