Sâm Việt Nam còn được gọi tên khác là Rhizoma et Radix Panacis vietnamensis; Sâm Ngọc Linh; Sâm K5 , có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thuộc họ Nhân sâm Araliaceae.
Sâm Việt Nam là loại cây thảo sống nhiều năm, cao khoảng 40 – 60cm, có khi cao tới 1m. Thân rễ nạc, đường kính 1 – 3,5cm, dài có thể tới 1m, có nhiều đốt, mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hằng năm để lại; trên thân rễ có nhiều rễ phụ, cuối thân rễ có củ gần hình cầu. Thân khí sinh mọc thẳng đứng, thường rụng hằng năm, nhưng đôi khi vẫn tồn tại 2 – 3 thân trong vài năm.
Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường là 3 – 5, ở ngọn thân; cuống lá kép dài 6 – 12 mm mang 5 lá chét mà lá chét giữa lớn hơn, dài 15cm, rộng 3,5cm; lá chét có phiến hình trứng ngược, hình mác ngược hay bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn có khi kéo dài thành mũi, gốc hình nêm, mép lá có răng cưa nhỏ đều, có lông ở cả hai mặt.
Cụm hoa ở cây 4-5 năm là một tán đơn trên cuống dài 10 – 20cm, đôi khi có thêm 1-4 tán phụ hoặc 1 hoa đơn độc; tán chính có 50-120 hoa; lá đài 5, hợp ở dưới thành hình chuông, cánh hoa 5, màu vàng lục nhạt.
Quả nang khi chín màu đỏ tươi thường có chấm đen ở đỉnh; hạt 1 – 2, hình thận, màu trắng hay vàng nhạt.
Đến nay, sâm Ngọc Linh mới chỉ phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh thuộc Quảng Nam và Kon Tum. Đây cũng là giới hạn xa nhất về phía Nam của bản đồ phân bố chi Panax L. trên thế giới. Những điểm trước đây có sâm Ngọc Linh mọc tự nhiên từ độ cao khoảng 1.500m đến 2.200m, chủ yếu tập trung ở 1.800 – 2.000m, thuộc địa bàn của huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) và Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Vào khoảng đầu tháng 1, sâm xuất hiện chồi mới. Cuối tháng 10, phần thân khí sinh tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và bắt đầu vào giai đoạn ngủ đông hết tháng 12, mùa đông cũng là mùa thu hoạch tốt nhất phần thân rễ của sâm. Khi thu hoạch, chỉ nên thu hoạch các củ sâm từ 3 năm tuổi trở lên, tốt nhất là trên 5 tuổi. Nhiều người thường thu hái nguồn sâm tự nhiên không có kế hoạch gây ảnh hưởng đến sản lượng của sâm này trong thiên nhiên.
Cách sơ chế và bảo quản: Rễ cây sau khi thu hoạch đem rửa sạch, phơi khô và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Bộ phận sử dụng được của Sâm Việt Nam là thân rễ và rễ củ – Rhizoma et Radix Panacis Vietnamensis.
Hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chủ yếu của cây sâm Ngọc Linh cũng như các loài sâm khác trên thế giới, trong Sâm Việt Nam hàm lượng saponin toàn phần ở thân rễ và rễ củ rất cao đến 15,75%. Phân tích thành phần hóa học trong rễ củ sâm Ngọc Linh, thì có chứa đến 50 saponin (sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin) và những kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy danh sách saponin của sâm Ngọc Linh lên tới 52 loại bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina-ginsenoside (VG) -R1 đến -R25 và 20-O-Me-G-Rh1, trong số đó có chứa saponin dammaran được xem là thành phần hoạt chất quyết định cho các tác dụng sinh học của sâm cũng chiếm một tỷ lệ rất cao về hàm lượng và số lượng trong thành phần hợp chất saponin (50/52 saponin phân lập được).
Ngoài ra, còn có 7 hợp chất polyaceytylen; 17 acid amin trong đó có đủ 8 loại acid amin thiết yếu cho cơ thể; 17 acid béo gồm các acid palmitic, stearic, oleic, linoleic và linolenic,…; 20 nguyên tố vi lượng gồm sắt (Fe), đồng (Cu), selen (Se), kali (K),…; glucid, tinh dầu. Trong thân rễ tươi có daucosterol.
