Tên tiếng Việt: Sáp ong vàng.
Tên khác: Beeswax yellow.
Tên khoa học: Apic cerana, Apis mellifera.
Sáp ong được ong thợ tạo ra, từ các tuyến sinh sáp bên trong các tấm chắn của đoạn 4 – 7 ở vùng bụng.
Sáp ong vàng là những mảnh hoặc cục nhỏ không đều nhau, hình dáng không nhất định, màu nâu nhạt hoặc vàng hơi trong, mịn bóng như có dầu mỡ, thể chất mềm có thể dùng tay bóp và vặn được, không vị, có mùi thơm của mật ong và nhựa thông.
Phân bố: Ong mật thường sống trong những cánh rừng nhiệt đới từ miền Bắc cho đến miền Nam của Việt Nam.
Thu hái: Thường thu hoạch sáp ong vào mùa hè hoặc mùa thu (lấy cùng với mật ong).
Chế biến: Xếp xơ mướp đã rửa sạch thành một lớp trên vỉ tre thưa, đặt vào trong chõ hay nồi có sẵn nước. Rải đều trên xơ mướp một lớp mỏng tầng sáp sau khi đã lấy hết mật. Đậy thật kín nắp nồi và đun sôi nước. Hơi nước sôi bốc lên sẽ nung chảy lớp sáp ong chảy thành giọt và chảy qua xơ mướp để lọc lại những cặn bẩn. Đun cho đến khi không còn mảnh sáp nào trên xơ mướp thì bắc nồi ra và để nguội. Sáp ong đã được sơ chế lọc cặn bẩn sẽ đóng thành váng nổi trên mặt nước, có độ dày mỏng tuỳ theo số lượng sáp thô đem chế biến. Vớt sáp ra khỏi nước, tiếp tục đun cách thuỷ thêm lần nữa cho chảy rồi đổ khuôn.
Bảo quản: Nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao.
Sáp ong vàng lấy từ tổ Ong mật.
Sáp ong vàng chứa nhiều các acid béo no và không no, các chất cerin, cerolein, myricin. Trong đó, cerin là hỗn hợp các chất ester melissatcerryl và cerotat ceryl, còn cerolein gồm các hợp chất oleic.
Ngoài ra, trong sáp ong vàng có các chất dinh dưỡng khác như: Bioflavonoids, acid phenethyl ester (CAPE) và caffeine. Nhóm lavonoids trong sáp ong vàng có đến 20 – 30 hoạt chất khác nhau, trong đó quan trọng nhất là pinocembrin, galangin và chrysin. Bên cạnh đó, sáp ong vàng còn chứa các chất cellulose, monosaccharide, các acid amin, acid nicotinic, acid folic, các vitamin B1, B2, pro-vitamin A, E, D, các chất khoáng như calci, kali, magne, sắt, đồng, kẽm…
Theo Đông y, sáp ong vàng có vị ngọt, hơi ấm, không độc, quy vào hai kinh là can và đại tràng. Sáp ong vàng có tác dụng tiêu độc, chống loét, cầm máu, làm se.
Ngoài ra, trong bài chế thuốc dược liệu, sáp ong vàng chưa hoặc đã chế biến thường được dùng để bao bên ngoài thuốc tễ, thuốc hoàn to và dẻo để giúp bảo quản được lâu và chất lượng thuốc không thay đổi, thêm vào trong thuốc dán, thuốc mỡ như một chất kết dính.
Ngoài ra, có thể phối hợp sáp ong với nha đam tử dùng trong chữa kiết lỵ có máu mủ, rong huyết; hoặc phối hợp với phèn phi chữa ung nhọt.
Sáp ong vàng có khả năng làm giảm cholesterol trong máu và giảm đau hiệu quả, chống viêm loét dạ dày và tiêu chảy; nâng cao khả năng miễn dịch cho cơ thể; điều trị bỏng, rát, làm mềm da, giữ ẩm cho da dưỡng da, bảo vệ da không bị tổn thương trước các tác nhân gây hại ngoài môi trường. Nhờ khả năng chống thấm nước cao cùng với nhiều thành phần dưỡng da nên người ta thường dùng sáp ong vàng làm nguyên liệu làm kem chống nắng.
Theo một số tài liệu nước ngoài, người ta đã sáng chế một loại “băng sáp ong” gồm nhiều mảnh li ti được tẩm sáp ong để trị vết thương. Ưu điểm của loại băng này là tác dụng chống viêm nhiễm, giảm đau rõ rệt,và liền sẹo nhanh, đồng thời giữ được thời gian lâu ở vết thương lên đến khoảng 70 giờ mới cần phải thay băng khác.
Chưa có nghiên cứu về liều lượng điều trị cụ thể của Sáp ong vàng.
Trị viêm họng, bí đại tiểu tiện
Đốt sáp ong vàng thành than, tán nhỏ. Mỗi ngày lấy 4g bột, hoà với sữa (trẻ con nhỏ) hoặc nước cơm (trẻ đã lớn) rồi cho trẻ uống (Theo Nam dược thần hiệu).
Trị da khô nóng và ngứa ngáy
Nướng sáp ong vàng; bỏ miệng và chân xác ve sầu (thuyền thoái), đem sao; hai vị dùng lượng bằng nhau, tán riêng, rây bột mịn rồi trộn đều. Mỗi lần 4g với rượu, mỗi ngày uống 3 lần.
Trị miệng lưỡi lở loét
Phối hợp sáp ong vàng với xác rắn lột, tóc rối với lượng bằng nhau, đốt tồn tính rồi tán thành bột. Mỗi ngày uống 4g với rượu.
Trị viêm tai
Tán nhỏ 10g Sáp ong, 20g rễ câu đằng sao vàng, 2 quả bổ kết còn hạt sao giòn. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, đốt rồi dùng khói để xông tai.
Trị băng huyết
Tán nhỏ 20g sáp ong vàng rồi uống với rượu hâm nóng.
Trị chín mé ở ngón tay, ngón chân
Nấu đến tan chảy sáp ong và nhựa thông với lượng bằng nhau, rồi bói vào đầu ngón tay, ngón chân.
Trị viêm đại tràng, bệnh dạ dày, đường ruột
Hấp 15g Sáp ong vàng trong nồi cơm và sử dụng trong ngày.
Hoặc sắc các vị thuốc sau: Sáp ong, hoài sơn, mỗi vị 15g; bạch truật 20g đun với 1 lít nước để uống trong ngày.
Thận trọng khi dùng sáp ong vàng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú vì chưa có nghiên cứu chứng minh tác dụng cũng như độc tính trên những đối tượng này.
Sáp ong vàng là dược liệu được sử dụng từ lâu đời trong Y học dân gian Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Sử quân tử có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, nên đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
1. Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/ong-mat.html
2. Go.drugbank: //go.drugbank.com/drugs/DB11600
3. Dược điển Việt Nam V: //duocdienvietnam.com/sap-ong-vang/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.