Tên tiếng Việt: Sắn dây.
Tên gọi khác: Bạch cát; phấn cát căn; cam cát căn; cát căn; khau cát; bẩn mắm khéo.
Tên khoa học: Pueraria thomsoni Benth.
Họ Đậu hay còn gọi họ Cánh bướm (Fabaceae).
Là loại cây thuộc nhóm dây leo sống lâu năm, mọc hoang trong rừng hoặc được trồng tại vườn, ruộng.
Dạng cây thảo quấn, dài, có cây dài khoảng 10m. Thân hơi có lông.
Rễ phát triển thành củ dài và to. Hình trụ thon dài, viền không đều khoảng 15cm, với đường kính vào khoảng 6 – 8cm, trong lượng có thể tới 20kg. Vỏ rễ ngoài màu tím nâu hoặc đỏ nâu có vết nhăn dọc thành. Củ rắn, chắc, nặng, và chứa nhiều bột. Khi cắt ngang củ sẽ thấy nhiều vòng xơ đồng tâm. Mùi thơm nhẹ.
Lá kép, mọc so le với ba lá chét hình trứng, mắt chim, có mũi nhọn ngắn, nhọn sắc. Mỗi lá chét nguyên hoặc xẻ thành 2-3 thùy, có lông áp sát cả hai mặt.
Hoa có màu xanh lơ, thơm, mọc thành từng chùm ở kẽ các lá, lá bắc có lông.
Quả màu vàng nhạt, nhiều lông.
Sắn dây mọc dại hoặc được trồng khắp nơi trên lãnh thổ nước ta, ra hoa vào tháng 9, 10.
Vị thuốc này được trồng vào tháng 3-4 đến hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ, biến chế thành dược liệu để bán hay dùng. Cây trồng hai năm thì ra hoa, tháng 5 – 7 lúc bông (chùm) hoa đã có 2/3 hoa nở có thể hái phơi khô bán hay dùng.
Dùng rễ (thường gọi là củ), hình trụ đường kính không đều vỏ có màu trắng đục, thường cắt và bổ dọc thành từng miếng trắng vàng. Củ sắn dây sau khi đào lên đem rửa sạch đất cát. Cắt bỏ phần vỏ ngoài, cắt khúc hoặc thái lát rồi xông diêm sinh để đem phơi hoặc sấy khô.
Hợp chất carbohydrate (tinh bột 10 – 14%, mannitol, pinitol) miroestrol, succinic acid, allantoin.
Các dẫn chất isoflavone như genistein, puerarin, daidzein, daidzin, daidzein-7,4′-diglucoside, 4-methyl puerarin.
Bằng phương pháp phân tích sắc ký lớp mỏng và sắc ký lỏng cao áp, nhiều hợp chất isoflavone khác đã được phân lập và xác định như formononetin, 3′- hydroxy puerarin, 6″- O-D-xylosyl puerarin, 3′-methoxy puerarin, puerarin – 4′-0-D-glucosid, 8C – apiosyl (1″6) glucosid của daidzein và genistein.
Rễ sắn dây còn chứa một dẫn chất coumestan là puerarol; các glycosid loại olean triterpen như kudzu saponin SA1, SA2, SA3 và C1.
Hoa sắn dây cũng được tách chiết ra một saponin triterpenic mà cấu trúc đã được xác định là 3-O- [α – L rhamnopyranosyl – (1″2) – α – arabinopyranosyl – (1″2) – β – D glucuronopyranosyl] sophoradiol (18). Còn chất saponin tương tự Sophoradiol- 3 – O – α – L rhamnopyranosyl (1″2) β – D – galactopyranosyl (1″2) – β -glucopyranoside lại được tìm thấy trong hoa và lá.
Tính vị, quy kinh
Rễ sắn dây có vị ngọt, cay, tính bình. Nước cốt rễ dùng sống rất hàn.
Hoa sắn dây có vị ngọt, tính bình.
Quy kinh Tỳ, Vị, Bàng quang, Phế.
