Tên tiếng Việt: Rong nho.
Tên gọi khác: Trứng cá muối xanh, nho biển, côn bố.
Tên khoa học: Caulerpa lentillifera J. Agardh. Họ Caulerpaceae.
Rong nho là một loại tảo đa bào, có hình dáng giống trứng cá nhưng có màu xanh, mọc thành chùm trong nước biển như chùm nho.
Cấu tạo rong nho bao gồm phần thân và nhánh gắn vào đá, cát hay nền đáy khác bằng các sợi rễ nhỏ màu trắng. Từ thân, nhánh mọc ra các lá có hình tròn, đường kính 2mm. Bên trong lá chứa đầy chất dịch, dạng gel.
Nhiệt độ thích hợp để rong nho phát triển là 22°C – 28°C, dưới 22°C rong nho có thể ngừng phát triển.
Độ mặn: 30‰ trở lên, pH: 7,5 – 8 và tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
Rong nho tăng trưởng khá nhanh, sau 25 – 30 ngày là có thể thu hoạch. Kích thước thương phẩm từ 5cm trở lên.
Trong tự nhiên, rong nho phân bố ở vùng Đông và Đông Nam Á, các vùng biển ấm Thái Bình Dương như: Philippines, Micronesia, Java, Bikini, Nhật Bản… những vùng vịnh kín sóng, nước biển trong và có độ mặn cao.
Rong nho còn được tìm thấy ở đảo Phú Quý ( Phan Thiết), Việt Nam. Nhưng kích thước chỉ bằng 1/4 – 1/3 so với kích thước rong nho ở Nhật Bản.
Hiện ở Việt Nam đã trồng thành công loại rong nho có giống từ Nhật Bản tại Đông Hà, Hải Ninh, Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa.
Thành phần dinh dưỡng chính: Protein (7,4%), Lipid (1,2%).
Chứa khoảng 20 amino acid trong đó có 10 amino acid cần thiết cho con người như Lysine, Tryptophan, Valine, Histidine, Isoleucine, Methionine,…
Các khoáng đa lượng: Calci (2,1%), Magnesi (1,2 %), Kali, Natri, Phosphor…
Các khoáng vi lượng: Iod, Sắt, Kẽm, Đồng, Mangan, Coban…
Các Vitamin A, B, C…
Ngoài ra, loại rong này còn chứa các chất chống oxy hóa bao gồm Flavonoid, Caulerpin, Caulerpenyne, Siphonaxanthin.
Rong nho có một số công dụng với sức khỏe như:
Đối với sức khỏe tim mạch
Rong nho chứa các acid béo không bão hòa AA, LA, DHA, EPA và ALA giúp giảm cholesterol, tăng tính co giãn của mạch máu. Các acid trong rong còn có tác dụng ngăn ngừa oxy hóa, duy trì cấu trúc collagen của động mạch, qua đó giúp ngăn ngừa các căn bệnh như đột quỵ, xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim.
Siphonaxanthin là một loại carotenoid được tìm thấy trong rong nho; và đã được chứng minh là có khả năng ngăn chặn tình trạng viêm, là yếu tố góp phần quan trọng, tác động vào cơ chế giảm xơ vữa động mạch.
Peptide có hoạt tính ức chế men chuyển angiotensin-I (ACE) từ sản phẩm thủy phân protein của rong nho cho thấy tiềm năng ngăn ngừa tăng huyết áp.
Hỗ trợ tiêu hóa
Rong nho chứa lượng calo và đường rất thấp nên không gây đầy bụng, lượng polysaccharides trong thực phẩm này trải qua quá trình tiêu hóa trong dạ dày, và được lên men bởi vi khuẩn đường ruột giúp chúng ta dễ dàng tiêu hóa thức ăn và bài tiết chất thải một cách nhanh chóng. Ngoài ra, rong nho chứa 17,5% tổng số chất xơ trong đó 16,6% là chất xơ không hòa tan. Hầu như tất cả chất xơ không hòa tan không được chuyển hóa thành năng lượng, làm tăng cảm giác no và cải thiện thể tích của phân, giúp kích thích đại tiện.
