Tên Tiếng Việt: Sơn đậu căn (rễ cây sơn đậu).
Tên khác: Cây quảng đậu; Khổ đậu; hòe Bắc Bộ.
Tên khoa học: Radix Sophorae Tonkinensis, Pophora subprosrlata Chu etT. Chen.
Sơn đậu là loại cây bụi nhỏ, cao khoảng vài mét. Cây phân nhiều nhánh, có thân hình trụ, rễ to phân nhánh. Cả thân, lá và hoa đều có lông màu vàng, mềm. Lá cây sơn đậu là kiểu lá kép, lông chim lẻ, mọc so le, các lá chét mọc đối. Lá có mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông mềm.
Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, hướng thẳng lên. Hoa có màu vàng, hình chuông, tràng có móng ngắn, bầu có lông.
Quả đậu có lông mềm, thắt lại giữa các hạt, hạt màu đen bóng.
Mùa hoa quả tháng 6 đến tháng 8.
Cây sơn đậu phân bố ở một số tỉnh của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Còn ở Việt Nam, cây phân bố ở khu vực phía bắc giáp Trung Quốc như xã Quyết Tiến, Mèo Vạc (Hà Giang), Cao Bằng,…
Cây sinh trưởng ở khu vực nhiệt đới núi cao, mọc ở độ cáo khoảng 1000 – 1600m. Cây ưa sáng, có thể chịu bóng. Cây ra hoa quả hàng năm, có thể trồng từ hạt.
Rễ cây sơn đậu thường được thu hái vào mùa thu. Vỏ rễ sau khi lấy sẽ đem phơi khô và sao vàng khi dùng. Hoặc có thể ủ mềm, thái lát mỏng để dành dùng.
Bộ phận dùng của cây sơn đậu là rễ (vỏ rễ).
Thành phần hóa học của rễ cây sơn đậu là matrin, oxymatrin, anagyrin, methylcytisin.
Ngoài ra, còn có pterocarpin, 1 – trifolirhizin, 1-maackitain – β – D – glucosid, 1-maackiain.
Nhiều hơp chất khác cũng được đề cập đến là sophoranon, sophoradin, sophora nochromen, sophoradochromen,…
Tính vị: Vị đắng, tính hàn. Quy vào 3 kinh là tâm, phế, đại trường.
Công năng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, giảm đau, kháng viêm.
Sơn đậu căn dùng để trị mụn nhọt, mụn độc, sốt, ho, sưng viêm.
Dự phòng và điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, giảm tiết acid do stress
Hoạt chất oxymatrin có trong rễ cây sơn đậu có tác dụng ức chế loét do co thắt môn vị hoặc do indomethacin. Cơ chế là ức chế tiết acid dạ dày. Nghiên cứu trên chuột cống trắng, khi đưa oxymatrin vào trực tràng thì quan sát thấy có sự ức chế tiết acid gây ra bởi stress. Vì vậy có thể xem đây là cơ chế bảo vệ dạ dày thông qua sự chống tiết acid. Matrin có tác dụng yếu hơn oxymatrin nên có thể dùng để dự phòng loét do stress sau khi tiêm tĩnh mạch.
Chống hen
Oxymatrin cũng có tác dụng chống hen suyễn. Nghiên cứu cho thấy oxymatrin phân bố cao ở các mô, mật, nước tiểu khi tiêm bắp. Khi dùng đường uống, oxymatrin sẽ chuyển thành matrin và có hoạt tính chống hen.
Chống ung thư đối với sarcom 180 và u báng Ehrlich
Nghiên cứu cho thấy oxymatrin và matrin có tác dụng chống ung thư, bảo vệ tổn thương gan. Khi tiêm bắp oxymatrin liều 3,6mg/kg cho thấy có sự ức chế hoại tử tế bào gan, tiêu glycogen, tăng hoạt GPT huyết thanh ở động vật thí nghiệm.
Hoạt tính tương tự thuốc kháng viêm không steroid
Nghiên cứu ở thỏ và chuột cống trắng cho thấy matrin có tác dụng kháng viêm tương tự thuốc kháng viêm không steroid và có liên quan đến trục dưới đồi – tuyến thượng thận.
Trị viêm mắt
Matrin có tác dụng ức chế viêm mắt gây bởi protein của thể thủy tinh, an toàn hơn corticosteroid. Bên cạnh đó, matrin còn làm tăng rõ rệt thời gian phản ứng của chuột nhắt, làm thuốc giảm đau.
Ngày dùng 4 đến 12g để chữa sưng viêm, nổi mụn nhọt, mụn độc. Cách dùng: dùng dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Dùng liều 6 đến 12g mỗi ngày để chữa kiết lỵ, đau bụng, ngộ độc. Cách dùng: rễ sao vàng, tán thành bột làm thành viên uống.
Dùng ngoài da để chống lở loét, mụn nhọt, các vết động vật cắn. Cách dùng: nấu cả cây sơn đậu, lấy nước sắc để rửa hoặc phơi khô tán bột, hòa với dầu vừng để bôi ngoài da.
Chữa sưng họng, sưng chân răng
Chuẩn bị: Sơn đậu căn 12g, Cương tàm 12g, Chi tử 12g, Huyền sâm 8g, Cát cánh 8g, Cam thảo dây 8g, Bạc hà 6g, Kinh giới 6g.
Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Chữa viêm amidan cấp
Chuẩn bị: Sơn đậu căn, Xạ can, Kinh giới, Ngưu bàng tử, Phòng phong, Cam thảo, Kim ngân hoa, mỗi loại 9g.
Thực hiện: Sắc tất cả các vị trên với 3 chén nước còn 1 chén, chia làm 3 lần uống. Uống trước ăn một tiếng. Sử dụng mỗi ngày 1 tháng.
Chữa viêm amidan mạn
Chuẩn bị: Sơn đậu căn 15g, Kim ngân hoa 5g, Sinh cam thảo 10g.
Thực hiện: Sắc cùng với 600ml nước còn 300ml, chia làm 3 lần uống. Uống trước khi ăn 1 giờ. Mỗi này uống 1 thang, uống từ 3 đến 4 tuần.
Chữa côn trùng, động vật cắn
Chuẩn bị: Sơn đậu căn.
Thực hiện: Rửa sạch và phơi khô sơn đậu căn, tán thành bột nhịn. Khi dùng thì trộn với nước đun sôi để nguội thành hỗn hợp sệt và bôi trực tiếp lên vị trí vết thương đã được vệ sinh sạch sẽ. Tiến hành bôi từ 1 đến 2 lần trong ngày. Hiệu quả có thể thấy rõ sau 2 ngày.
Kiêng kỵ: Chống chỉ định người có tỳ vị hư hàn, bị đái tháo đường.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/son-dau.html
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2).
- Thuốc dân tộc: //thuocdantoc.vn/duoc-lieu/son-dau-can.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.