Tên Việt Nam: Bồ kết.
Tên khác: Tạo giáp, Tạo giác, Chưa nha tạo giác, Man khét (Campuchia).
Tên khoa học:Gleditsia australis Hemsl. ex Forbes et Hemsl. Thuộc họ: Vang – Caesalpiniaceae.
Bồ kết là một cây to cao chừng 6 – 8 m, trên thân có những túp gai có phân nhánh, dài tới 10 – 15 cm. Lá kép lông chim, cuống chung có lông và có rãnh dọc, 6 đến 8 đôi lá chét, hình trứng dài, dài trung bình 25 mm, rộng 15 mm.
Hoa màu trắng khác gốc hay tạp tính, mọc thành chùm hình bông.
Quả giáp, dài 1 – 12 cm, rộng 15 – 20 mm, hơi cong hình lưỡi liềm hay thẳng, quả mỏng nhưng ở những nơi có hạt thì nổi phình lên, tròn mặt quả có phủ lớp phấn màu xanh nhạt. Trong quả có 10 – 12 hạt dài 10mm, rộng 7mm, dày 4mm, màu vàng nâu nhạt, quanh hạt là một chất cơm màu vàng nhạt.
Mùa bồ kết: Tháng 10 – 11.
Cây Bồ kết mọc hoang và được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Còn thấy mọc tại các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Riêng đảo Cát Bà (Hải Phòng) có tới 40.000 cây, hàng năm cho tới 40 tấn bồ kết.
Vào tháng 10 – 11, quả chín, hái về phơi hay sấy khô. Khi mới hái quả có màu xanh hay hơi vàng, phơi và để lâu có màu đen bóng.
Quả Bồ kết có vị cay, mặn, tính ôn, có tác dụng thông khiếu, khử đờm, tiêu thũng, có tiêu độc.
Quả bồ kết tạo giác (Fructus Gleditschiae) là quả Bồ kết chín khô.
Từ quả Bồ kết ở Việt Nam, chúng tôi đã chiết được chất saponin tinh khiết với hiệu suất 10% (G. Herman-I. Ciulei, Đỗ Tất Lợi, Y học tạp chí số 1-1961, 26-29), chất saponin này không mùi, vị nhạt, gây hắt hơi mạnh, cho với axit sunfuric đặc màu vàng sau sang màu đỏ và tím (phản ứng Kobert), với phản ứng Lieberman (anhydrit axetic và axit sunfuric đặc) giữa hai lớp chất lỏng cho một vòng màu tím, sau đó lớp trên có màu xanh lục, với axit tricloraxetic nóng (phản ứng Hirschson) cho màu vàng sau ngả sang màu đỏ, độ chảy 198 – 202°C, năng suất quay cực -32°, chỉ số phá huyết đối với máu bò 33.000 Saponin này tan trong rượu và nước.
Từ chất saponin này, chúng tôi đã thuỷ phân và kết tinh được chất sapogenin có tinh thể hình kim tụ thành hình ngôi sao, không tan trong nước, tan trong ête, cồn và clorofoc, độ chảy 298 – 301°C cho phản ứng Lieberman. Hiệu suất sapongenin từ quả bồ kết là 3%.
Năm 1929 (Nhật dược chí số 29), một tác giả Nhật Bản có chiết được từ bồ kết cùng loài nhưng mọc ở Nhật Bản chất saponin cấu tạo tritecpenic và gọi là gleditsaponin với hiệu suất 10%, công thức thô xác định là C59H100O20. Chất saponin này thuỷ phân cho gleditsapogenin và glucoza, ngoài ra còn có arabinoza. Chỉ số phá huyết của gleditsapogenin đối với máu sơn dương là 75.000.
Năm 1963, Bùi Đình Sang có chiết được từ Bồ kết Việt Nam saponin, men peroxydaza và hai chất khác có tinh thể chưa xác định được tính chất.
Năm 1969, Ngô Thị Bích Hải đã chiết được từ quả bồ kết mọc ở Việt Nam 8 chất flavonoid và 7 hợp chất tritecpen: 5 trong số 8 chất flavonoid đã được rút ra dưới dạng tinh khiết và xác định là luteolin, saponaretin, vitexin, homoorientin và orientin.
Phần aglycon của hợp chất tritecpen là axit oleanolic và echinoxystic. Phần đường là xyloza, arabinoza, glucoza và galactoza.
Ngoài ra tác giả còn chiết được một saponin mới là australozit.
Nước Bồ kết gội đầu, giặt quần áo lụa, len có màu không bị ố. Ngoài việc dùng Bồ kết làm nguyên liệu để chế chất saponin, Bồ kết còn được dùng trong đông y để chữa nhiều bệnh khác nhau.
Theo các tài liệu cổ thì Bồ kết (bỏ hạt, hoặc đốt ra than, hoặc tán nhỏ làm thành viên hay thuốc bột) có vị cay, mặn, tính ôn hơi có độc, vào 2 kinh phế và đại tràng. Có năng lực thông khiểu, tiêu đờm, sát trùng, làm cho hắt hơi dùng chủ yếu chữa trung phong cấm khẩu phong tê, tiêu đồ ăn, đờm xuyễn thũng, sáng mắt, ích tinh. Liều dùng hằng ngày 0,5 đến 1g dưới dạng thuốc bột, hay đốt ra than mà dùng, hoặc thuốc sắc.