Làm đẹp da
Rong nho là thực phẩm có hàm lượng nước và chất khoáng cao, giúp cung cấp cho cơ thể một lượng lớn nước để nuôi dưỡng các tế bào, đặc biệt là các tế bào biểu bì da, giúp da luôn căng bóng và khỏe mạnh. Các acid béo có trong rong nho sẽ giúp bảo vệ màng tế bào, cải thiện tính đàn hồi của thành mạch máu, qua đó giảm các triệu chứng khô da. Rong nho cũng có khả năng sản xuất collagen và chất chống oxy hóa, hai chất được coi là “mỹ phẩm tự nhiên” giúp cải thiện da, tóc và làm chậm quá trình lão hóa rất tốt.
Chắc khỏe xương
Nói đến công dụng của rong nho không thể không nhắc đến khả năng chống viêm, giảm viêm xương khớp, bổ sung canxi, protein, các chất trong nhóm omega 3 giúp xương chắc khỏe hơn. Đặc biệt, các chất này trong rong nho còn có khả năng ngăn ngừa nguy cơ loãng xương rất tốt.
Phòng ngừa ung thư
Thường xuyên dùng chế độ ăn nhiều chất béo dẫn đến tăng nồng độ các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1β và IL-12 có liên quan đến tăng cân, tăng mỡ và glucose trong máu.
Hoạt động chống viêm in vitro của bốn polysaccharide tinh khiết là CLGP-1, CLGP-2, CLGP-3 và CLGP-4 chiết xuất từ rong nho đã được đánh giá có tác dụng ức chế hiệu quả trên các tế bào HT29 (dòng tế bào ung thư đại trực tràng ở người), bao gồm giảm sản xuất IL-1β, TNF-α, SIgA và mucin-2, đồng thời giảm biểu hiện của IL-1β và TNF-α.
Fucoidan được xem như một chất chống ung thư tự nhiên, có khả năng điều trị ung thư hiệu quả có nhiều trong các loại rong, tảo biển. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện ra rằng Fucoidan có thể khiến các tế bào bệnh bạch cầu, ung thư hạch, ruột kết và tế bào ung thư dạ dày tự thoái triển. Fucoidan cũng được phát hiện cho thấy có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch đáng kể và giúp giảm mức cholesterol trong máu.
Hỗ trợ giảm cân
Rong nho ít đường nhưng giàu calci, kẽm, sắt, protein thực vật, vitamin C và acid béo không bão hòa nên có thể coi là thực phẩm bổ dưỡng và an toàn cho trong trường hợp bạn bị thừa cân hay đang trong chế độ ăn kiêng. Chất xơ trong rong nho giúp đồ ăn được tiêu hóa lâu hơn, kéo dài thời gian làm trống ruột, tạo cảm giác no nên tác dụng hiệu quả với việc giảm cân.
Phòng ngừa một số biến chứng của đái tháo đường
Theo nhóm nghiên cứu đại học Deakin ở Victoria (Úc), vitamin C có vai trò trong việc cân bằng lượng đường máu đặc biệt có khả năng hỗ trợ giảm lượng đường sau ăn đến 36%. Vitamin C trong rong nho không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà còn giúp cơ thể kiểm soát lượng đường và hoạt động của các gốc tự do, giảm sự tích tụ sorbitol nội bào và ức chế sự gắn kết của glucose với protein.
Sự tích tụ sorbitol và sự glycosyl hóa có liên quan rất nhiều đến các biến chứng của tiểu đường, nhất là các biến chứng về mắt và thần kinh. Chính vì vậy, sử dụng tác dụng của rong nho trong việc phòng và hỗ trợ điều trị tiểu đường là rất tích cực.
Tăng cường thị lực
Trong rong nho có hàm lượng vitamin A và sắt cao giúp cải thiện và tăng cường thị lực, đồng thời ngăn ngừa các chứng bệnh về mắt như quáng gà, khô mắt…
Hiện nay, còn ít thông tin về liều lượng thực phẩm này nên dùng bao nhiêu là hợp lý. Theo các báo cáo tại Nhật Bản – quốc gia tiêu thụ lượng rong nho chủ yếu trên thế giới, con người cần sử dụng 5,8g/ ngày với liều lượng tương đương với nghiên cứu hiện tại.
