Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Sâm vũ diệp: Một loại sâm mọc hoang có tác dụng bổ máucung cấp tại Công Đông Ymong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Sâm vũ diệp là một loại cây thuộc họ sâm, thường mọc hoang ở những khu vực nhiệt đới ẩm núi cao. Sâm có thành phần chính là saponin triterpen và một số thành phần khác tương tự sâm Ngọc Linh, củ tam thất, vì vậy sâm vũ diệp cũng có tác dụng tương tự là tác dụng bổ máu, cầm máu và tăng cường sinh lực.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Sâm vũ diệp.
Tên khác: Tam thất hoang; Tam thất lá xẻ; Vũ diệp tam thất; hoàng liên thất, trúc tiết nhân sâm.
Tên khoa học:Panax bipinnatifidus Araliaceace.
Đặc điểm tự nhiên
Sâm vũ diệp là cây thân thảo, sống lâu năm. Cây thường cao khoảng 0,3 đến 0,5m.
Hoa mọc thành cụm ở ngọn thân, hoa có 5 cánh, 5 nhị và có màu trắng lục.
Quả mọng màu đỏ, hình cầu hơi dẹt, ở đầu quả có chấm đen.
Rễ củ của sâm vũ diệp dài và ngoằn nghèo, trên bề mặt có nhiều đốt và có vết sẹo do thân cây rụng để lại sẹo. Phần đầu rễ có hình con quay.
Mùa ra hoa, quả khoảng tháng 7 đến tháng 9.

Phân bố, thu hái, chế biến
Sâm vũ diệp phân bố ở nhiều nơi, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepan (cận Himalaya). Ở Việt Nam, sâm vũ diệp phân bố ở các vùng núi cao như vùng núi Hoàng Liên Sơn, Hàm Rồng (Sapa). Hiện nay, do khai thác quá mức cũng như phá rừng bừa bãi, nơi phân bố sâm vũ diệp đã thu hẹp dần.
Sâm vũ diệp là loại cây ưa bóng và ưa ẩm, thường mọc ở nơi rừng ẩm thấp (vùng nhiệt đới ẩm núi cao).
Vào khoảng tháng 2 đến tháng 3, phần đầu mầm thân rễ phân nhánh ngang sát mặt đất sẽ mọc lên một số chồi. Chồi phát triển thành thân cành và ra lá trong khoảng 1 tháng. Đến tháng 4, mỗi thân mang lá sẽ cho cụm hoa mọc ở đầu cành. Khoảng tháng 4 đến tháng 6, cây cho ra quả. Sau khi quả chín, khoảng tháng 9 đến tháng 10, toàn bộ phần thân trên bị tàn héo nhanh chóng do môi trường mưa lũ và rụng đi nên để lại các vết sẹo trên thân. Đây cũng là cách nhận biết tuổi của cây. Quả chín rụng xuống và thường bị nước cuốn trôi nên khả năng tái sinh của sâm vũ diệp khá thấp.
Sâm vũ diệp được thu hái rễ củ, rửa sạch và có thể dùng tươi hoặc khô.

Bộ phận sử dụng
Bộ phận dùng của sâm vũ diệp là rễ củ (Radix Panacis Bipinnatifidi).

