Tên Tiếng Việt: Sâm Cao Ly.
Tên khác: Sâm Triều Tiên; Sâm Hàn Quốc; Nhân sâm; Viên sâm.
Tên khoa học:Panax ginseng C. A. Mey. Đây là một loài thực vật có hoa thuộc họ Araliaceae (họ Sâm Cao Ly).
Sâm Cao Ly là loài cây thân thảo sống lâu năm, cao khoảng 0,6m.
Lá kép mọc vòng, gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Cuống lá dài. Số lượng lá kép và lá chét tăng theo tuổi thọ của cây, nhưng một cây mọc tối đa 4 – 5 lá kép và mỗi lá kép có tối đa 6 lá chét (thường là 5 lá). Lá chét hình trứng, mép lá có răng cưa sâu.
Rễ mọc thành củ dày, nạc, có hình giống củ cà rốt, có nhiều rễ phụ, màu vàng nhạt đến trắng kem. Mỗi củ có đường kính 5 – 30mm và dài khoảng 5 – 25cm.
Cây bắt đầu ra hoa và kết quả vào năm thứ 3 trở đi. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, màu xanh nhạt, nở vào mùa hạ. Mỗi hoa có 5 cánh, 5 nhị và bầu hạ 2 núm.
Quả mọng hơi dẹt, to bằng hạt đậu xanh và chuyển sang màu đỏ khi chín, bên trong chứa 2 hạt.
Mùa hoa vào tháng 3 – 5 và mùa quả vào tháng 6 – 8.
Sâm Cao ly sinh trưởng tự nhiên chủ yếu ở vùng núi thuộc phía bắc CHDCND Triều Tiên, vùng Viễn Đông Liên bang Nga và Trung Quốc. Từ lâu đời, cây cũng đã được trồng ở những khu vực này. Những năm gần đây, Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả ở Việt Nam cũng đã nhập giống cây này về trồng. Tuy nhiên, hiện này Việt Nam vẫn chưa trồng thành công Sâm Cao Ly dù đã thử rất nhiều lần.
Thu hoạch: Đào lấy củ Sâm, giũ và rửa sạch đất cát, chần sơ qua nước sôi. Sau đó, cắt bỏ rễ con và bóc bỏ lớp vỏ ngoài.
Chế biến:
Bạch sâm: Phơi khô nguyên củ Sâm không đủ tiêu chuẩn để chế Hồng sâm đã được sơ chế trong 7 – 15 ngày.
Hồng sâm: Lựa củ Sâm nặng tối thiểu 37g, rửa sạch đất cát và để nguyên rễ con. Cho củ vào nồi hấp hơi nước ở 2 atm, nhiệt độ 80 – 90oC trong 1 giờ 20 phút – 1 giờ 30 phút. Tiếp tục sấy khô ở nhiệt độ 50 – 60oC (trong 8 – 10 giờ) hoặc 60 – 70oC (trong 6 – 7 giờ). Sau đó, rứt các rễ con bằng tay và để riêng gọi là tu Sâm. Phơi nắng những củ Sâm trong 7 – 15 ngày (tuỳ theo kích cỡ).
Ngoài ra, cũng có thể chế các loại Sâm sau:
Sinh sát sâm: Rửa sạch đất cát bám trên củ và để nguyên vỏ.
Đại lực sâm: Nhúng củ Sâm đã sơ chế vào nước sôi vài phút rồi lấy ra và phơi khô.
Tu sâm: Rễ con của củ dùng để chế Hồng sâm.
Thêm gừng để làm tăng “tính ấm” của Sâm: Rửa sạch gừng, cạo bỏ lớp vỏ ngoài, giã nát vắt lấy nước cốt, tẩm vào Sâm phiến với tỷ lệ 1kg Sâm dùng 0,1kg gừng tươi. Sau đó, ủ 30 phút cho ngấm hết nước gừng rồi sao trên nhỏ lửa cho đến khi củ khô hẳn.
Rễ củ của cây Sâm Cao Ly được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu.
Sâm Cao Ly chứa nhiều Saponin, chủ yếu là các chất thuộc nhóm dammaran, protopanaxadiol và protopanaxatriol: Ginsenosides Ro, Re , Ra1, Ra2, Rh1, Rh2, Rg1, Rg2, Rg3… Các ginsenosides này có tác dụng: Kiểm soát kết tập tiểu cầu, giảm xơ cứng động mạch, giải độc, chống viêm gan, hạ đường huyết và kháng đái tháo đường, tăng cường sinh lý, giảm đau do tác động đến tế bào thần kinh não, ngăn ngừa loét dạ dày…
Thành phần Ginsenoside Rh2 và Rg3 có thể ngăn ngừa bệnh ung thư nhờ tác dụng kìm hãm sự phát triển của khối u. Hiện nay, các nhà khoa học đã bào chế được các loại thuốc chứa 2 thành phần này để hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư.
