Tên Tiếng Việt: Phụ tử.
Tên khác: Xuyên ô, Thảo ô, Hắc phụ, Cách tử, Thục phụ tử.
Tên khoa học: Radix Aconiti lateralis praeparata, Aconitum fortunei Hemsl. Ranunculaceae (họ Mao lương).
Ô đầu là loài cây thảo cao khoảng 1 m. Thân thẳng đứng, tiết diện thân hình trụ, cây ít phân nhánh. Lá ô đầu mọc so le, có gân hình chân vịt. Mép lá răng cưa to, lá già xẻ từ 3 đến 5 thùy không đều nhau. Mặt trên và mặt dưới đều có lông, mặt trên có màu xanh lục sẫm hơn mặt dưới. Hoa mọc thành chùm ở ngọn thân. Hoa to và có màu xanh lam, mọc sát nhau. Quả có hạt nhiều, trên mặt có nhiều vảy nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 10 đến tháng 11.
Phụ tử là củ từ rễ nhánh của cây ô đầu.
Cây ô đầu phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu, Ấn Độ, Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây ô đầu là cây trồng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về và trồng ở Sa Pa (được ngành y tế nhập giống chính thức), hoặc do cộng đồng người Hoa sống ở huyện Quản Bạ và Đồng Văn (Hà Giang) tự đem từ bên kia biên giới về trồng.
Ngoài ra, cũng có tài liệu cho rằng ô đầu mọc hoang ở Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ (theo Võ Văn Chi, 1977). Thực tế, người ta phát hiện ô đầu mọc hoang nhiều tại thung lũng Tà Cố Y (Mù Cang Chải).
Ô đầu thích nghi ở vùng ôn đới ẩm, khí hậu mát mẻ của vùng nhiệt đới núi cao và ưa sáng, có thể chịu bóng. Cây có thể trồng và nhân giống từ hạt hoặc từ phụ tử.
Ô đầu rất độc, phải chế trước khi dùng.
Diêm phụ
Diêm là muối, phụ là phụ tử, tức là phụ tử chế muối. Phụ tử lựa chọn rễ nhánh to, bỏ rễ con, rửa sạch và cho vào vại, thêm magnesi clorua, muối ăn, nước theo tỷ lệ 100 kg phụ tử, 40 kg magesi clorua, 30 kg muối, 60 lít nước. Ngâm khoảng 10 ngày, trong thời gian đó cứ vớt ra phơi khô vào ban ngày và đêm ngâm nước.
Thỉnh thoảng thêm magnesi clorua, muối ăn, nước để đảm bảo nồng độ ban đầu. Sau cùng, vớt ra và phơi nắng đến khi có muối trắng kết tinh bên ngoài củ, lúc này muối đã thấm vào giữa củ. Trước khi dùng, cắt mỏng phụ tử, rửa đến khi hết vị cay tê, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Hắc phụ
Phụ tử lựa chọn rễ nhánh to trung bình, bỏ rễ con, rửa sạch và cho vào vại, thêm magnesi clorua, nước theo tỷ lệ 100 kg phụ tử, 40 kg magesi clorua, 20 lít nước. Sau khi đun sôi 2 – 3 phút, lấy ra rửa sạch, thái mỏng rồi ngâm vào magesi clorua và nước. Tiếp theo thêm đường đỏ và dầu hạt cải, sao tẩm đến khi có màu nước chè đặc. Trước khi dùng, rửa đến khi hết vị cay tê, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Bạch phụ
Phụ tử lựa chọn rễ nhánh nhỏ, rửa sạch và cho vào vại, thêm magnesi clorua, nước ngâm vài ngày. Sau đó, đun tới chín giữa củ, bóc vỏ và thái mỏng. Trước khi dùng, rửa đến khi hết vị cay tê, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
Bộ phận dùng của phụ tử là rễ nhánh của cây ô đầu.
Thành phần hóa học của phụ tử gồm có: Terpenoid ester alkaloid (aconitin), benzoyl aconin, aconin.