Công năng, chủ trị
Công dụng: Tác dụng giải cơ, thoái nhiệt, sinh tân, chỉ khát, thoái chẩn, thăng dương, chỉ tả, giải độc rượu. Sắn dây dùng sống có tác dụng phát hãn giải nhiệt, dùng sao có tác dụng chỉ tả (gọi là Ổi cát căn).
Chủ trị: Bệnh cảm sốt phong nhiệt, cổ gáy cứng đau, sởi mọc không đều, viêm ruột, kiết lỵ kèm theo sốt khát nước, hỗ trợ tiêu hóa. Hoa sắn dây với liều 4 – 10g sắc nước uống chữa say rượu, tiêu chảy ra máu, trĩ. Ngoài ra sắn dây còn làm đẹp da, mờ nếp tàn nhang. Bột sắn dây được dùng để pha với nước có đường uống về mùa hè, có tác dụng giải cảm nắng (cảm thử), làm mát cơ thể. Ngoài ra, nó còn được dùng làm chất dính trong bào chế thuốc.
Tác dụng với hệ tim mạch
Trên động vật thí nghiệm ghi nhận các hoạt chất flavonoid trong sắn dây có tác dụng làm tăng lưu lượng mạch vành, giảm kháng lực mạch máu ngoại biên và giảm lượng tiêu thụ oxy cơ tim. Trong 100g sắn dây khô chứa 0,81g isoflavone, hoạt chất được chú ý nhất là puerarin.
Cao sắn dây với liều 750 mg/kg tiêm tĩnh mạch có khả năng đối kháng với tác dụng kích thích tim của isoprenalin, ngoài ra còn làm giảm nhịp tim và gây hạ huyết áp. Trên mạc treo ruột chuột nhắt trắng nhỏ dung dịch puerarin 0,5% có tác dụng đối kháng với những hiện tượng do adrenalin gây nên như gây co bóp các vi động mạch, lưu lượng tuần hoàn giảm.
Puerarin, daidzein dạng chiết cồn từ sắn dây, trên chuột cống trắng và chuột nhắt trắng với những mô hình gây loạn nhịp tim bằng aconitin, bari clorid, calci clorid cloroform và thắt động mạch vành trái trước đều có tác dụng đối kháng rõ rệt với loạn nhịp tim do các tác nhân trên gây nên. Những kết quả trên chứng minh việc dùng sắn dây để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý trên hệ tim mạch đặc biệt là trong trường hợp thiếu máu cơ tim là có cơ sở khoa học và cần được nghiên cứu thêm.
Tác dụng làm giãn cơ
Daidzein có trong sắn dây có tác dụng giảm co thắt trên ruột non của chuột nhắt trắng, tác dụng này bằng khoảng 1/3 tác dụng của papaverin – một loại thuốc chống co thắt.
Tác dụng hạ đường huyết
Nước sắc sắn dây với liều 6 – 8 g/kg cho thẳng vào dạ dày trên thỏ bình thường có tác dụng hạ đường huyết, nhưng không đối kháng với hiện tượng đường huyết tăng cao do adrenalin gây nên.
Trên chuột nhắt trắng thực nghiệm gây đường huyết tăng cao bằng alloxan, Puerarin trong sắn dây với liều 250 – 500 mg/kg có tác dụng làm hạ đường huyết, liều càng lớn tác dụng càng mạnh.
Tác dụng hạ lipid máu
Puerarin với liều 500 mg/kg hoặc dùng liều thấp phối hợp với aspirin 100 mg/kg dùng liên tục trong chín ngày qua đường dạ dày, có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh của chuột nhắt trắng thực nghiệm đã được dùng alloxan gây rối loạn lipid máu, aspirin dùng đơn độc không có tác dụng hạ đường huyết hay hạ lipid huyết.
