Tên tiếng Việt: Tất bạt.
Tên khác: Tiêu lốt, Tiêu hoa tím, Tiêu dài.
Tên khoa học:Piper longum, thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.
Cây thân leo, bò ở phần gốc, cành thẳng đứng, không lông. Lá cây mọc cách, có cuống ngắn, khoảng 1,5cm, phủ lông nhiều hơn ở mặt dưới, có bẹ ở gốc cuống lá. Phiến lá hình xoan thon, đầu phiến lá nhọn, gốc phiến hình tim, có đốm tiết.
Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành bông ở ngọn cành. Trục bông đực nhẵn, dài khoảng 5,5cm, lá bắc tròn, có 2 nhị, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn hình bầu dục. Bông cái ngắn hơn, khoảng 1,5cm, trục cụm hoa nhẵn, lá bắc tròn có cuống ngắn, bầu mang 3 nhụy hình trứng, nhọn ở đầu. Quả mọng.
Cây mọc hoang và cũng được trồng ở vườn, làm hàng rào ở cả miền Bắc và miền Nam nước ta, nhất là ở các tỉnh có rừng núi đá vôi. Cây cũng được trồng là dược liệu hay làm gia vị ở Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Lào và các vùng Quảng Đông, Vân Nam của Trung Quốc.
Cây ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc rải rác, đôi khi thành từng đám dưới tán rừng ở hai bên bờ suối và ven rừng. Tất bạt có bộ thân và rễ phát triển mạnh, bò lan đến đâu ra rễ đến đó, phần thân mang lá vươn cao, phân nhánh khỏe và ra hoa quả nhiều. Cây nhân giống tự nhiên từ hạt, có khả năng tái sinh khỏe sau khi bị cắt, ngoài ra cũng có thể nhân giống bằng giâm cành.
Để làm thuốc, người ta thu hái bông quả còn xanh, phơi hay sấy khô. Để thu hoạch làm gia vị, thu hái bông quả chín vào khoảng tháng 9 – 10, lúc những quả phía dưới bắt đầu chuyển thành màu đen, đem phơi hay sấy khô.
Người ta cũng dùng rễ cây mang nhiều rễ con (đường kính trước khi còn tươi khoảng 3 – 4mm) phơi hay sấy khô trước khi sử dụng. Theo kinh nghiệm dân gian, rễ cho tác dụng nhanh chóng hơn quả.
Quả cây Tất bạt (Fructus Piperis longi), ngoài ra rễ cây (RadixPiperis longi) cũng được sử dụng.
Toàn cây Tất bạt chứa nhiều hợp chất thuộc các nhóm alkaloid, tinh dầu, chất đắng, arbutin, steroid, coumarin, flavonoid và các sterol (sitosterol và stigmasterol). Trong các hợp chất alkaloid, quan trọng nhất là piperine, đây là hợp chất chịu trách nhiệm chính cho vị cay nồng và tính ấm của Tất bạt.
Theo Y học cổ truyền, Tất bạt có vị cay, tính rất nóng, quy kinh Vị và Đại trường, có tác dụng ôn trung, tán hàn, hạ khí và chỉ thống. Cây thường được dùng để chữa đau lạnh bụng, nôn mửa, tiêu chảy, ngoài ra còn dùng chữa nhức đầu, sổ mũi do hàn, viêm tuyến vú, đau răng do sâu răng, kinh nguyệt không đều.
Tác dụng kháng viêm
Phản ứng viêm có liên quan đến nhiều bệnh lý nguy hiểm ở người như hen phế quản, viêm khớp, xơ vữa động mạch. Phản ứng viêm xảy ra nhờ tương tác giữa vật lạ (dị nguyên) với các đại thực bào khi các dị nguyên xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến sự giải phóng các chất trung gian hóa học như yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-alpha).
Dịch chiết từ quả cây Tất bạt đã được ghi nhận trong các sách Y học cổ truyền của Ấn Độ với tác dụng giảm đau và kháng viêm, đặc biệt được sử dụng tại chỗ trong các trường hợp đau cơ xương khớp. Trên các mô hình gây viêm trên động vật, dịch chiết cây thuốc này làm giảm phản ứng viêm thông qua việc ức chế sản xuất các hóa chất trung gian gây viêm, dẫn đến ức chế các con đường tín hiệu kích hoạt phản ứng viêm.
Tác dụng chống oxy hóa
Các stress oxy hóa có thể làm tổn thương các cấu trúc trong tế bào, dẫn đến tổn thương tế bào và có liên quan đến một số bệnh lý như đột quỵ, đái tháo đường, Alzheimer, ung thư. Dịch chiết từ quả cây Tất bạt thể hiện tác dụng chống oxy hóa mạnh phụ thuộc thời gian và liều dùng từ các thử nghiệm in vitro.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy khả năng chống oxy hóa của dịch chiết cây dược liệu này còn giúp hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý thoái hóa hệ thần kinh.
Tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm
Hiện nay, kháng thuốc kháng sinh đang là một vấn đề đáng lưu tâm mặc cho các loại thuốc kháng sinh mới đang liên tục được nghiên cứu và phát triển. Các kháng sinh thực vật, được chính thực vật tiết ra trong quá trình sinh trưởng của cây, giúp cây chống lại các tác nhân vi sinh vật có tiềm năng lớn trong việc giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn.
