Tên Tiếng Việt:
Bưởi
Tên gọi khác:
Chu loan, Mác pục, Plài pình.
Tên khoa học:Citrus maxima (Burm) Merrill, Citrus grandis Osbeck. Thuộc họ Cam Rutaceae.
Bưởi là loại cây nhỡ, to cao 10 – 13m. Cành có gai nhỏ ở kẽ lá, lúc đầu có lông, sau nhẵn. Lá mọc so le, phiến dài, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc và đầu tù, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt có gân lồi nổi rõ, cuống lá có cánh rộng tạo với phiến lá hình số 8.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, 6 – 8 hoa màu trắng rất thơm, lá bắc và cuống hoa có lông, dài hình đầu, có 4 – 5 răng nhỏ hàn liền, tràng có 5 cánh dày rời nhau, nhị nhiều ngắn bằng nửa cánh hoa, xếp toả tròn rất sít nhau, bầu hình cầu, có lông.
Quả hình cầu, cùi rất dày, màu vàng hoặc màu đỏ nhạt (tuỳ giống), trong có nhiều múi mọng nước, hạt dẹt có cạnh và chất nhầy bao quanh. Lá và vỏ quả có tinh dầu thơm.
Mùa hoa: Tháng 3 – 5, mùa quả: Tháng 8 – 11.
Bưởi có nguồn gốc ở Ấn Độ – Malaysia. Cây được trồng ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, Bưởi là cây trồng từ lâu đời, nổi tiếng nhất có Bưởi huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, miền Nam có Bưởi Năm roi.
Bộ phận sử dụng được của Bưởi là thịt quả (múi), vỏ quả, hoa, lá và hạt.
Các bộ phận khác nhau của Bưởi chứa các thành phần hoạt tính khác nhau, điều này làm cho Bưởi trở nên phổ biến vì có các hoạt động sinh học hiệu quả khác nhau.
Chiết xuất ethanolic trong nước của vỏ Bưởi chủ yếu bao gồm flavonoid, acid ascorbic và carotenoid, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các hoạt động sinh học khác nhau như chống oxy hóa, chống viêm và chống xơ vữa. Các flavonone có trong vỏ Bưởi chủ yếu ở dạng aglycones và glycoside và các aglycones flavonone thường được xác định là hesperetin, naringenin và eriodictyol.
Vỏ Bưởi còn được phát hiện chứa các axit phenolic khác nhau như acid chlorogenic, acid ferulic, acid caffeic, acid gallic, acid ρ-coumaric và acid sinapic. Trong số đó, acid gallic được tìm thấy nhiều nhất trong vỏ của các loại Bưởi khác nhau. Carbohydrate, kali, natri, phospho, calci, sắt, magie, thiamin, nước và pectin cũng được tìm thấy trong vỏ quả.
Tinh dầu từ lá Bưởi chứa các thành phần khác nhau như α-Pinene (0,40%), β-Pinene (3,71%), Sabinine (0,93%), methyl heptenone (1,25%), β-myrcene ( 0,90%), hexanal (0,12%), t -Ocimine (1,19%), linalool (0,16%), 1-Hexene, 3,3-dimethyl (0,67%), geranyl formate (1,83%), geranylacetate (0,82%) và β-farnesene (0,45%), trong đó các thành phần chính là: Z-citral (13,38%), 4-metyl-1-hexene (15,22%), E-citral (17,75 %) và DL-limonene (31,83%). Người ta cũng phát hiện ra rằng tinh dầu của Bưởi có hiệu quả chống lại Aspergillus flavus.
Hoa Bưởi cho tinh dầu với 23 thành phần, trong đó có α-Pinene (1,20%), limonen (6,75%), linalol (21,05%), α-terpincol (1,10%), nerol (1,60%), geranial (1,75%), nerolidol (32,70%), cedrol (15,35%), farnesol (20,00%).
Trong y học cổ truyền, các bộ phận khác nhau của Bưởi được sử dụng qua nhiều thế hệ vì chúng đã được khoa học chứng minh là có tiềm năng chữa bệnh và an toàn cho con người.
Vỏ quả Bưởi được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền, có vị đắng, cay, mùi thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hoá đờm, tiêu báng, tiêu phù thũng, hoà huyết, giảm đau.
Tương tự như vậy, hoa Bưởi có tác dụng chống lo âu và rối loạn giấc ngủ, hoa được dùng trong trường hợp tâm thần bất thường, hen suyễn, bệnh phong, nấc, ho và động kinh. Do có chứa hương thơm ngọt ngào, hoa Bưởi còn được sử dụng làm thực phẩm, mỹ phẩm, nước hoa và hương liệu hoặc chất làm tăng hương thơm trong ngành dược phẩm.