Thành phần hoá học
Thành phần của sâm vũ diệp gồm có: Saponin triterpen nhóm olean: Chikusetsusaponin IV, zingibrosid R1, ginseninosid R0, ginseninosid Re, ginseninosid Rg1, ginseninosid Rg2.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Tính vị: Vị đắng, ngọt, tính ấm.
Công năng: Bổ máu, thông kinh hoạt lạc, tán ứ.
Theo kinh nghiệm dân gian, sâm vũ diệp có tác dụng bổ máu (bổ huyết), đặc biệt là ở phụ nữ sau sinh và người lớn tuổi.
Ở Trung Quốc, sâm vũ diệp dùng để chữa lao, thổ huyết, cầm máu khi chảy máu cam hoặc bị thương chảy máu.
Theo y học hiện đại
Kích thích tình dục, tác dụng hướng sinh dục
Thí nghiệm trên động vật cho thấy sâm vũ diệp có tác dụng động dục (kích thích sinh dục) ở chuột.
Tác động lên hệ thần kinh trung ương
Sâm vũ diệp có tác dụng an thần, gây ngủ ở chuột thí nghiệm.
Tác dụng tán huyết
Bằng phương pháp dùng máu bò đã loại fibrin, sâm vũ diệp có chỉ số tán huyết là khoảng 40 đến 50, còn tam thất có tác dụng tán huyết là 20.
Một số tác dụng khác
Ngoài ra, sâm vũ diệp còn có tác dụng khác như:
Ổn định đường huyết.
Chống oxy hóa.
Bổ máu, tăng cường lưu thông máu, tăng tuần hoàn máu não.
Thải độc gan.
Tăng cường sức khỏe.
Chữa suy nhược cơ thể.
Tăng cường trí nhớ.
Bổ não.
Liều dùng & cách dùng
Bổ máu: Rễ củ sâm vũ diệp thái mỏng, phơi khô, dùng để nấu ăn (nấu với thịt heo hoặc thịt gà) hoặc có thể dùng sắc nước uống.
Cầm máu, tán ứ, tiêu sưng: Rễ phơi khô và tán bột, rắc lên vết thương.
Kích thích sinh dục: Dùng rễ củ ngâm rượu uống.
Ngoài ra, người ta còn nấu cao lá và thân sâm vũ diệp, khi dùng pha loãng với nước hoặc rượu để uống cho tác dụng như rễ.
Bài thuốc kinh nghiệm
Tăng cường và phục hồi sức khỏe
Bài 1
Chuẩn bị: Rễ củ sâm vũ diệp.
Thực hiện: Rễ củ sâm vũ diệp rửa sạch, thái lát mỏng. Mỗi ngày ngậm 1 lát mỏng, có thể dùng đều đặn để hiệu quả hơn.
Bài 2
Chuẩn bị: Rễ củ sâm vũ diệp.
Thực hiện: Rễ củ sâm vũ diệp rửa sạch, thái lát mỏng. Cho từng lát sâm vào lọ thủy tinh rồi cho mật ong ngập lớp sâm, đậy nắp kín và để nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời. Ngâm khoảng 1 tháng. Mỗi ngày dùng ngậm khoảng 3 lát sâm ngâm mật ong để cải thiện sức khỏe.
Bài 3
Chuẩn bị: Rễ củ sâm vũ diệp.
Thực hiện: Rễ củ sâm vũ diệp rửa sạch, thái lát mỏng. Hãm với nước uống vài lần, đến khi nước nhạt thì lấy bã nhai nuốt.
Tăng cường sinh lực
Chuẩn bị: Rễ củ sâm vũ diệp, rượu.
Thực hiện: Rễ củ sâm vũ diệp rửa sạch, thái lát mỏng. Cho từng lát sâm vào lọ thủy tinh rồi cho thêm vào rượu 50 – 70 độ (cứ 100 gram sâm thì ngâm với 2 – 3 lít rượu), ngâm khoảng 3 tháng. Mỗi ngày dùng 50 đến 100ml. Nên uống sau khi ăn.
Lưu ý
Nên dùng với hàm lượng vừa đủ, mặc dù sâm vũ diệp khi dùng uống quá liều có thể gây độc tính thấp nhưng cũng cần phải thận trọng khi dùng.
Những bệnh nhân sau đây cần thận trọng khi dùng sâm vũ diệp:
Phụ nữ mang thai.
Phụ nữ cho con bú.
Người bị huyết hư hoặc tiêu chảy.
Trẻ em dưới 16 tuổi.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/sam-vu-diep.html
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2)
Thuốc dân tộc: //www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/sam-vu-diep
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.