Tên tiếng Việt:
Tai chua.
Tên khác:
Bứa cọng.
Tên khoa học:
Garcinia cowa Roxb. ex Choisy, Garcinia pedunculata Roxb.
Cây tai chua là một loài cây thân gỗ, sống nhiều năm. Thân cây mọc thẳng đứng, cao khoảng 15 – 16m hoặc hơn, trên thân thường có nhiều u lồi, vỏ cây màu xám đen. Cành cây nhiều và mảnh, đâm ngang và hơi rủ xuống ở phần đầu.
Lá hình trứng ngược với đuôi lá hình nêm và đầu lá tù. Lá rộng 2,5 – 6cm, dài 7 – 17cm, gân nổi rõ ở cả hai mặt lá và các đường gân phụ nối liền nhau ở phần mép lá. Cuống lá mảnh, ngắn, chỉ dài gân 2cm.
Hoa lưỡng tính mọc đơn độc hoặc 2 – 3 hoa tụ thành các cụm ở gần nách lá, gần như không có cuống (cuống chỉ dài khoảng 1cm). Cụm hoa đực gồm 3 – 8 hoa xếp thành hình tán. Hoa có đài 4, tràng 4 cánh dày. Chỉ nhị ngắn, nhị họp thành 4 bó, xếp thành một khối, mỗi bó có khoảng 1 – 8. Bao phấn có 4 ống, đầu nhị xẻ 4 – 8 thùy hình nêm. Nhuỵ có dạng bầu thượng gồm 6 – 9 ống.
Quả tai chua to, hình cầu dẹt, có khoảng 4 – 8 múi nổi rõ bên trên. Vỏ quả khá dày, bên ngoài màu xanh khi còn non và chuyển thành màu vàng lúc chín, bên trong màu đỏ. Thịt quả màu hồng hoặc trắng. Mỗi quả tai chua có khoảng 6 – 10 hạt.
Mùa hoa vào tháng 3 – 4 và cây cho quả khoảng tháng 7 – 8.
Phân bố:
Thế giới: Tai chua mọc nhiều ở miền nam Thái Lan, Ấn Độ và ven rừng thuộc các nước Đông Nam Á.
Việt Nam: Tai chua mọc hoang tại nhiều khu rừng miền Bắc, nhất là các tỉnh ở Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
Thu hái:
Hái quả khi đã chín vàng và có thể thu hái thân, lá, nhựa quanh năm.
Chế biến:
Quả hái về rửa sạch, bỏ hạt, thái thành các miếng mỏng sấy hoặc phơi khô trong khoảng 2 – 3 ngày. Sau khi sấy, dược liệu có màu đen nâu nhạt và hơi mềm. Các bộ phận khác sau khi thu hoạch thì rửa sạch.
Bảo quản: Nơi khô ráo thoáng mát, tránh ẩm thấp và mối mọt.
Quả, thân, lá và nhựa.
Thành phần hoá học chủ yếu trong tai chua là acid citric (nhiều nhất), acid malic và acid tartric, với hàm lượng acid tính theo acid citric trong quả khô lên tới 32%.
Trong quả và hạt tai chua có chứa một chất gây nôn mửa.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, dược liệu tai chua còn chứa các hợp chất xanthone, flavonoid, phloroglucinol, terpen, depsidone, benzoquinone, steroid….
Thân, nhựa và lá cây tai chua có vị chát và hơi đắng; có độc tính nhẹ và tác dụng sát trùng cao.
Vỏ quả tai chua tính mát, vị chua, thường được người dân dùng để nấu canh chua hoặc sắc nước uống để chữa sốt cao và khát nước.
Dùng gôm hoặc nhựa từ thân cây tai chua chữa đỉa chui vào khoang mũi.
Ở Đức, người ta còn dùng tai chua làm chất giúp giữ cho màu bền trong nhuộm vải lụa, nhuộm cói đan chiếu hoặc làm bóng các đồ dùng bằng vàng và bạc.
Theo các nghiên cứu, các hoạt chất trong tai chua có một số tác dụng như sau:
Điều chỉnh nồng độ cortisol trong máu giúp hỗ trợ giảm căng thẳng.
Kích thích giải phóng serotonin hỗ trợ cân bằng tâm trạng và chống trầm cảm.
Hạn chế các chất béo xấu và làm tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể, hỗ trợ giảm mỡ máu và góp phần làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ.
Tăng tốc độ đốt cháy calo, tăng cường trao đổi chất và tăng cường hoạt động của các cơ quan; tăng năng lượng, làm hạn chế tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
Giúp hạn chế và ngăn ngừa bệnh tiểu đường do có thể điều chỉnh lượng đường trong máu.
Hỗ trợ giảm cân nhờ ức chế cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, còn có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm và gây độc tế bào.
Liều dùng của dược liệu tai chua: 6 – 10 g/ngày dưới dạng gia vị nấu ăn hoặc thuốc sắc. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Chưa có thông tin.
Tai chua là một vị thuốc quý và đã được sử dụng trong dân gian từ lâu. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Tai chua có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm, đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Nguồn Tham Khảo:
1. Sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi”
2. Tracucuduoclieu: //tracuuduoclieu.vn/cay-tai-chua.html
3. Sách “Cây thuốc Việt Nam và những bài thuốc thường dùng (tập III)”
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.