Tên tiếng Việt: Tang ký sinh.
Tên gọi khác: Tầm gửi cây Dâu.
Tên khoa học:Loranthus parasiticus (L.) Merr.
Họ Tầm gửi (Loranthaceae), sống kí sinh trên cây Dâu tằm (Morus alba L.), họ Dâu tằm (Moraceae).
Cây nhỏ có màu xanh, sống ký sinh nhờ các rễ mút cắm vào thân cây Dâu tằm. Cành hình trụ, khúc khuỷu, có các gờ nổi, màu xám hay nâu đen sẫm. Lá hình bầu dục, mọc so le, dài 3 – 8cm, rộng 2,5 – 5cm. Gốc lá thuôn hoặc hơi tròn, đầu tù hoặc lõm, mép lá hơi gợn sóng; cuống lá ngắn, gân phụ cong.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm rất ngắn với lá bắc nhỏ hình tam giác; hoa màu đỏ hoặc hồng tím; đài hoa hình chùy có răng cưa nhỏ; bầu hạ; tràng hình trụ hơi phình ở giữa, có lông; nhị 4, chỉ nhị dài hơn bao phấn.
Quả hình bầu dục, có vết tích của đài hoa.
Mùa hoa quả vào khoảng tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.
Vùng phân bố tự nhiên của loại dược liệu này hoàn toàn phụ thuộc vào nơi trồng cây Dâu tằm, tập trung phổ biến ở các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, có thể kể đến các nước như Mianma, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc,…
Cây ưa sáng và ưa ẩm. Hạt giống của cây phát tán do chim hoặc một số loài động vật khác, trong quá trình ăn và tiêu hóa quả chín, đưa hạt Tang ký sinh sang các cây Dâu tằm khác. Hạt giống mắc vào các kẽ nứt của vỏ hoặc hốc cây Dâu và gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm; các rễ cây len lỏi vào trong lớp vỏ cây chủ để hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Dược liệu Tang ký sinh là những đoạn thân, cành hình trụ, có phân nhánh đã phơi khô của Tầm gửi cây Dâu, có những mấu lồi là vết của cành và lá. Không được lẫn với các loại tầm gửi trên các cây khác. Mặt ngoài dược liệu màu nâu xám, có nhiều lỗ bì nhò, đôi khi có những vết nứt ngang. Chất của thuốc cứng. Mặt cắt ngang dược liệu thấy rõ ba phần: phần vỏ mỏng màu nâu, gỗ trắng ngà, ruột màu xám và xốp. Lá khô nhăn nhúm, còn nguyên hoặc từng mảnh, đầu và gốc phiến lá hơi nhọn, màu nâu xám, gân mạng lưới.
Thân và lá Tang ký sinh có Quercetin, Avicularin. Ngoài ra lá còn chứa D-catechin và Hyperoside.
Theo Nguyễn Trọng Thông (1999), Tang ký sinh có chứa Flavonoid, Glycosid, Anthraglycosid, Tanin pyrocatechic và các Acid hữu cơ. Tang ký sinh không có độc tính cấp.
Theo Chen Xihong và cộng sự (1992), Tang ký sinh chứa Lectin với hàm lượng đường là 14%. Hàm lượng Acid amin gốc acid cao, còn các Acid amin base ít. Không thấy có Arginin.
Tính vị, quy kinh
Tang ký sinh có vị đắng, tính bình.
Quy vào hai kinh Can và Thận.
Công năng, chủ trị
Công dụng: Bổ Can Thận, mạnh gân cốt, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa.
Chủ trị: Dùng khi gân cốt nhức mỏi do phong thấp tý, tê bại, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi sinh không có sữa. Ngoài ra, Tang ký sinh còn có tác dụng điều trị thiếu máu và chảy máu ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh, thấp khớp, đau bụng kinh và tăng sức khỏe ở người bị bệnh mạn tính. Tang ký sinh còn được dùng phối hợp với các vị thuốc khác để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, trẻ em bị di chứng bại liệt, tay chân tê liệt, phù thũng, tâm thần phân liệt.
