Tên Tiếng Việt: Rau tề.
Tên khác: Tề thái, Cây tề, Dính lịch, Địa mễ thái, Cỏ tâm giác, Cải dại.
Tên khoa học: Capsella bursa-pastoris Brassicaceae.
Rau tề hay còn gọi là cây tề thái, là cây thân thảo, sống hàng năm.
Cây rau tề cao khoảng 20 đến 40cm. Cây mọc sát mặt đất, thân cây nhỏ có màu xanh nhạt và có phủ lông mịn.
Lá ở gốc mọc sát mặt đất tạo thành hình hoa thị. Cuống lá ngắn hoặc không cuống. Phiến lá xẻ răng cưa to, có lông nhỏ trên mặt lá.
Hoa màu trắng, thường mọc thành chùm ngắn thẳng đứng ở đầu cành hay kẽ lá.
Quả hình tim ngược dẹt, mở phía cuống, hạt nhỏ hình trứng.
Mùa hoa quả: Khoảng tháng 3 đến tháng 11.
Rau tề phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới và cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, cây mọc nhiều ở miền Bắc như Sapa (Lào Cai), Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tây, Hà Nội; ở miền Nam thì có mọc ở Đà Lạt.
Rau tề là cây ưa ẩm và ưa sáng, có thể chịu bóng nhẹ. Cây thường mọc ở thành từng đám ở vùng đất ẩm như ruộng đồng, nương rẫy, đất hoang.
Cây phát triển mạnh vào mùa hè và tàn lụi vào mùa thu. Thu hái vào lúc cây ra hoa hoặc mới bắt đầu ra quả. Cây có thể trồng từ hạt.
Rau tề sau khi thu hái, rửa sạch, cắt bỏ rễ. Có thể dùng tươi trực tiếp như thực phẩm rau xanh hoặc phơi khô dùng dần.
Cây rau tề mọc gần sát mặt đất.
Bộ phận dùng của rau tề là toàn cây trừ rễ.
Thành phần hóa học của rau tề gồm có:
Lá: Acid ascorbic, vitamin K1.
Toàn thân: Bursin, cholin, diosmin, acid thiocyanic, acid citric, acid malic, saponin, inositol, tinh dầu, acid amin như acid aspartic, prolin, methionin, leucin, alanin,…
Hạt: Dầu béo, acid linoleic.
Tính vị: Vị ngọt nhạt, tính mát.
Công dụng: Mát gan, giải độc, lợi tiểu, cầm máu, giảm ho.
Chữa ho ra máu, sỏi tiết niệu, tiểu ra máu, rong kinh huyết, hành kinh kéo dài, cảm sốt cao, tiểu ra dưỡng chấp, bệnh scorbut, động kinh.
Theo Y học dân gian Trung Quốc, rau tề còn dùng chữa tiểu đục.
Theo Ấn Độ, cây được dùng để trị tiêu chảy, lợi tiểu giảm phù.
Theo Nepal, hạt rau tề được giã nát và đắp lên ngực để chữa đau ngực.
Theo Italia, người ta dùng nước sắc để uống trị bệnh lỵ, dùng lá cầm máu.
Theo Bản thảo cương mục, rau tề giúp lợi gan mật, rễ dùng chữa đau mắt, làm sáng mắt, tốt cho tiêu hóa, rễ và lá đốt thành than chữa xích bạch lỵ.
Theo dân gian, rau tề dùng tươi để nấu cháo, ép nước uống hoặc làm bánh khúc tề thái, dùng cho các loại xuất huyết, phù nề, đau mắt đỏ, viêm đường tiết niệu.
Tác dụng cầm máu
Nghiên cứu trên động vật, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc uống cao lỏng rau tề giúp cầm máu do nhiều nguyên nhân. Acid bursic có tác dụng cầm máu.
Co bóp tử cung, ruột
Cao lỏng rau tề có khả năng gây co bóp tử cung trên chuột, thỏ, mèo và gây co bóp ruột độc lập.
Gây hạ huyết áp
Cao lỏng rau tề có tác dụng gây hạ huyết áp ở động vật thì nghiệm khi tiêm dưới da.
Giảm băng huyết sau sinh
Theo nghiên cứu tại bệnh viện Afzalipour (Kerman) năm 2015 (100 người) công bố trên tạp chí The Journal of Alternative and Complementary Medicine, cho kết quả rau tề có thành phần giúp giảm tình trạng băng huyết sau sinh.
Ngoài ra, nghiên cứu khác đăng trên tạp chí The Journal of Alternative and Complementary Medicine cho thấy chiết xuất từ rau tề có tác dụng cầm máu, giảm xuất huyết quá mức ở những người bị chảy máu kinh nguyệt quá nhiều.