Lá Bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng. Lá Bưởi tươi thường được dùng nấu với nhiều lá thơm khác để xông chữa cảm cúm, nhức đầu, cất tinh dầu.
Ngoài ra, Bưởi cũng được sử dụng để giảm cholesterol và giảm cân.
Chống oxy hoá
Các nguyên tử không ổn định được gọi là các gốc tự do thường được tạo ra trong cơ thể con người thông qua các phản ứng sinh hóa khác nhau có thể gây ra thiệt hại cho các tế bào thông qua quá trình oxy hóa, có liên quan đến việc gây ung thư, xơ vữa động mạch, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer,… Các sản phẩm thực phẩm chứa nhóm chức OH (hydroxyl) được coi là có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa sự hủy hoại của quá trình oxy hóa bằng cách tặng các điện tử của chúng cho các gốc tự do.
Bưởi là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tốt như flavonoid, polyphenol và acid ascorbic, là những chất trung hòa tốt các gốc tự do, trong đó polyphenol là thành phần quan trọng ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa.
Chống viêm
Viêm là cơ chế tự nhiên của cơ thể để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của những yếu tố bên ngoài và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chữa bệnh. Sự hiện diện của polysaccharid trong Bưởi có hoạt tính kháng viêm tiềm năng. Hoạt động chống viêm của Bưởi đã được báo cáo trong một nghiên cứu thực hiện trên cả thỏ được kích thích bằng amoniac và bệnh nhân lâm sàng, polysaccharide có trong quả làm giảm các triệu chứng cũng như ức chế viêm mãn tính.
Bưởi có chức năng như một chất chống viêm tốt vì polysaccharid và coumarin có trong vỏ quả có tác dụng ngăn chặn các hoá chất trung gian gây viêm và các cytokine tiền viêm.
Chống ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vỏ Bưởi có thể gây ra quá trình apoptosis của tế bào khối u chuột bằng cách ngăn chặn chu kỳ tế bào ở pha S và điều chỉnh giảm các biểu hiện Bcl-2 và điều chỉnh Bax, điều này gợi ý rằng tác dụng chống khối u in vivo được điều trị bằng vỏ Bưởi có thể là do các đặc tính điều hòa miễn dịch của polysaccharides và các đặc tính gây apoptosis trên chuột mang khối u.
Sen và Samanta (2015) đã nghiên cứu hoạt tính chống khối u từ chiết xuất methanol của lá Bưởi chống lại dòng tế bào Ehrlich Ascites Carcinoma ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự hiện diện của flavonoid và limonoids có trong lá Bưởi làm trung gian hoạt động chống ung thư và chống viêm.
Ngoài ra, chiết xuất Bưởi liên kết với các acid mật thứ cấp có liên quan đến việc phát triển ung thư đại trực tràng. Do đó, kết quả của các nghiên cứu đã cung cấp thông tin rằng chiết xuất Bưởi có thể làm giảm yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Hoạt tính kháng vi sinh vật
Hoạt tính chống nấm
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Singh và Navneet (2016) phát hiện rằng tinh dầu Bưởi ức chế hoàn toàn sự phát triển sợi nấm của A. alterta, A. terreus, F. oxysporum, A. fumigatus, H. oryzae và T. viride ở nồng độ 750 ppm.
Năm 2004, Bijun đã nghiên cứu chiết xuất etanolic của vỏ Bưởi và chứng minh là có hiệu quả chống lại một số loại nấm mốc. Dịch chiết được phát hiện có khả năng ức chế sự phát triển của Aspergillus niger V , Tiegh, Penicillium và Aspergillus otyzae với tỷ lệ ức chế lần lượt là 60,5%, 59,5% và 34,3%.
Hoạt tính chống độc tố
Aflatoxin, một loại độc tố được tạo ra bởi một số loại nấm (Aspergillus flavus và Aspergillus parasiticus) là chất độc gây ung thư và gây đột biến. Singh và cộng sự vào năm 2010 đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy tinh dầu Bưởi ở nồng độ 500 ppm ức chế hoàn toàn Aflatoxin B1. Vì vậy, tinh dầu của Bưởi có thể được sử dụng để chống lại aflatoxin.
Hoạt tính kháng vi khuẩn
Hoạt tính kháng khuẩn từ chiết xuất ethanolic của vỏ Bưởi được nghiên cứu là có khả năng chống lại vi khuẩn Escherichia coli, Staphylococcus aureus và Salmonella. Ngoài ra, dịch chiết etyl axetat thô từ bề mặt ngoại vi của vỏ Bưởi cũng có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn Gram dương.