Hỗ trợ các chứng đau nhức xương khớp
Tang ký sinh có tác dụng các bệnh về cơ xương khớp như mỏi cơ, căng cơ, viêm khớp, đau nhức khớp xương,… Nhờ thành phần hóa học có Quercetin và các đồng dạng của nó thể hiện hoạt tính chống viêm với việc ức chế phù do Acid arachidonic. Nó cũng ức chế các enzym COX-2 và Hyaluronidase gây đau. Nó ngăn chặn việc sản xuất các hóa chất trung gian của sự viêm như IL-6, TNF và NO.
Tác dụng hạ huyết áp
Tang ký sinh dưới dạng cao lỏng cho chó uống, có tác dụng gây hạ huyết áp trên chó gây mê với liều 2g/kg thể trọng, gây giãn mạch ngoại biên trong thí nghiệm in vitro gây hạ áp, làm giảm nhu động và trương lực cơ trơn ruột ở thỏ. Tang ký sinh còn có tác dụng lợi niệu, giảm thể tích máu toàn thể gây hạ áp; làm giãn tĩnh mạch tai thỏ đã bị làm cứng hóa bởi cholesterol, cho thấy tác dụng giãn mạch xơ vữa. Tác dụng hạ áp càng tốt hơn khi phối hợp với Câu đằng, lá Bạch hạc.
Hiệu quả trong phục hồi chức năng thận
Nhóm nghiên cứu từ Đại học KyungHee, Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu sàng lọc các loại thảo dược phục hồi chức năng thận. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 07 loại cây có tác dụng phục hồi chức năng thận do Cisplatin mạnh mẽ nhất, trong đó có Tang ký sinh Loranthus parasiticus. Nhóm nghiên cứu nhận định Tang ký sinh có thể được sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị rối loạn chức năng thận.
Tác dụng an thần
Ngoài ra còn có tác dụng trấn tĩnh, an thần, kéo dài thời gian giấc ngủ do hoạt chất Hexobarbital.
Kích thích tạo máu
Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng Tang ký sinh có tác dụng kích thích tạo máu, điều trị thiếu máu, chảy máu bất thường ở phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh, đau bụng kinh, người có đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể.
Ức chế ung thư nhờ hoạt chất chống oxy hóa
Cao nước của Tang ký sinh được thử nghiệm về tác dụng ức chế bệnh tăng nguyên tủy bào của chim đã biểu lộ hoạt tính ức chế khá mạnh. Quercetin là một hoạt chất chống oxy hóa hiệu quả. Chất chống oxy hóa là các hợp chất có thể liên kết và vô hiệu hóa các gốc tự do, liên quan đến các bệnh lý như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch.
Tác dụng kháng khuẩn
Tang ký sinh có tác dụng ức chế virus gây viêm chất xám của tủy sống.
Tầm gửi cây Dâu sau khi thu hoạch và sơ chế thì phơi hay sấy khô, cất giữ nơi khô ráo thoáng mát, tránh mối mọt, ẩm mốc.
Liều dùng từ 15g đến 20g cây khô sắc nước uống hàng ngày.