Các thử nghiệm dược lý cho thấy dịch chiết cây Tất bạt có khả năng ức chế nhiều chủng vi khuẩn gram âm và gram dương gây bệnh cho người như Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Bacillus subtilis, Klebsiella aerogenes, Klebsiella pneumonia, Pseudomonas aeruginosa nhờ nồng độ tinh dầu và alkaloid cao trong cây.
Ngoài ra, kết quả từ nghiên cứu in vitro cho thấy dịch chiết cây Tất bạt còn giúp điều trị các chủng nấm gây bệnh hầu họng như Candida albicans và Saccharomyces cerevisiae.
Tác dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn mạn tính ảnh hưởng chủ yếu đến các khớp gây đau và sưng khớp. Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là lựa chọn phổ biến để kiểm soát triệu chứng bệnh trong khi chờ các thuốc điều trị đặc hiệu có tác dụng.
Tuy nhiên, việc sử dụng các nhóm thuốc này đều có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Thử nghiệm dược lý cho thấy dịch chiết quả Tất bạt thể hiện tác dụng giảm viêm, giảm sưng khớp một cách đáng kể trên chuột bị viêm khớp dạng thấp, do đó Tất bạt là một ứng cử viên tiềm năng trong hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp.
Tác dụng trị lỵ
Entamoeba histolytica là một loài đơn bào gây bệnh lỵ thông qua cơ chế tấn công vào màng nhầy của ruột và lan truyền đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các phương pháp điều trị lỵ amib hiện tại đều gây ra nhiều tác dụng phụ, do đó, nhiều nghiên cứu trên các thảo dược thiên nhiên đang được thực hiện nhằm tìm kiếm một phương pháp điều trị thay thế, hiệu quả cao với ít tác dụng phụ.
Dịch chiết từ quả và rễ cây Tất bạt cho thấy khả năng tiêu diệt amib và cải thiện các triệu chứng lỵ rất hiệu quả trên chuột nhiễm amib, với cơ chế liên quan đến giảm hấp thụ oxy của amib.
Liều dùng thông thường là 1,5 – 3g dùng quả và 2 – 5g dùng rễ, dạng thuốc sắc hay tán bột.
Trị đau bụng, nôn, tiêu chảy, đau tức vùng hông, toát mồ hôi
Cách 1: Dùng độc vị Tất bạt tán bột uống cùng với nước cơm
Cách 2: Tất bạt 2g, Nhục quế 2g, Cao lương khương 3g, Can khương 3g. Tất cả vị thuốc nghiền thành bột, trộn với hồ chế thành viên to bằng hạt đậu xanh, mỗi lần uống 20 viên trước ăn.
Trị nôn mửa, bụng trướng đầy, ăn không tiêu
Rễ Tất bạt 2 – 3g sắc nước uống.
Trị đau răng, sâu răng
Tất bạt, Hùng hoàng, Băng phiến mỗi vị 50g, nghiền thành bột xát vào vùng răng đau. Cũng có thể dùng chung với hạt tiêu (lượng bằng nhau), trộn với ít sáp ong viên thành viên nhỏ bằng hạt vừng. Nhét vào nơi răng đau 1 – 2 hạt.
Trị chảy nước mũi
Tiêu lốt tán nhỏ thành bột mịn, thổi vào bên mũi bị tổn thương.
Trị thiên đầu thống (đau nửa đầu)
Tất bạt tán thành bột mịn. Ngậm một ngụm nước nóng, đau đầu bên nào thì lấy khoảng 0,4g bột thổi vào mũi bên đó.
Trị đau thắt vùng ngực
Tất bạt 90g, Tế tân 45g, Đàn hương 45g, Băng phiến 3g, Diên hồ sách 30g, Cao lương khương 45g. Các vị cùng chiết thành cao và chưng cất lấy tinh dầu, trộn đều rồi cho vào nang, mỗi nang chứa 0,3g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 nang.
Trị khí huyết thất điều gây kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh
Tất bạt sao muối, Bồ hoàng sao, 2 vị lượng bằng nhau, tán thành bột, trộn đều với mật ong chế thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 30 viên lúc đói, uống cùng rượu ấm hoặc nước cơm.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Tất bạt:
Tất bạt là một loại cây mọc hoang và là một gia vị thông dụng. Tuy nhiên, do dược liệu rất nóng nên việc sử dụng lâu dài Tất bạt với liều cao có thể gây ra các biểu hiện khô miệng, khát nước, táo bón.
Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng Tất bạt làm thuốc. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Nguồn Tham Khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
- Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 2 – Viện dược liệu
- Yadav, V., Krishnan, A., & Vohora, D. (2019). A systematic review on Piper longum L.: Bridging traditional knowledge and pharmacological evidence for future translational research. Journal of Ethnopharmacology, 112255. doi:10.1016/j.jep.2019.112255
- Ambati T, Nizampuram V, Selvaganesh S, S R, Nesappan T. Efficacy of copper oxide nanoparticles using Piper longum and Piper betle. Bioinformation. 2023 Sep 30;19(9):964-970. doi: 10.6026/97320630019964.
- George JK, Fayad MA, Shelvy S, Sheeja TE, Eapen SJ, Charles S, Rai A, Kumar D. Dataset of De Novo hybrid berry transcriptome profiling and characterization of Piper species (Piper nigrum and Piper longum) using Illumina and Nanopore sequencing. Data Brief. 2022 May 11;42:108261. doi: 10.1016/j.dib.2022.108261.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.