Hiện nay, trên thị trường có hai loại rong nho chính: Rong nho tươi và rong nho tách nước (rong nho khô).
Rong nho tươi là loại rong được thu hoạch và bảo quản lạnh, có thời hạn sử dụng rất ngắn. Tốt nhất nên sử dụng rong nho tươi trong vòng 3 – 5 ngày kể từ khi thu hoạch. Tuy nhiên, với công nghệ bảo quản hiện nay thì một số nơi đã sản xuất được rong nho tươi đông lạnh. Loại rong này vẫn là rong tươi, còn nguyên nước nhưng được cấp đông. Giá trị dinh dưỡng và độ thơm ngon, tươi giòn của loại đông lạnh sẽ không bằng rong tươi. Thời gian sử dụng rong nho tươi đông lạnh lên đến 3 – 4 tuần.
Rong nho tách nước (rong nho khô): Loại rong này phổ biến hơn trên thị trường do đã được sơ chế để tách nước, được đóng gói trong túi chân không, nên có thể bảo quản được từ 6 – 8 tháng mà không cần trữ lạnh. Khi chế biến rong nho khô, cần ngâm nước để rong nở và ngấm nước. Rong nho khô tuy vẫn giữ nguyên được độ ngon, giòn nhưng giá trị dinh dưỡng sẽ giảm bớt.
Rong nho có thể sử dụng để ăn liền hoặc chế biến thành salad, hay nấu canh đều rất ngon.
Chúng ta cần rửa sạch rong nho nhiều lần với nước để loại bỏ đất cát và muối mặn. Cần mua rong chất lượng tại các cơ sở sản xuất uy tín, được nuôi trồng tại vùng biển sạch, không bị ô nhiễm. Không nên sử dụng loại rong bị cũ, mốc, hoặc để quá lâu trong không khí.
Do hàm lượng muối biển nhiều trong rong nên khi ăn cần được rửa kĩ và không lạm dụng để tránh tăng nguy cơ mắc và nặng thêm tình trạng bệnh tăng huyết áp, bệnh thận mạn, suy tim.
Ngoài ra, trong rong nho chứa hàm lượng iot khá cao. Vì vậy, người có bệnh lý tuyến giáp như: Cường giáp, suy giáp, phì đại tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp cần lưu ý khi sử dụng.
Trong bữa ăn hàng ngày, người ta thường trộn chung với các loại gỏi, salad, đồ chua. Có thể thêm rong nho vào các món sashimi. Không nên chế biến rong nho ở nhiệt độ quá cao, nấu thời gian lâu sẽ làm giảm đáng kể lượng dinh dưỡng trong loại thực phẩm này và làm mất hương vị thơm ngon của nó.
Những năm gần đây, rong nho là loại thực phẩm rất phổ biến, được truyền thông mạnh và được sử dụng rộng rãi trong bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thực phẩm này. Bạn nên tìm hiểu về thông tin của các loại thực phẩm và những vấn đề lưu ý đến sức khỏe để lựa chọn nguồn thực phẩm phù hợp và không nên lạm dụng để đề phòng các tác hại không mong muốn.
Nguồn Tham Khảo:
- Patricia Matanjun, Suhaila Mohamed, et al. (2009). Nutrient content of tropical edible seaweeds, Eucheuma cottonii, Caulerpa lentillifera and Sargassum polycystum. Journal of Applied Phycology ; 21, pp. 75 – 80.
- Yujiao Sun, Zhengqi Liu, et al. (2020). International Journal of Biological Macromolecules; 146, pp. 931 – 938.
- Ryan du Preez, Marwan E. Majzoub, et al . (2020). Metabolites; 10(12), pp. 500.
- Cesarea Hulda Joel, Christoper C. Y. Sutopo, et al. (2018). Screening of Angiotensin-I Converting Enzyme Inhibitory Peptides Derived from Caulerpa lentillifera. Molecules; 23(11), pp. 3005.
- Patricia Matanjun, Suhaila Mohamed (2010). Comparison of Cardiovascular Protective Effects of Tropical Seaweeds, Kappaphycus alvarezii, Caulerpa lentillifera, and Sargassum polycystum, on High-Cholesterol/High-Fat Diet in Rats. Journal of Medicinal Food; 13(4).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.