Tác dụng đối với ung thư
Chiết xuất isoflavone gây chết tế bào ung thư thông qua việc điều chỉnh các cơ chế khác nhau bao gồm stress oxy hóa, nội tại và ngoại tại, liên kết giữa survivin và protein tự chết XIAP, điều hòa chu kỳ chết tế bào (apoptosis), và phản ứng viêm và các con đường ức chế tế bào ung thư khác.
Dạng chiết cồn từ sắn dây với liều 10g/kg trên động vật thí nghiệm có tác dụng ức chế nhất định sự phát triển của tế bào sarcoma 180, u báng Ehrlich và tế bào ung thư phổi Lewis. Daidzein với nồng độ 14 ng/ml có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào HL 60.
Tác dụng giải độc rượu
Thí nghiệm trên chuột hamster, cao sắn dây có tác dụng chống nghiện rượu (antidipsotropic); trên chuột cống trắng, daidzein có tác dụng hạ thấp hàm lượng rượu trong máu và rút ngắn thời gian ngủ do rượu gây nên. Đối với công năng gan trên chuột nhắt trắng gây nhiễm độc bằng CCI 4 (carbon tetrachloride), isoflavone chiết từ cát căn với liều 250 mg/kg có tác dụng ức chế 30,7% hoạt độ của men gan SGOT.
Hoạt tính bảo vệ tế bào thần kinh
Sắn dây chứa daidzein và genistein, các chất này tác động tế bào PC12 biệt hóa 6-hydroxydopamine (6-OHDA), yếu tố tăng trưởng thần kinh (NGF). Có tác dụng hỗ trợ các trường hợp thoái hóa thần kinh mạn tính như trong bệnh lý Parkinson.
Cách chế bột sắn dây:
Cạo vỏ xay giã cả củ nát bấy, lọc lấy nước ở trong đổ nước lạnh vào rồi lấy khăn mà lọc cho sạch xác, bụi bặm, đất, cát căn rồi để lắng xuống mới gạn lọc nước trên cứ như thế mỗi ngày thay nước một lần, mỗi khi đổ nước vào một lần phải lọc những nước đục đi, gạn lọc như thế 1 tháng đến khi nào thấy nước trong khuấy không đục nữa thì thôi. Lọc càng kỹ bột nước mới khỏi chua, chát, bột trắng, nhưng phải thay nước hàng ngày, bột không chua. Khi đã xong đổ bột ra miếng vải băng để trên sạp khô phơi thành bột cất dùng.
Liều dùng: Dùng từ 4 – 40g.
Bảo quản: Đậy kín nơi khô ráo. Dễ mốc mọt, tránh ẩm.
Chữa sốt, đau nhức mình mẩy, miệng khát, không có mồ hôi, sợ gió (Cát căn thang, trong Thương hàn luận)
Cát căn 12g, ma hoàng 9g, quế chi 6g (bỏ vỏ), sinh khương 9g (cắt lát), cam thảo 6g (chích), thược dược 6g, đại táo 12 quả. sắc với 1000ml nước còn 300ml, chắt nước bỏ bã, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Trị cảm mạo, lạnh ít, nóng nhiều, nhức đầu, đau mắt, khô mũi, khó ngủ
Sài hồ 4g, Cát căn 8g, Khương hoạt, Bạch chỉ, Hoàng liên, Thược dược mỗi thứ 4g. Cam thảo, Cát căn mỗi thứ 2g, Thạch cao 8g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 trái, sắc uống.
Chữa sởi mọc không đều ở trẻ em
Cát căn 5 – 10g; thăng ma, cam thảo mỗi thứ 10g; ngưu bàng tử 10g. Sắc nước uống.
Chữa viêm ruột, viêm dạ dày, lỵ kèm theo sốt
Cát căn, hoàng cầm, hoàng liên, cam thảo đều chế thành cao rồi dập viên, mỗi viên 0,6g, tương đương với 2g dược liệu. Mỗi lần uống 3 – 4 viên, ngày uống 3 lần.
