Tên Tiếng Việt: Lá sen.
Tên khác: Liên diệp, Hà diệp, Lotus leaf (Anh), He ye (Trung Quốc).
Tên khoa học:Folium Nelumbinis, lá của cây sen (Nelumbo nucifera Gaertn.). Thuộc họ Sen (Nelumbonaceae).
Sen thuộc loại cây thảo, sống dưới nước, to khỏe, cao hơn 1m. Thân rễ (ngó sen) mập, mọc bò dài trong bùn, bén rễ ở những mấu, từ đó mọc lên thân và lá.
Lá hình tròn, vượt lên khỏi mặt nước, đường kính 30 – 40cm, màu lục xám, mép nguyên lượn sóng, giữa lá thường trũng xuống, mặt sau đôi khi điểm những đốm màu tía, gân hình khiên hằn rõ, cuống lá dính vào giữa lá, dài khoảng 1m hay hơn, có nhiều gai cứng nhọn.
Sen có thể được tìm thấy chủ yếu ở các nước Châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Nepal, New Guinea hoặc Nhật Bản. Ngoài ra, Sen cũng phân bố ở Úc, Nga, được du nhập vào Tây Úc và Châu Mỹ từ lâu.
Loài cây này được nhiều người công nhận bởi vẻ đẹp của hoa, và đã được coi là biểu tượng tâm linh cho các tín đồ Phật giáo, Ấn Độ giáo và Ai Cập từ thời cổ đại. Những bông hoa rất lớn, sặc sỡ và được người theo đạo Hindu coi là linh thiêng, trong khi toàn bộ cây là thánh theo các tín đồ Phật giáo. Vì vẻ đẹp của nó mà hoa còn là quốc hoa của Ấn Độ và Việt Nam.
Lá sen thu hái vào mùa thu. Thường sau khi hoa sen nở, thì hái lá, phơi khô đến 8 phần 10, bỏ cuống, gấp lá làm hai, thành nửa hình tròn, rồi phơi cho khô, xếp lại thì được Hà diệp.
Loại Hà diệp lá sen to, khô, màu lục, không bị sâu, không bị thủng lấm chấm, không vụn nát là tốt.
Bộ phận sử dụng là lá phơi khô của cây sen.
Lá sen chứa Nuciferin, Nornuciferin, Roemerin, Armepavine, Pronuciferine, N-nornuciferine, Anonaine, Liriodenine, Quercetin, Tartaric acid, Gluconic acid, Acetic acid, Malic acid, Ginnol, Nonadecane, Succinic, Quercetin-3-O–D-glucuronide, Quercetin 3-O–D-xylopyranosyl–D-galactopyranoside, Rutin, Isoquercitrin, Hyperin.
Có tài liệu cho biết từ 33kg Lá sen, đã phân lập được 0,2g Nuciferin, 8g Roemerin và 11g Nornuciferin.
Theo y học cổ truyền Lá sen có vị đắng, tính bình. Quy kinh Can, Tỳ, Vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lợi thấp, chỉ huyết, an thần. Dùng chữa các chứng bệnh thử thấp tiết tả, thuỷ chí phù thũng, nôn ra máu, chảy máu cam, lôi đầu phong, băng trung huyết lỵ.
Chống bệnh đái tháo đường
Những kết quả thu được từ cả mô hình in vitro và động vật cho thấy cả chiết xuất Lá sen và catechin đều điều chỉnh mức đường huyết và có thể cải thiện tình trạng tăng đường huyết sau ăn ở các bệnh nhân đái tháo đường.
Những kết quả này cho thấy chiết xuất lá sen và catechin được quan tâm đặc biệt để kiểm soát tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Tuy nhiên, cơ chế chính xác cho hoạt động của catechin trên tế bào β và chuyển hóa glucose còn phải được nghiên cứu và xác nhận thêm. Ngoài ra, quercetin và glycoside trong lá có thể ức chế men aldose reductase, một loại enzyme có liên quan đến các biến chứng tiểu đường.
Chống béo phì và rối loạn lipid máu
Béo phì được coi là một yếu tố nguy cơ quan trọng của nhiều bệnh mạn tính. Chiết xuất Lá sen đã được sử dụng để điều trị bệnh béo phì ở Trung Quốc.
ác dụng của chiết xuất Lá sen đối với bệnh béo phì, các enzym tiêu hóa, chuyển hóa lipid và sinh nhiệt đã được nghiên cứu ở chuột được gây ra với chế độ ăn nhiều chất béo. Chiết xuất ức chế sự hấp thụ carbohydrate và lipid ở ruột bằng cách ức chế alpha-amylase và lipase; điều hòa chuyển hóa lipid trong tế bào mỡ; ngăn ngừa sự gia tăng trọng lượng cơ thể; và tăng sinh nhiệt.