Trong một số nghiên cứu khác về hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất methanolic (175 ml methanol) từ lá, vỏ và múi của Bưởi, cho thấy khả năng chống lại vi khuẩn Escherichia coli, P. aeruginosa, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumonia.
Duy trì sức khoẻ tim mạch
Về bản chất, Bưởi có hàm lượng kali cao, Bưởi giúp duy trì huyết áp bình thường. Nó cũng có chức năng thúc đẩy hoạt động của cơ tim, giảm lượng cholesterol xấu và tăng mức cholesterol tốt một cách tự nhiên. Bưởi rất có lợi trong việc ngăn ngừa các trường hợp đau tim và đột quỵ và do đó góp phần kéo dài tuổi thọ và khỏe mạnh hơn.
Tác dụng của Bưởi ở người có Hội chứng chuyển hoá
Cả múi và vỏ của Bưởi đều có khả năng điều trị trong trường hợp rối loạn chuyển hóa bằng cách cải thiện chuyển hóa glucose, ngăn ngừa tăng cân và giảm rối loạn lipid máu.
Chiết xuất của vỏ Bưởi được chứng minh làm giảm trọng lượng cơ thể và TC, TG, LDL-c máu trong một nghiên cứu với chuột béo phì bằng cách kích hoạt các enzym sinh hóa chịu trách nhiệm chuyển hóa lipid, chẳng hạn như carnitine palmitoyl-transferase và lipase.
Vỏ quả Bưởi, ngày dùng 4 – 12g dưới dạng sắc uống.
Lá Bưởi, ngày dùng 10 – 20g lá tươi xông, cất tinh dầu, nướng chín để xoa bóp.
Hoa Bưởi tươi, cất tinh dầu tuỳ theo liều lượng.
Cảm cúm, nhức đầu
Chuẩn bị: Lá Bưởi tươi, Sả, Hương nhu, Bạc hà, Tía tô, Ngải cứu, Kinh giới mỗi loại 10 – 20g.
Thực hiện: Dược liệu cần được rửa sạch, đổ xâm xấp nước, đun nhỏ lửa sôi khoảng 10 phút. Chọn nơi kín gió, cởi quần áo, trùm chăn kín người, mở nồi nước xông ra, xông khoảng 5 – 10 phút, lau khô người, nằm nghỉ.
Ăn uống không tiêu, đau bụng, ho
Chuẩn bị: 4 – 12g vỏ quả Bưởi sao vàng.
Thực hiện: Sắc lấy nước uống.
Tiêu chảy
Chuẩn bị: 3 – 10g lá Bưởi khô.
Thực hiện: Đun sôi, uống 1 lần trong ngày.
Đau dạ dày
Chuẩn bị: Lá Bưởi, lá Dạ cẩm, vỏ Quýt lượng bằng nhau
Thực hiện: Tán nhỏ, uống mỗi lần 5g, ngày uống 2 lần.
Thũng trướng
Chuẩn bị: Vỏ quả Bưởi, Mộc thông, Bồ hóng mỗi loại 20 – 30g; Cỏ bấc 8g, Diêm tiêu 12g.
Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 2 lần vào lúc đói, ăn một khẩu mía trước và sau khi uống thuốc. Kiêng muối và chất mặn.
Tiêu phù
Chuẩn bị: Vỏ Bưởi 600g, Bồ hóng bếp 400g, Ích mẫu 300g, Quế thanh 200g, Phèn chua 100g, Cỏ roi ngựa 500g, Bích ngọc đơn 400g, Phèn phi 200g, Hồi hương 200g.
Thực hiện: Tán bột làm hoàn, ngày uống 20g.
Bưởi rất giàu Kali và Vitamin C nếu dùng quá nhiều sẽ có hại cho những bệnh nhân có vấn đề về thận.
Những người dị ứng với trái cây họ cam quýt nên tránh các thực phẩm và thuốc từ Bưởi.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng Bưởi để điều trị các vấn đề sức khỏe.
Nếu tiêu thụ Bưởi quá mức, sẽ dẫn đến táo bón và hình thành sỏi thận.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 691-692.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung (2002), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 274-277.
- R. J. Anmol, S. Marium, et al. (2021) “Phytochemical and Therapeutic Potential of Citrus grandis (L.) Osbeck: A Review”. J Evid Based Integr Med, 26, 2515690X211043741.
- P. N. Ani, H. C. Abel (2018) “Nutrient, phytochemical, and antinutrient composition of Citrus maxima fruit juice and peel extract”. Food Sci Nutr, 6 (3), 653-658.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.