Tên gọi: Nhân sâm Ấn Độ, anh đào mùa đông, Ashwagandha (Tiếng Phạn: Mùi của ngựa); Indian Ginseng; Winter Cherry; poison gooseberry; nhân sâm…
Tên khoa học:Withania somnifera họ Solanaceae (Cà).
Sâm Ấn Độ là một loại cây bụi sống lâu năm, cây khá nhỏ, mọc thẳng đứng hoặc tỏa rộng ra, rất hiếm cây khi rủ xuống, cao từ 60 cm đến khoảng 100 (200) cm. Bộ phận non của các nhánh rậm, tỏa ra từ trung tâm, bao phủ bởi các lông ngắn hình sao.
Rễ Sâm Ấn Độ khá mập, thịt dày, có màu nâu nhạt, phần thân bên dưới cứng, phân nhánh và nhiều rễ phụ.
Lá đơn, mọc cách, có màu xanh trắng nhạt, các lá bên trên đa số mọc đối, không có lá kèm, cuống lá dài từ 0,5 – 3,5 cm với vỏ bọc hình trứng đến obovale bên dưới.
Cây có phát hoa hình chùm ở nách, có từ 2 – 8 hoa. Hoa lưỡng tính nhỏ, hình chuông, đứng thẳng hoặc rủ xuống, 5 cánh, màu vàng nhạt đến trắng xanh. Cuống hoa dài 2 – 5 mm. Đài hoa có hình chuông, ống đài dài 3 – 5,5 mm, thùy có hình tam giác dài từ 1 – 3 mm, được bao phủ bởi nhiều lông rậm hình sao. Vành hoa có hình chuông hoặc hình quặng, dài từ 5 – 8 mm, có các lông rậm, thùy hình tam giác dài từ 2 – 2,5 mm. Nhụy hoa chỉ dài từ 2,5 – 3 mm.
Quả mọng dạng hình cầu rủ xuống, đường kính từ 5 -7 mm, khi trưởng chín có màu cam đến đỏ tươi, bên trong chứa nhiều hạt hình thận có kính thước từ 2 – 2,5 mm × 1,5 – 2 mm, hạt có màu cam đến màu đỏ tươi hoặc màu nâu nhạt, với các nếp nhăn hình mạng lưới.
Sâm Ấn Độ, một loại cây bụi mọc chủ yếu ở Ấn Độ, còn được gọi là Ashwagandha, có nghĩa là mùi của ngựa. Nó được đặt tên như vậy vì rễ tiết ra mùi giống mùi mồ hôi ngựa. Loại cây này có nguồn gốc từ Ấn Độ và nó phát triển tốt nhất ở các vùng khô. Đây là loại cây có khả năng chịu được độ chênh nhiệt độ rất cao và rất thấp, dao động từ 40 – 10°C.
Rễ Sâm Ấn Độ được thu hoạch vào mùa thu, đem sấy khô để bảo quản sử dụng về sau.
Bộ phận dùng của Cây Sâm Ấn Độ chủ yếu là Rễ. Ngoài ra còn dùng hạt và hoa.
Sâm Ấn Độ có chứa hơn 40 withanolides (đó là những lactone triterpene), khoảng 12 alcaloid và nhiều sitoindoside.
Những alcaloides của những loại piperidine và pyrrolidine:
Anaferine.
Anahygrine.
Isopelletierine.
Cuscohygrine.
Những alcaloid loại tropane:
Pseudotropine.
Tropine và những dẫn xuất của nó.
Những withanolides:
Withanone.
Withaferin A.
Withanolides A, D, an G.
Những sitoindosides IX, X, VII và VIII.
Sâm Ấn Độ có một ý nghĩa rất lớn trong y học phương Đông, đặc biệt là trong hệ thống y học Ấn Độ cổ đại – Ayurveda.
Sâm Ấn Độ cho các đặc tính phục hồi sức khỏe và được sử dụng như một phương thuốc: Chống viêm, chữa vẩy nến, bệnh viêm phế quản, bệnh suyễn, tăng huyết áp hay nhiễm trùng đường ruột…
Nghiên cứu khoa học cho thấy Sâm Ấn Độ có tính chống viêm, chống oxy hóa, chống stress, an thần. Nhiều công thức được tạo ra từ Sâm Ấn Độ cải thiện các vấn đề về cơ xương như viêm khớp và thấp khớp. Sâm Ấn Độ cũng hoạt động như một chất bổ sung làm tăng năng lượng, và cải thiện sức khoẻ tổng thể và tuổi thọ. Các nghiên cứu gần đây về Sâm Ấn Độ được tiến hành tại Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Nhật Bản đã báo cáo rằng lá nó có thể ức chế có chọn lọc các tế bào ung thư.
Trong một nghiên gần đây, việc sử dụng thảo dược Sâm Ấn Độ có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa nguy cơ mất các chức năng não bộ ở bệnh nhân mắc các bệnh thoái hóa thần kinh, như bệnh Huntington, bệnh Alzheimer hay bệnh Parkinson…
Những thông tin về liều dùng khá giới hạn.
Mỗi nghiên cứu sử dụng một liều lượng khác nhau. Có nghiên cứu dùng liều từ 125 – 1250 mg. Có những nghiên cứu dùng liều cấp tính là từ 300 đến 500 mg, liều tối ưu là 6000 mg/ngày (uống 3 lần).
Sâm Ấn Độ có thể dùng dưới dạng bột, sắc uống, dùng dưới dạng trà uống hay dưới dạng dầu xoa, thuốc dán đắp dùng ngoài. Hiện nay Sâm Ấn Độ còn được điều chế dưới dạng viên nang trong các thực phẩm sức khỏe để uống.
Giúp làm giảm sự căng thẳng và lo lắng: Sử dụng khoảng 240 mg mỗi ngày có thể làm giảm nồng độ cortisol, một hormone gây căng thẳng trong cơ thể.
Cải thiện bệnh viêm khớp: Có một số đặc tính chống viêm, được sử dụng hiệu quả trong việc điều trị các dạng viêm khớp, kể cả viêm khớp dạng thấp. Dùng dán đắp lá tươi và rễ trên những chi (tay chân) mắc phải bệnh thấp khớp.
Cải thiện hệ tim mạch: Dùng uống dưới dạng bột.
Điều trị chứng tiểu khó, bệnh lậu, rối loạn tiêu hóa: Uống nước nấu sắc của rễ.
Kiêng ky.
Phụ nữ có thai không nên sử dụng vì có thể gây hại cho thai nhi.
Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng.
Nguồn Tham Khảo:
- //moh.gov.vn/documents/20182/212437/89217.%20D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%202%20TCVN%20Withanolide%20(9).doc/276416ea-f6e1-482b-9368-dfe07aa95181.
- medicalnewstoday.com.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.