Các thành phần Malnonyl Rb1, Rb2, Rc, Rd có tác dụng duy trì thể trạng, chống lại quá trình lão hóa của cơ thể và kéo dài tuổi xuân. Dựa vào đó, nhiều loại kem chứa chiết xuất Hồng Sâm dùng giảm các vết nám, chống lão hóa, làm đẹp da đã được sản xuất và bán ra thị trường.
Ngoài ra, Sâm Cao Ly còn chứa 20 loại khoáng chất Fe, Mn, Co, Se, K; 7 hợp chất polyacetylen; 17 acid béo gồm acid stearic, acid palmitic, acid oleic… trong đó có 8 loại acid cần thiết cho cơ thể; glucid, tinh dầu…
Sâm Cao Ly có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, quy vào các kinh: Tâm, can, tỳ, phế, thận; có tác dụng sinh tân, đại bổ nguyên khí, bổ tỳ ích phế, tăng tuổi thọ, phục mạch cố thoát, an thần, chữa đau dạ dày ruột, ngăn nôn mửa.
Sâm Cao Ly là một vị thuốc bổ quý hiếm trong y học cổ truyền, làm tăng trí lực và thể lực, phù hợp cho bệnh nhân cơ thể suy yếu, mệt mỏi, kiệt sức, trong thời gian dưỡng bệnh. Ngoài ra, theo Dược điển một số nước, có thể dùng Sâm Cao Ly chữa bệnh đái tháo đường, tim mạch, suy nhược thần kinh, dương ủy. Theo Y học cổ truyền, Sâm Cao Ly chủ trị: tim đập nhanh gây hồi hộp, tràn dịch tổn thương thở khó, ho hen, miệng khát, suy nhược cơ thể, đái tháo đường, lạnh cung, mất máu, dương ủy, tỳ hư tiết tả.
Đối với hệ thần kinh trung ương
Sâm Cao Ly có tác dụng đặc biệt với hệ thần kinh trung ương, chủ yếu là tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ đại não, đồng thời có thể tăng cường quá trình ức chế, cải thiện tính linh hoạt của hoạt động thần kinh, hồi phục bình thường khi có sự rối loạn giữa hai quá trình trên. Sâm Cao Ly đối kháng với tác dụng ức chế phản xạ có điều kiện của morphin và ethanol. Sâm Cao Ly còn nâng cao khả năng làm việc bằng thể lực và trí lực của người.
Sâm Cao Ly dùng với liều tương đối lớn có tác dụng gây trấn tĩnh, làm giảm hoạt động tự nhiên của động vật thí nghiệm. Sâm Cao Ly đối kháng đối với tác dụng gây co giật của các thuốc kích thích thần kinh trung ương, đối với hiệu lực gây ngủ của nembutal, Sâm Cao Ly có tác dụng hiệp đồng; còn trên thí nghiệm mãn tính, Sâm Cao Ly không thể hiện tác dụng gây trấn tĩnh hoặc gây hưng phấn. Về cơ chế tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương, có thể là Sâm Cao Ly làm tăng quá trình sinh tổng hợp và giải phóng acetylcholin, đồng thời làm giảm nồng độ serotonin trong não chuột. Đối với người, Sâm Cao Ly có tác dụng cải thiện giấc ngủ rõ rệt, liều lớn làm xuất hiện tác dụng gây trấn tĩnh
Đối với hệ miễn dịch
Sâm Cao Ly có khả năng tăng sức đề kháng không đặc hiệu của cơ thể đối với những yếu tố gây độc như nhiễm độc do chiếu xạ, nhiễm độc rượu, ung thư, lây nhiễm virus, carbon tetrachloride, stress tinh thần, thiếu oxy… Dùng Sâm Cao Ly dài ngày còn có thể phòng ngừa phản ứng sốt khi tiêm vaccin gây nên, phòng ngừa sốc quá mẫn, giảm độc tính một số chất độc (benzen) đối với cơ thể, triệu chứng do thiếu vitamin B1, B2 gây nên. Tuy nhiên, Sâm Cao Ly không có tác dụng đối kháng histamin và adrenalin.