Viên Bạch địa căn dùng làm thuốc hạ sốt giảm đau
Mỗi viên gồm 0,12g cát căn; 0,1g bạch chỉ; 0,03g địa liền. Uống mỗi lần 2 – 3 viên, mỗi ngày dùng 2 – 3 lần.
Trị say rượu không tỉnh
Cát căn sống uống 2 thang, tiểu ra thì lành (Thiên Kim Phương).
Trị thời khí có nhức đầu sốt cao
Cát căn sống, rửa sạch, giã nát lấy một chén nước lớn, một chén Đạm đậu xị, sắc còn 6 phân, bỏ bã, chia uống cho ra được mồ hôi thì tốt, nếu chưa ra mồ hôi, uống tiếp. Nếu Tâm tích nhiệt thêm Kha tử nhân 10 hạt (Thánh Huệ Phương).
Trị tích chướng khí nóng độc
Cát căn tươi giã vắt lấy 1 chén nước nhỏ uống để khử khí nhiệt độc (Thánh Huệ Phương).
Trị trẻ nhỏ nhiệt khát lâu ngày không hết
Cát căn 20g, sắc uống (Thánh Huệ Phương).
Trị chảy máu mũi không cầm
Cát căn sống, giã ép lấy nước uống 3 lần thì khỏi (Thánh Huệ Phương).
Trị nhiệt độc do ăn thức ăn nóng sinh ra
Cát căn 2 cân sống, giã ép lấy nước một thang, bỏ vào một ít nước Liên ngẫu (Ngó sen) để uống (Mai Sư Phương).
Đề phòng nhiệt bệnh do gió độc đưa đến lây lan
Bột Cát căn 2 thang, Sinh địa 1 thang, Hương kỷ 1/2 thang, tán bột, uống với nước cơm sau khi ăn, ngày 3 lần (Thương Hàn Luận Phương).
Trị phiền táo nóng khát
Bột Cát căn 160g, lấy nước tẩm vào nửa cân gạo rồi ngâm 1 đêm, vớt ra rồi đổ nước khác vào, khuấy đều, nấu chín, trộn bột Cát căn vào ăn (Thực Y Tâm Kính Phương).
Trị viêm ruột cấp tính, lỵ, mình sốt bứt rứt
Cát căn 12g, Hoàng cầm 12g, Hoàng liên 4g, sắc uống (Cát căn cầm liên thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị sởi mới phát hoặc chưa mọc ra hết
Cát căn 12g, Ngưu bàng tử 12g, Kinh giới 12g, Thuyền thoái 4g, Liên kiều 16g, Uất kim 8g, Cam thảo 4g, Cát cánh 8g.
Không dùng sắn dây cho trường hợp âm hư hỏa vượng và thương thực hạ hư.
Thận trọng khi dùng cho người sốt nóng mà sợ lạnh.
Phụ nữ mang thai bị lạnh, cơ thể mệt mỏi, đang bị động thai hoặc trẻ em, người có bụng yếu, tiêu chảy, bụng đầy trướng, tay chân lạnh… không nên dùng Sắn dây.
Mỗi ngày không nên dùng quá một ly nước Sắn dây.
Nguồn Tham Khảo:
Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 635-636.
Yunfei Lai, et al. (2020). Three new isoflavones from Pueraria thomsonii Benth and their protective effects on H2O2-induced oxidative injury in H9c2 cardiomyocytes. Phytochemistry Letters; 39, 90-9.
Xiaohong Shang, et al. (2021). Identification of Nutritional Ingredients and Medicinal Components of Pueraria lobata and Its Varieties Using UPLC-MS/MS-Based Metabolomics. Molecules; 26(21):6587.
Bashir Ahmad, et al. (2020). Molecular Mechanisms of Anticancer Activities of Puerarin. Cancer Manag Res; 12:79-90.
Tomoyasu Kamiya, et al. (2012). Consumption of Pueraria flower extract reduces body mass index via a decrease in the visceral fat area in obese humans. Biosci Biotechnol Biochem; 76(8):1511-7.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.