Tác dụng kháng khuẩn:
Trên ống nghiệm đã chứng minh quả Bồ kết có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn như tràng cầu khuẩn, trực khuẩn shigella, trực khuẩn thương hàn, phó thương hàn, trực khuẩn mủ xanh và phẩy khuẩn tả.
Dịch chiết dầu hỏa – ether với phương pháp khuếch tán thuốc trong môi trường nuôi cấy, ở nồng độ 0,343g/ml có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn B, dịch chiết chloroform với nồng độ 0,55g/ml ức chế liên cầu khuẩn. Hỗn hợp flavonoid và chất saporetin chiết từ quả có tác dụng kháng virus, hỗn hợp saponin có tác dụng chống trung roi âm đạo. Dịch chiết nước từ quả bồ kết trên ống nghiệm có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.
Ngoài tác dụng kháng khuẩn, nước sắc quả bồ kết trên mèo thí nghiệm với liều 1g/kg cho thẳng vào dạ dày có tác dụng tăng cường sự phân tiết của niêm mạc đường hô hấp và có tác dụng long đờm. Nước sắc 0,25% có tác dụng kích thích co bóp của tử cung cô lập chuột cống trắng.
Độc tính:
Saponin triterpen từ quả bồ kết thường khó hấp thu vào ruột và dạ dày nhưng có tác dụng kích thích cục bộ niêm mạc dạ dày, gây chảy nước miếng, nước mũi, nôn mửa, đi ngoài.
Dùng với liều lớn làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và lúc đó sẽ bị hấp thu qua ruột gây ngộ độc toàn thân với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, rét run; nghiêm trọng có thể gây hôn mê, co giật, hô hấp khó khăn, cuối cùng gây tử vong do liệt hô hấp. Khi tiêm chất gpedit sapogenin vào tĩnh mạch thỏ với liều 40 – 47mg trên 1 kg thể trọng thì thỏ chết (Nhật dược chí 1928, 48: 146).
Ở Việt Nam, nhân dân dùng quả Bồ kết ngâm hoặc nấu nước gội đầu, có tác dụng làm sạch gàu, trơn tóc; và dùng giặt quần áo len, da, lụa có màu, không bị hoen ố và không bị phai màu.
Liều dùng hằng ngày 0,5 đến 1g dưới dạng thuốc bột, hay đốt ra than mà dùng, hoặc thuốc sắc.
Hiện nay, một số bệnh viện dùng Bồ kết để thông khoan chữa bí đại tiện và không trung tiện được sau khi mổ, chữa tắc ruột có kết quả, có thể dùng cho cả trẻ em lẫn người lớn, thường chỉ sau 5 phút là tháo phân ngay (Y học thực hành số 58, 6-1960 và 63, 111960).
Cách làm đơn giản như sau: Lấy 1/4 quả bồ kết, nướng thật vàng, đừng nướng cháy quá hay còn sống, bỏ hột đi rồi tán thành bột nhỏ. Lấy ống thông (cannula), đầu có bôi vaseline hay dầu, chấm vào bột bồ kết, sau đó cho vào hậu môn sâu độ 3 – 4cm, cứ thế làm 3 – 4 lần cho bột vào trong hậu môn, sau 2 đến 5 phút bệnh nhân đi ngoài được. Có trường hợp hậu phẫu không trung tiện được 2 đến 5 ngày, bệnh nhân chướng bụng, bệnh nhân bí đại, trung tiện, nôn mửa liên tục có khi nôn ra máu mà làm như trên chỉ sau 2 phút trung tiện và đi ngoài được ngay, có bệnh nhân ra tới 500 con giun.
Quả Bồ kết còn được dùng trong các trường hợp trúng phong, hôn mê bất tỉnh, cấm khẩu, hen suyễn, mụn nhọt, viêm tuyến vú, đau nhức răng.
Thuốc chữa hen suyễn, ho nhiều đờm, thở khò khè
Bồ kết 1g, Quế chi 1g, Đại táo (táo đen) 4g, Cam thảo 2g, Sinh khương 1g, nước 600ml; sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa nhức răng, sâu răng
Quả bồ kết tán nhỏ, đắp vào chân răng, hễ chảy dãi ra thì nhổ đi.
Chữa trẻ con chốc đầu, rụng tóc
Bồ kết đốt ra than, tán nhỏ rửa sạch vết chốc, rồi đắp than Bồ kết lên.
Chữa trúng phong, cấm khẩu, hôn mê bất tỉnh
Quả Bồ kết phối hợp với Bạc hà, mỗi thứ lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, thổi bột đó vào mũi để gây hắt hơi và làm bệnh nhân tỉnh lại.
Phụ nữ có thai không được dùng bồ kết.
Bồ kết là loài cây đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Bồ kết có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
//tracuuduoclieu.vn/bo-ket.html
//vienduoclieu.org.vn/tttv/danh-muc-cay-thuoc/cong-trinh-nghien-cuu/Bo_ket_Gleditsia_fera_Lour_Merr_3052
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.