Theo Đông y, Nhân sâm có vị đắng, không độc, dùng làm thuốc bổ trị các chứng bệnh như tư âm, kiện tỳ, dưỡng huyết, bổ khí, làm đen tóc, làm chắc răng, gia tăng tuổi thọ; dùng làm thuốc giải độc trị các chứng bệnh như tiêu độc và dùng điều trị bệnh tai, mũi, họng, tim, hô hấp, gan, tiết niệu, thấp khớp,…
Các tác dụng của Sâm Việt Nam:
Hệ thần kinh trung ương: Kích thích nhẹ ở liều thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ nhưng liều cao lại ức chế hệ thần kinh.
Tác dụng chống trầm cảm.
Làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực tương tự nhân sâm.
Làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống.
Tác dụng chống oxy hóa.
Tác dụng kích thích miễn dịch.
Tác dụng bảo vệ tế bào giúp hồi phục số hồng cầu, bạch cầu bị giảm.
Cấc tác dụng dược lý khác: Tăng nội tiết tố sinh dục, kháng viêm, điều hoà hoạt động của tim, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng.
Ngậm tan Sâm Việt Nam trong miệng: Dùng cho những người bệnh lâu ngày, mệt mỏi, kém ăn, và mắc chứng “phế hư” như chức năng hô hấp kém, phổi yếu, thở gấp, bệnh hen suyễn.
Sâm Ngọc Linh tẩm mật ong: Rửa củ sâm thật sạch, cắt lát mỏng và xếp từng lát sâm vào bình thủy tinh rồi đổ mật ong ngập sâm, đóng nắp kín trong khoảng 1 tháng là có thể dùng được, mỗi ngày ngậm từ 3- 5 lát sâm.
Sử dụng pha trà uống: Sâm đem thái thành nhiều lát mỏng, khi dùng cho vài lát (1g – 2g) vào ấm, đổ nước sôi và pha như trà. Sau 5 phút có thể sử dụng. Dùng vài lần đến khi cảm thấy vị nhạt dần thì lấy bả ra nhai và nuốt dần.
Sâm Việt Nam ngâm rượu: Rửa sạch sâm, ngâm vào bình thủy tinh chứa rượu 50 – 70 độ. Ngâm trong ít nhất 3 tháng mới có tác dụng tốt cho cơ thể. Liều lượng: Sâm Ngọc Linh 100g ngâm với 2 – 3l rượu, mỗi ngày dùng 50 – 100ml. Cách dùng này tốt cho người cần bồi bổ sức khỏe, đặc biệt là nam giới, những người phải uống bia rượu nhiều, nên thay thế bằng rượu sâm ngọc linh để bảo vệ gan thận, bồi bổ sức khỏe.
Nấu cháo với sâm Ngọc Linh: 3g Sâm Ngọc Linh thái lát rồi sắc với nước, sau đó cho thêm gạo và nước vào nấu thành cháo. Cách dùng này tốt cho người mắc các chứng bệnh mãn tính về đường tiêu hóa, người già suy yếu, răng hỏng nhiều.
Có thể sử dụng Sâm Việt Nam để chế biến thành các bài thuốc tốt cho sức khỏe như: Ngậm sâm trong miệng, sâm tẩm mật ong, pha trà sâm, ngâm rượu, nấu cháo với sâm.
Không dùng cho phụ nữ có thai vì có thể làm tăng nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Những người đau bụng thể hàn, tả như: Đau bụng đi ngoài, đầy bụng,.. không nên dùng để tránh làm tình trạng nặng nề hơn.
Những người huyết áp cao tuyệt đối không nên dùng vì có thể khiến huyết áp tăng cao đột ngột, nguy hiểm đến tính mạng.
Không nên sử dụng cho trẻ nhỏ, trừ trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, kém ăn.
Nguồn Tham Khảo:
Tuyển tập 3033 Cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh
Luận án Tiến sĩ sinh học Vũ Thị Hiền “Nghiên cứu quá trình tái sinh và nhân giống in vitro cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) bằng kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng tế bào”.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.