Ngoài ra còn có: Mesaconitin, hypaconitin, talatisamin, neolin, sangorin, fuzilin, senbusin A, B, aldohypaconitin, sangoramin, beiwutin.
Tính vị: Vị cay, ngọt, tính nhiệt. Có độc tính mạnh.
Công năng: Khu phong, táo thấp, khu hàn, hồi dương cứu nghịch, trục phong hàn thấp tà.
Theo y học cổ truyền, phụ tử được xem là vị thuốc hồi dương cứu nghịch, khử phong hàn, chữa một số trường hợp nguy cấp như mạch yếu hoặc gần như không có mạch, mồ hôi nhiều, vong dương, chân tay quờ quạng, phong hàn thấp tý thận dương bất túc cước khí, thủy thũng.
Phụ tử có thành phần chính là aconitin, được chứng minh có tác dụng trên:
Tim mạch: Tăng kích thích co bóp cơ tim cực đại (cường tim) rồi giảm dẫn truyền điện tim (khi bị ngộ độc) làm cho tim ngừng đập.
Huyết áp: Phụ tử có thể làm hạ huyết áp.
Mỡ máu: Giảm hiện tượng mỡ bám trên thành mạch máu, giảm cholesterol, giảm xơ vữa thành mạch.
Hệ thần kinh: Tùy vào liều mà có thể gây kích thích hoặc ức chế thần kinh trung ương.
Tác dụng giảm đau, kháng viêm.
Liều dùng cho hồi dương cứu nghịch, khử phong hàn, chữa một số trường hợp nguy cấp như mạch yếu hoặc gần như không có mạch, mồ hôi nhiều, vong dương, chân tay quờ quạng, phong hàn thấp tý thận dương bất túc cước khí, thủy thũng: 4 đến 12 g. Cách dùng: Sắc uống.
Khi dùng diêm phụ tử, có thể thái mỏng, rửa sạch muối, sắc kỹ với một số vị thuốc khác, hoặc với cam thảo, gừng sống rồi lấy nước uống.
Cũng có trường hợp dùng diêm phụ tử sau khi đã nấu kỹ nhiều lần với đậu đen.
Theo Dược điển Việt Nam, liều tối đa khi dùng 1 lần là 0,05 g đến 0,15 g trong 24 giờ.
Theo tài liệu Trung Quốc, liều dùng của ô đầu là 1,0 đến 4,0 g dạng đã qua chế biến.
Một số lương y dùng liều 100 g nhưng phải phối hợp với cam thảo, can khương và sắc thật lâu và thật kỹ.
Chữa trúng hàn, hôn mê, ngộ độc nôn ói (Việt Nam)
Chuẩn bị: Phụ tử sống (sinh phụ tử) 20 g, Gừng (đã lùi chín) 20 g.
Thực hiện: Sắc uống nhiều lần.
Chữa nôn mửa, tiêu chảy, mồ hôi ra nhiều, chân tay lạnh, suy nhược cơ thể (Trung Quốc, Nhật Bản)
Chuẩn bị: Phụ tử (3 đến 10 g), Can khương (5 đến 6 g), Chích cam thảo ( 3 đến 4 g).
Thực hiện: Sắc nước uống.
Chữa đau dây thần kinh, viêm khớp dạng thấp, bại liệt ở trẻ em, bán thân bất toại, triệu chứng nhẹ của trùng phong, vận động khó khăn (Quế chi gia truật thang)
Chuẩn bị: Phụ tử 0,5 g, Quế bì 4 g, Thược dược 4 g, Thương truật 4 g, Đại táo 4 g, Cam thảo 2 g, Sinh khương 1 g.
Thực hiện: Sắc nước uống.
Phụ tử sau khi chế làm giảm bớt độc tính nhưng đây vẫn là vị thuốc có khả năng gây độc cao, cần thận trọng khi dùng.
Chỉ dùng ô đầu khi đã bào chế kỹ và phối hợp với các vị thuốc khác để giảm độc, luôn dùng dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/o-dau-va-phu-tu.html.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.