Một số sản phẩm thảo dược chống vi khuẩn bao gồm lá sen giúp ức chế sự tích tụ chất béo bằng cách điều chỉnh giảm các yếu tố phiên mã chính trong con đường tạo mỡ và các enzym chuyển hóa lipid được sử dụng để tích tụ chất béo trong tế bào mỡ.
Chống tạo mạch và chống ung thư
Một cách tiếp cận quan trọng trong điều trị ung thư là ức chế sự tạo mạch. Các nghiên cứu in vitro cho thấy chiết xuất từ Lá sen có thể ức chế sự hình thành mạch và di căn của tế bào ung thư vú này bằng cách điều chỉnh giảm yếu tố tăng trưởng mô liên kết qua con đường tín hiệu PI3K/ AKT/ ERK.
An thần
Ở một số nghiên cứu, chiết xuất Lá sen được sử dụng cho chuột bị giảm độc lực gây ra căng thẳng kéo dài và dường như có hoạt tính gây thích ứng tương đương với hoạt tính của diazepam.
Chống viêm
Viêm mạn tính có thể do nhiễm trùng lâu dài, tiếp xúc với các chất độc hại, chế độ ăn uống nghèo nàn, hút thuốc lá và lười vận động. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể làm hỏng các mô và góp phần gây ra các bệnh như tắc nghẽn động mạch và bệnh tim, ung thư và đái tháo đường.
Một nghiên cứu trên ống nghiệm cho thấy chất chiết xuất từ Lá sen có thể ức chế các hợp chất chống viêm, bao gồm yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin 6 (IL-6), oxit nitric (NO) và prostaglandin E 2 (PGE 2 ).
Một nghiên cứu trong ống nghiệm khác sử dụng tế bào chuột cho thấy rằng cả chiết xuất hạt sen và lá đều làm giảm sự biểu hiện của các gen tiền viêm.
Một số công dụng khác
Nuciferin chiết xuất từ Lá sen có tác dụng giảm co thắt cơ trơn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng ứng chế hệ thần kinh trung ương, giảm đau, chống ho, kháng serotonin và có hoạt tính phong bế thụ thể adrenergic.
Lá sen có tác dụng bảo vệ đối với các rối loạn nhịp tim gây nên do calci clorid, làm giảm số chuột chết và chuột bị rung thất. Cơ chế chống loạn nhịp của Lá sen là do làm tăng ngưỡng kích thích tâm trương và tăng giai đoạn trơ của tâm nhĩ và tâm thất.
Lá tươi 40 – 80g, lá khô 4 – 12g. Dưới dạng thuốc sắc, có thể sao tồn tính mà dùng làm Hà diệp thán.
Chữa trúng thử nhiệt gây đau đầu, đau răng, miệng khô khát, tiểu tiện ít và đỏ
Lá sen 40g, Lô căn tươi 40g, hoa Đậu ván trắng 8g, sắc uống.
Chữa trúng thử vừa có nôn ói vừa tiêu chảy
20g Lá sen tươi, giã nát, thêm nước sôi để nguội, vắt lấy nước uống.
Chảy máu (đại tiện ra máu, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da)
Lá sen tươi 80g, Trắc bá diệp 16g, Ngải diệp sao đen 12g, Sinh địa 40g, sắc uống.
Chữa máu hôi không hết sau khi đẻ
Lá sen sao thơm, tán nhỏ, uống với nước hoặc đồng tiện. Hoặc Lá sen sắc uống ngày 20 – 30g.
Chữa sốt xuất huyết
Lá sen, Ngó sen (hoặc Cỏ nhọ nồi), Rau má, mỗi vị 30g, bông Mã đề 20g. Nếu có xuất huyết, tăng thêm cuống, lá, ngó sen lên 40 – 50g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa xuất huyết não và các biến chứng kèm theo ở bệnh nhân tăng huyết áp
Lá sen, Cam thảo, mỗi vị 15,5g, Đỗ trọng 12,5g. Sinh địa, Mạch môn, Tang ký sinh, Bạch thược, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
Một số lưu ý khi sử dụng Lá sen:
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 783 – 786.
- Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần (2000), Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 259.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung (2002), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 721 – 726.
- D. Tungmunnithum, D. Pinthong, C. Hano (2018) “Flavonoids from Nelumbo nucifera Gaertn., a Medicinal Plant: Uses in Traditional Medicine, Phytochemistry and Pharmacological Activities”. Medicines (Basel), 5 (4).
- A. R. Kim, S. M. Jeong, et al. (2013) “Lotus leaf alleviates hyperglycemia and dyslipidemia in animal model of diabetes mellitus”. Nutr Res Pract, 7 (3), 166-71.
- K. R. Paudel, N. Panth (2015) “Phytochemical Profile and Biological Activity of Nelumbo nucifera”. Evid Based Complement Alternat Med, 2015, 789124.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.