Đối với hệ nội tiết
Với trục tuyến yên – vỏ thượng thận: Sâm Cao Ly không có tác dụng kiểu corticoid, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến trục tuyến yên – vỏ thượng thận. Các gingsenoid đều có tác dụng chống kích ứng, ức chế rõ rệt thay đổi về trọng lượng của tuyến ức, tuyến thượng thận, tuyến giáp và lách trong quá trình phản ứng kích ứng; có ảnh hưởng rõ rệt đối với hàm lượng cholesterol và vitamin C trong tuyến thượng thận.
Với thử nghiệm trên tuyến sinh dục của động vật, Sâm Cao Ly không có tác dụng kiểu nội tiết sinh dục, nhưng có thể kích thích tuyến yên tiết các hormon hướng sinh dục, thúc đẩy quá trình trưởng thành giới tính, kéo dài thời kỳ động dục, tăng cường khả năng giao và kích thích sự sinh tinh. Ngoài ra còn tăng cường thời gian sống và khả năng hoạt động của tinh trùng ở ngoài cơ thế.
Với các tuyến nội tiết khác, dùng Sâm Cao Ly liều lớn trong thời gian ngắn có thể tăng cường hoạt động tuyến giáp. Thành phần panaxoside trong thân, rễ và lá Sâm Cao Ly có tác dụng kháng lợi niệu, do thúc đẩy tuyến thượng thận tiết hormone corticosterone.
Đối với chuyển hóa chất
Chuyển hóa đường: Sâm Cao Ly có tác dụng làm hạ đường huyết, cải thiện các triệu chứng chung nhưng không thể thay thế insulin trong điều trị. Tác dụng của Sâm Cao Ly đối với chuyển hóa đường về cơ chế chưa được làm rõ hoàn toàn. Một số nghiên cứu cho rằng, Sâm Cao Ly thúc đẩy quá trình phân hủy đường, tăng cường hô hấp tế bào, tăng cường chuyển hóa năng lượng.
Các chuyển hóa khác: Sâm Cao Ly thúc đẩy sinh tổng hợp acid ribonucleic. Với liều lượng thích hợp, Sâm Cao Ly làm tăng tỷ lệ albumin/globulin trong huyết tương và tăng thể trọng chuột. Sâm Cao Ly và panaxoside có tác dụng hạ nồng độ cholesterol trên thỏ bị tăng cholesterol huyết nhưng không ảnh hưởng đến thỏ bình thường. Adenosin chiết từ cao nước Sâm Cao Ly có tác dụng tăng cường hình thành lipid và tích lũy AMP vòng ở các tế bào mỡ; một vài ginsenoside lại ức chế phân hủy lipid do ACTH gây nên và ngăn chặn quá trình hình thành lipid do insulin.
Đối với tuần hoàn
Với tim: Sâm Cao Ly có tác dụng tăng cường sức co bóp. Sâm Cao Ly còn làm giảm hoặc mất rối loạn nhịp tim do adrenalin và chloroform gây nên, cải thiện loạn nhịp trên một số đối tượng nhất định.
Với huyết áp: Sâm Cao Ly dùng liều nhỏ gây tăng huyết áp nhẹ, còn với liều lớn lại có tác dụng hạ huyết áp. Hiện tượng hạ áp là do tác dụng làm giãn huyết quản của Sâm Cao Ly; atropin ức chế được hiện tượng này. Sâm Cao Ly có chứa choline, liên quan đến khả năng gây giãn động mạch vành, mạch não và đáy mắt. Các ginsenoside phong bế tác dụng gây co mạch của norepinephrine và ức chế sự thu nạp Ca2+ trong màng cơ tim; tác dụng ức chế sự thu nạp Ca2+ trong màng sợi cơ cũng có thể tham gia vào cơ chế gây giãn mạch.
Các tác dụng khác
Sâm Cao Ly chỉ làm biến màu tế bào hồng cầu mà không làm tan máu. Sâm Cao Ly không có ảnh hưởng rõ rệt đối với số lượng hồng bạch cầu ngoại vi và hiện tượng đông máu. Tiêm dung dịch Sâm Cao Ly làm tăng hàm lượng erythropoietin trong tủy sống. Sâm Cao Ly thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp protein và acid nucleic trong tế bào gan, tinh hoàn, tủy xương và tổng hợp albumin huyết thanh.