Hỗ trợ hạ huyết áp ở người trẻ, hoặc tăng huyết áp do rối loạn tiền mãn kinh
Tang ký sinh 20g; Rau má 30g; Hoa hoè, Lá tre, Cỏ tranh, mỗi vị 20g; Hạt muồng, Cỏ nhọ nồi, mỗi vị 16g; Ngưu tất 12g; Hạ khô thảo l0g; Tâm sen 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hỗ trợ hạ huyết áp ở người cao tuổi
Bài thuốc 1: Tang ký sinh 12g; Mẫu lệ 20g; Hà thủ ô 16g; Kỷ tử, Sinh địa, Quả dâu chín, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Trạch tả 8g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc 2: Tang ký sinh, Bạch truật, Đảng sâm, Táo nhân, Long nhãn, Ngưu tất, mỗi vị 12g; Đương quy, Viễn chí, Hoa hoè, Hoàng cầm, mỗi vị 8g; Mộc hương 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hỗ trợ hạ huyết áp kèm theo cholesterol máu cao
Bài thuốc 1: Tang ký sinh, Câu đằng, Hoa hoè, Thiên ma, Ngưu tất, Ý dĩ, mỗi vị 16g; Bạch truật 12g, Phục linh 8g; Bán hạ chế, Cam thảo, Trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Bài thuốc 2: Tang ký sinh, Hoa hoè, Hoàng cầm, mỗi vị 16g; Trúc nhự, Long đởm thảo, mỗi vị 12g; Chỉ thực, Phục linh, Bán hạ chế, mỗi vị 8g; Trần bì, Cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, thấp khớp
Theo dân gian nên kết hợp Tang ký sinh với các vị thuốc khác để tăng cường hiệu quả của bài thuốc điều trị bệnh đau xương khớp, cách kết hợp như sau: Tang ký sinh 10g, kết hợp với Thiên niên kiện 10g, Kê huyết đằng 10g, Ngưu tất 8g, Sinh khương 10g, Đỗ trọng 10g, Độc hoạt 10g, Nhục quế 6g, thêm Đảng sâm 12g.
Người bệnh sắc uống mỗi ngày 1 thang như trên với khoảng 4 bát nước, đun cạn còn khoảng 2 bát nước chia làm 3 lần uống trong ngày.
Lợi sữa, hỗ trợ điều trị tắc tia sữa ở phụ nữ sau sinh
Tang ký sinh 20g, Ngưu tất hay rễ Cỏ xước 10g sắc nước uống hàng ngày, mỗi ngày sắc một thang.
Viêm cầu thận mạn
Tang ký sinh 12g, Mã đề 12g, Trạch tả 12g, Quy bản 10g, Câu đằng 10g, Ngưu tất, Đan sâm, Sa sâm mỗi vị khoảng 8g. Sắc thuốc với khoảng 4 bát nước, sắc cạn khoảng 2 bát nước, chia nhiều lần cho bệnh nhân uống hàng ngày, mỗi ngày uống một thang.
Lưu ý khi chọn mua vì có thể mua nhầm phải các loại tầm gửi thường mọc trên các cây gỗ khác, không phải trên cây Dâu.
Tầm gửi dâu có vị đắng, đây là một cơ sở để phân biệt khi mua loại dược liệu này.
Nên dùng Tang ký sinh ở dạng thuốc sắc uống để cho hiệu quả tốt nhất. Theo nghiên cứu tại Đại học Tây Nguyên đã chứng minh chiết xuất dạng nước tinh khiết của Tang ký sinh tốt hơn chiết xuất dạng cồn.
Có thể tìm mua vị thuốc Tang ký sinh nhập khẩu ở những nhà thuốc uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay loại dược liệu này nước ta vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, cần thăm khám và được kê đơn thuốc của bác sĩ Y học cổ truyền có chuyên môn.
Nguồn Tham Khảo:
Đỗ Huy Bích (2007). 1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 781-792.
Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần (2000). Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược. Nhà xuất bản Y học, Hà nội, tr. 689-694.
Sung-Hwa Sohn và cộng sự (2009). Screening of herbal medicines for the recovery of cisplatin-induced nephrotoxicity. Environmental Toxicology and Pharmacology; 28(2), pp.206-212.
Daniel Zin Hua Wong và cộng sự (2012). Neuroprotective properties of Loranthus parasiticus aqueous fraction against oxidative stress-induced damage in NG108-15 cells. Journal of Natural Medicines; 66, pp.544-551.
Soheil Zorofchian Moghadamtousi (2014). Phytochemistry and biology of Loranthus parasiticus Merr, a commonly used herbal medicine. Am J Chin Med; 42(1), pp.23-35.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.