Tên Tiếng Việt: Thạch hộc
Tên khác: Huỳnh thảo; Phi điệp kép; Lan phi điệp; Kim thoa hoàng thảo; Hoàng thảo dẹt; Co vàng sào (Thái); Kép thảo; Hoàng thảo cẳng gà; Kim thạch hộc
Tên khoa học:Herba Dendrobii (Dendrobium nobile Lindl. Orchidaceae)
Thạch hộc là cây thảo phụ sinh, thân mọc đứng và cao khoảng 30 đến 60cm.
Thân chia thành nhiều đốt, càng ở phía ngọn thì các đốt càng gần nhau. Thân hơi dẹt và có rãnh dọc theo chiều dài thân.
Lá thạch hộc không có cuống, mọc ở các đốt và xếp thành hai hàng song song. Lá dẹp, đầu tù tròn, dài khoảng 8 đến 12cm, phiến lá rộng khoảng 2cm, bề mặt nhẵn bóng.
Hoa mọc thành cụm ở kẽ lá, tập trung thành chùm. Hoa to, mọc xen kẽ, màu tím nhạt, 3 lá đài, 3 cánh hoa. Mùa hoa vào tháng 3 đến tháng 4.
Quả hình thoi. Mùa quả vào tháng 5 đến tháng 6.
Thạch hộc phân bố nhiều ở khu vực Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma, Butan, Nepal.
Tại Việt Nam, thạch hộc thường mọc ở các tỉnh miền Bắc từ Nghệ An trở ra, ở các tỉnh miền Nam như Ngọc Linh, Lanbiang…
Thạch hộc mọc bám trên các thân cây gỗ hoặc đá ở trong rừng. Cây ưa ẩm và chịu bóng, mọc ở khu vực núi cao có nhiệt độ từ 15 đến 22 độ C, có thể chịu được nhiệt độ dưới 0 độ C.
Thạch hộc sau khi thu hái, loại bỏ gốc rễ, lá rồi rửa sạch, đem đồ qua hơi nước rồi phơi hay sấy khô.
Bộ phận dùng của thạch hộc là phần thân.
Thạch hộc có thành phần hóa học là alkaloid sesquiterpen, dendrobin, nobulin, dendroxin, dendramin, dendrin, N-methyldendrobinium iodid, N-isopentenyl dendrobinium bromid, dendrobin N-oxyd, dẫn xuất phenatren, tinh dầu, gigantol.
Tính vị: Vị hơi ngọt, mặn, tính hơi lạnh. Vào 3 kinh: Phế, vị, thận.
Công năng: Có tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, ích vị, sinh tân dịch, chỉ khát, hỗ trợ tiêu hóa.
Giảm đau, hạ nhiệt, tăng đường huyết, ức chế hô hấp
Dendrobin trong thạch hộc có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, tăng đường huyết nhẹ, ngoài ra còn gây ức chế hô hấp, ức chế nhu động ruột của thỏ cô lập.
Tác động trên thần kinh
Hai hoạt chất dendrobin và nobulin có khả năng gây khử cực thần kinh, gây co giật mạnh tương tự strychnin.
Theo y học cổ truyền, thạch hộc chữa nóng sốt, khô cổ họng, đau họng, khát nước (âm hư, nóng trong người), đau nhức chân tay, chữa hư lao, ra mồ hôi trộm, yếu sinh lý (nam), tiêu hóa kém. Liều lượng: 8 đến 16g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thạch hộc thường được phối hợp với trần bì, thiên môn, tỳ bà diệp (chữa ho); với đảng sâm, sa sâm, câu kỷ tử, ngưu tất (chữa đau nhức xương).
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, thạch hộc được xem là có công dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng tiết dịch, dưỡng âm, trừ nhiệt, tăng cường thể chất, chữa liệt dương, suy nhược cơ thể. Liều dùng là 6 đến 12g (dạng khô), 15 đến 30g (dạng tươi).
Chữa lao lực, gầy yếu, ho, sôi nóng
Chuẩn bị: Thạch hộc 40g; thục địa 50g; khiếm thực 40g; hoài sơn 30g; quả dâu chín, tỳ giải, mỗi vị 20g.
Thực hiện: Thục địa chưng cách thủy rồi giã nhuyễn. Các dược liệu khác sấy khô, sao vàng, tán bột mịn, trộn chung với thục địa và mật ong làm thành viên. Ngày uống hai lần, mỗi lần 12g.