Sâm Cao Ly có thể gây loét dạ dày vì vậy đối với bệnh nhân viêm loét dạ dày nên cẩn thận khi dùng dược liệu này. Trong thử nghiệm trên động vật, thành phần tan trong nước của Sâm Cao Ly có tác dụng kích thích co bóp ruột; saponin toàn phần và polysaccharide của Sâm Cao Ly giúp điều trị và phòng ngừa nhiễm xạ, ức chế khối u nhưng không có tác dụng trên sarcoma. Sâm Cao Ly có tác dụng ức chế với một số vi khuẩn như trực khuẩn lao và đơn bào nhất định.
Liều dùng hàng ngày là 2 – 4g ngoài những chỉ định đặc biệt (như dùng cho cấp cứu).
Cách dùng lát cắt ngậm, sắc với nước, ngâm rượu thuốc, bào chế thành dạng cao hoặc hoàn tán. Thường được phối hợp với các vị thuốc khác như Đương quy, Phụ tử, Tỳ bà, Ngũ vị tử, Tam thất, Thạch cao…
Độc sâm thang trị suy nhược sau khi mất máu nhiều, suy nhược thần kinh
Sắc 40g Sâm Cao Ly với 400ml nước (2 bát) đến khi còn 200ml (1 bát), cho uống từng ít một. Cần nằm yên khi uống xong.
Sâm phụ thang trị mạch suy kiệt, chân tay lạnh, mồ hôi ra nhiều
Sâm Cao Ly 40g (có thể 20g), Sinh khương 3 lát, Chế phụ tử 20g (có thể dùng 10g), Táo đen 3 quả và 3 bát nước, sắc đến khi còn 200ml (1 bát) chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Trị tì vị khí hư, chân tay đau mỏi, không muốn ăn, nôn mửa, mặt nhợt nhạt (Tứ quân tử thang)
Sâm Cao Ly 10g; Bạch truật và Phục linh mỗi vị 9g, Trích cảm thảo 6g; tán tất cả vị thuốc này thành bột. Mỗi lần sắc 6g bột với 200ml nước, đến khi còn 150ml, uống không kể thời gian.
Trị bệnh đái tháo đường (Ngọc hồ hoàn)
Nghiền Sâm Cao Ly và rễ qua lâu với lượng bằng nhau thành bột mịn, luyện với mật, làm thành hoàn to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 20 hoàn với thang Mạch môn đông.
Trị ợ chua, đau bụng, nôn ra nước trong, biếng ăn ở phụ nữ có thai (Tiểu địa hoàng hoàn cục phương)
Nghiền Sâm Cao Ly và Can khương với lượng bằng nhau thành bột rồi nhào với nước ép sinh địa tươi, làm thành viên hoàn to bằng hạt đậu. Mỗi lần uống 30 – 50 hoàn với nước cháo gạo trước bữa ăn.
Trị ngoại cảm phong hàn, ho nhiều đờm, đau đầu ngạt mũi, phát sốt sợ rét (Sâm tô ẩm)
Sâm Cao Ly, Bán hạ, Tô diếp, Cát căn, Phục linh, Tiền hồ, mỗi vị 22,5 g; Cam thảo, Trần bì, Chỉ xác, Cát cánh, Mộc hương, mỗi vị 15g; tán nhỏ trộn đều. Mỗi lần sắc 12g dược liệu với 150ml nước, thêm 7 lát gừng và 1 quả táo. Uống lúc thuốc còn nóng.
Trị ngũ tạng bất túc, tâm khí bất định, hoảng hốt, hay nổi nóng, ngủ hay mơ
Sâm Cao Ly và Bạch phục linh mỗi vị 90g; Xương bổ và viên chí (bỏ tâm) mỗi vị 60g. Nghiền thành bột rồi luyện với mật ong, làm thành hoàn to bằng hạt đậu và làm vỏ bao bằng chu sa. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng 7 hoàn, ăn với cơm nóng và cần nằm nghỉ khi dùng xong.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Sâm Cao Ly:
Không dùng Sâm Cao Ly trong trường hợp nhiệt chứng, thực chứng, phế thu hỏa tà, phàm tỳ vị nhiệt thực, ho nhiều đờm, đau tức ngực, táo bón, nấc, bụng có trùng tích đều không dùng Sâm Cao Ly.
Sâm Cao Ly tương kỵ với các dược liệu như ố tạo giác, lê lô, hắc đậu nên không được dùng chung.
Khi chế Sâm Cao Ly, không được dùng dụng cụ bằng sắt.
Sâm Cao Ly là một vị thuốc rất quý đã được sử dụng làm thuốc ở nhiều nước từ lâu đời. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Sâm Cao Ly có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
Dược điển Việt Nam V.
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).
Tra cứu dược liệu.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.