Chữa ho ra máu, sỏi tiết niệu, tiểu ra máu, rong kinh huyết, hành kinh kéo dài, cảm sốt cao, tiểu ra dưỡng chấp
Liều 40g (cây khô) hay 80g (cây tươi sắc uống), có thể phối hợp thêm vị thuốc khác.
Chữa lỵ ra máu
Liều 8g (sấy khô tán nhỏ).
Mát gan, giải độc, chữa mắt mờ
Nấu cháo ăn hàng ngày.
Chữa đau mắt hạt, giúp sáng mắt
10 đến 20g rễ, sắc uống.
Chữa lỵ mạn tính
10 đến 20g hoa, sắc uống.
Chữa mụn nhọt, trĩ
Rau tề tươi giã nát và đắp lên mụn nhọt, trĩ.
Chữa tiểu đục
6 đến 12g, dạng thuốc sắc, cao lỏng.
Trị chảy máu cam, chảy máu chân răng
Chè tề thái mứt táo ngó sen
Chuẩn bị: Rau tề thái 60g, Ngó sen 20g, mứt Táo 5 quả.
Thực hiện: Nấu các vị thuốc trên dạng thuốc sắc hoặc nấu canh, chè và ăn cả nước lẫn cái.
Canh tề thái xương heo
Chuẩn bị: Rau tề thái tươi 100g, xương heo 80 – 100g.
Thực hiện: Xương heo chặt nhỏ, hầm với rau tề thái và dùng như món canh. Dùng 1 – 2 lần vào bữa chính.
Giảm xuất huyết quá mức ở phụ nữ kinh nguyệt nhiều
Canh tề thái thịt heo
Chuẩn bị: Rau tề thái 30g, thịt heo 100g.
Thực hiện: Nấu canh ăn.
Bài 1
Chuẩn bị: Rau tề thái 15g.
Thực hiện: Sắc rau tề thái 200ml còn 100ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa tiểu máu
Canh tề thái trứng gà
Chuẩn bị: Rau tề thái tươi 200g, trứng gà 1 đến 2 quả.
Thực hiện: Rau tề thái rửa sạch cắt nhỏ nấu thành canh. Khi rau chín nhừ, thêm trứng gà và nêm gia vị vừa ăn.
Chữa phế ung, phổi có nước, tức ngực khó thở, không nằm được, toàn thân phù thũng
Chuẩn bị: Rau tề thái 20g, Đại táo 5 quả.
Thực hiện: Cắt mỏng đại táo, sắc uống trong ngày.
Trị trướng bụng, tiểu ít
Bài 1
Chuẩn bị: Rau tề thái 20g, Đình lịch tử 20g, Trần bì 8g.
Thực hiện: Sắc uống.
Bài 2
Chuẩn bị: Tề thái, Đình lịch sao, lượng bằng nhau.
Thực hiện: Tán nhỏ các vị trên, làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống 1 viên với nước sắc vỏ quýt. Ngày 3 lần.
Chữa tăng huyết áp, xuất huyết đáy mắt, choáng váng đau đầu
Chuẩn bị: Rau tề thái tươi 50g.
Thực hiện: Sắc nước uống thay trà mỗi ngày.
Chữa phùng thũng, băng huyết sau sinh
Chuẩn bị: Rau tề thái tươi 30 – 50g.
Thực hiện: Sắc nước uống hằng ngày.
Chữa ho khạc ra máu
Chuẩn bị: Rau tề thái tươi 30g, Ngó sen 30g.
Thực hiện: Sắc nước uống.
Điều trị rong kinh
Chuẩn bị: Rau tề tươi.
Thực hiện: Rau tề rửa sạch, cắt nhỏ rồi sắc với một chén nước, để sôi vài phút rồi tắt và cứ 2 tiếng thì uống một tách nhỏ (tách uống trà), uống liên tục. Uống khoảng 2 ngày thì sẽ cầm máu được.
Điều trị tiểu ra dưỡng chấp
Chuẩn bị: Rễ cây rau tề 120 g.
Thực hiện: Rễ rau tề thái nhỏ, nấu lấy nước uống. Uống liên tục từ 1 đến 3 tháng thì sẽ thấy hiệu quả.
Điều trị lao thận
Chuẩn bị: Rau tề 30 g.
Thực hiện: Rau tề thái nhỏ, nấu sôi với 3 chén nước còn 1 chén thì cho thêm 1 quả trứng vào và uống.
Điều trị lỵ mạn tính
Chuẩn bị: Hoa của cây rau tề.
Thực hiện: Hoa rửa sạch, sấy khô và nghiền thành bột mịn, để dùng dần. Mỗi lần dùng, lấy 8 g bột ấy hòa với nước cơm rồi uống.
Chưa có báo cáo.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/capsella-bursa-pastoris-l-medik.html
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2)
Sức khỏe đời sống: //suckhoedoisong.vn/
Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế: //moh.gov.vn/
Cây thuốc: //caythuoc.org/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.