Chữa hư lao, người gầy mòn
Chuẩn bị: Thạch hộc, đảng sâm, mỗi vị 6g; mạch môn, ngũ vị tử, chích cam thảo, kỷ tử, ngưu tất, đỗ trọng, mỗi vị 4g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa bệnh ôn nhiệt, nóng ẩm khô khát, gầy róc
Chuẩn bị: Thạch hộc, mạch môn, huyền sâm, sa sâm nam, mỗi vị 20g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa bệnh âm hư hỏa bốc, người gầy sạm đen, khô khát, thổ huyết, ra máu mũi
Chuẩn bị: Thạch hộc, sinh địa, thục địa, đan sâm, sa sâm, thiên môn, ngưu tất, mỗi vị 16g; ngũ vị tử 3g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm khuẩn có sốt cao
Chuẩn bị: Thạch hộc, mạch môn, tang diệp, sa sâm, mỗi vị 12g; bạch truật 10g, ngọc trúc 8g, ô mai 6g, ma hoàng 4g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa suy nhược cơ thể ở người suy nhược thần kinh, tăng huyết áp, thai kỳ hồi phục sau bệnh truyền nhiễm
Chuẩn bị: Thạch hộc, mạch môn, quy bản, kỷ tử, hoài sơn, ngưu tất, thục địa, mỗi vị 12g; thiên môn, quả dâu, mỗi vị 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa chứng ho, đầy hơi
Chuẩn bị: Thạch hộc 6g; mạch môn, tỳ bà diệp, trần bì, mỗi vị 4g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa trẻ em khó thở
Chuẩn bị: Thạch hộc cả cây.
Thực hiện: Cả cây thạch hộc giã nhỏ, trộn với mật ong, cho uống.
Chữa viêm họng khản tiếng, đau lưng gối, ù tai, hoa mắt, chóng mặt
Chuẩn bị: Thạch hộc, mạch môn, thiên môn, thục dịa, kỷ tử, mỗi vị 12g; a giao, hạt tía tô, bạc hà, ngưu bàng tử, mỗi vị 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa suy nhược thần kinh, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, khó ngủ, ù tai, hay quên
Bài 1
Chuẩn bị: Thạch hộc 12g; câu đằng, long cốt, mỗi vị 16g; kỷ tử, sa sâm, mạch môn, hạ khô thảo, mẫu lệ, mỗi vị 12g; trạch tả, địa cốt bì, cúc hoa, táo nhân, mỗi vị 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Bài 2
Chuẩn bị: Thạch hộc, thục địa, quy bản, kỷ tử, hà thủ ô đương quy, táo nhân, bá tử nhân, khiếm thực, kim anh, liên nhục, mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Bài 3
Chuẩn bị: Thạch hộc, thục địa, quy bản, hoài sơn, địa cốt bì, hà thủ ô, đương quy, táo nhân, kim anh, liên nhục mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa di mộng tinh
Bài 1
Chuẩn bị: Thạch hộc, mạch môn, sa sâm, kim anh, khiếm thực, liên nhục, mỗi vị 12g; quy bản 8g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Bài 2
Chuẩn bị: Thạch hộc, kim anh tử, mỗi vị 16g, bột hoài sơn, củ súng, mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống. Chia làm 3 lần trong ngày.
Chữa viêm gan virus cấp tính
Chuẩn bị: Thạch hộc 12g, nhân trần 40g, sinh địa 24g; sừng trâu, chi tử, đan bì, mỗi vị 16g; hoảng liên, đan sâm, huyền sâm, thăng ma, mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Chữa xơ gan cổ trướng
Chuẩn bị:Thạch hộc, nhân trần, mỗi vị 20g; bạch mao căn, sa sâm, sinh địa, mã đề, trạch tả, mỗi vị 12g; chi tỏ 8g; hậu phác, trần bì, bán hạ chế, mỗi vị 6g.
Thực hiện: Sắc uống ngày, một thang.
Chữa viêm bàng quang mạn tính
Chuẩn bị: Thạch hộc 12g, tóm ngân hoa 20g; tỳ giải, mã đề, mỗi vị 16g; thục địa, sa sâm, ngưu tất, vỏ núc nác, mỗi vị 12g.
Thực hiện: Sắc uống ngày một thang.
Nên dùng đúng liều lượng, nếu có gì bất thường cần phải liên hệ cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn Tham Khảo:
- Tra cứu dược liệu: //tracuuduoclieu.vn/thach-hoc.html.
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 2).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.