Tên tiếng Việt:
Thài lài trắng.
Tên khác:
Trai thường; Thài lài; Rau trai; Cỏ lài trắng; Rau trai trắng; Cỏ chân vịt; đạm trúc diệp; rau trai ăn; chích thảo; trúc diệp thái; nhi hoán thảo.
Tên khoa học:
Commelina communis L.
Thài lài trắng là cây thân thảo, mọc bò, cao từ 30 – 60 cm hoặc cao hơn. Thân cây nhẵn, gần như không có lông, có rễ ở các mấu.
Lá mọc so le thành hai hàng, lá thon, chóp nhọn, bẹ có rìa lông ôm lấy thân, dài 2 – 6 cm, rộng 1 – 2 cm.
Cụm hoa là một lá bắc rộng như mo, mỗi mo chứa 3 – 5 hoa nhỏ, xếp thành xim có cuống. Hoa nhỏ có màu lam.
Quả nang, chứa 5 hạt đen.
Mùa ra hoa và quả: Tháng 5 – 11.
Trên thế giới, có nhiều loài thuộc chi Commelina L. khác nhau. Có khoảng 100 loài, ở Việt Nam, hiện nay đã xác định được 8 loài, trong đó có thài lài trắng.
Thài lài trắng có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau lan sang đến Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Lào, Malaysia và Philippin. Ngoài ra, còn có ở Nam Âu, Nga, Bắc Mỹ… Thài lài trắng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, cây mọc nhiều ở những nơi có đất ẩm và ruộng vườn bãi hoang. Cây có biên độ sinh thái rộng nên có thể tồn tại được trong nhiệt độ, từ 38 đến 39°C ở vùng nhiệt đối và dưới 10°C về mùa đông ở vùng cận nhiệt đới (Trung Quốc). Cây Thài lài trắng ra hoa quả nhiều hàng năm; sau khi bị cắt, cây vẫn có khả năng tái sinh khoẻ.
Bộ phận sử dụng của cây Thài lài trắng: Toàn cây.
Cây Thài lài trắng được thu hái quanh năm, sau đó rửa sạch, có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Ngọn non của Thài lài trắng có thể dùng để luộc hoặc nấu canh.
Thài lài trắng có 7,8% nitơ, 59,75% chất không có nitơ, 0,90% chất béo, 20,15% cellulose, 12,8% tro. Hoa Thà lài trắng có chứa acid p. coumaric và awobanol, chất màu của hoa chứa delphinin diglucosid là chủ yếu.
Theo Đông y, Thài lài trắng có vị ngọt, tính hàn, quy kinh Tâm, Can, Tỳ, thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thủy, tiêu thũng.
Thài lài trắng được dùng để chữa cảm cúm, giải khát, lợi tiểu, giải độc, lỵ, các bệnh về tim. Ngoài ra, cây tươi Thài lài trắng còn được dùng để trị viêm mủ da, giải độc do rắn, rết cắn, bò cạp đốt, áp xe, các khớp sinh đau bằng cách giaxnast cây tươi và đắp lên.
Trong y học hiện đại, Thài lài trắng được biết đến với nhiều tác dụng trong điều trị bệnh như sau:
Lài thài trắng có thể được dùng trực tiếp hoặc ở dạng thuốc sắc.
Liều dùng mỗi ngày dùng từ 30 – 40 g.
Điều trị viêm họng, viêm amidan
90 – 120 g cây tươi, giã nát, vắt lấy nước uống.
Thài lài trắng 30 g phơi khô sắc nước uống.
Thài lài trắng 30 g, bồ công anh 30 g, dâu tằm 30 g, sắc nước uống.
Điều trị viêm cầu thận cấp, phù thũng, tiểu ít
Thài lài trắng 30 g, cỏ xước 30 g, mã đề 30 g, đem sắc nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi.
Điều trị phong thấp, viêm khớp và phù tim
Thài lài trắng 40 g, đậu đỏ 40 g. Dùng nấu ăn, ăn cả cái và nước.
Hỗ trợ chữa tăng huyết áp
Thài lài trắng tươi 60 – 90 g, hoa cây đậu tằm 12 g, đem rửa sạch, sắc với 800 ml nước còn 300 ml, uống trong ngày. Điều trị trong 10 – 15 ngày.
Điều trị kiết lỵ
Thài lài trắng tươi 30 g (hoặc Thài lài trắng khô 10 g), đem rửa sạch, sắc với 700 ml nước, sắc còn 150 ml nước, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, điều trị trong 5 ngày.
Hỗ trợ điều trị phong thấp
Thài lài trắng 40 g, rửa sạch, thái nhỏ và đậu đỏ 40 g. Đổ 800 ml nước ninh cho nhừ, sau đó cho Thài lài trắng vào rồi đun lửa nhỏ trong 10 phút, thêm chút đường, ăn cả cái và nước. Điều trị trong 5 – 10 ngày.
Điều trị bí tiểu
Thài lài trắng tươi, mã đề tươi, mỗi vị 30 g, đem rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt, sau đó cho thêm chút mật ong vào, uống lúc đói bụng. Dùng liền trong 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau (chưa vỡ mủ)
1 nắm Thài lài trắng tươi đem rửa sạch, giã nát, thêm chút rượu nóng, trộn đều và đắp vào chỗ sưng đau rồi băng cố định lại trong 2 giờ, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Không dùng Thài lài trắng cho người Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.
Thài lài trắng có tính hàn, vì vậy không nên dùng cho người có tỳ vị hư hàn hoặc chỉ dùng ở liều thấp.
Một số cách chữa bệnh từ cây Thài lài trắng vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn và hiệu quả. Để hạn chế các rủi ro khi sử dụng cần tham vấn y khoa trước khi áp dụng.
Nguồn Tham Khảo:
- //tracuuduoclieu.vn/thai-lai-trang.html
- //suckhoedoisong.vn/thai-lai-trang-chua-thanh-nhiet-giai-doc-tieu-thung-16915721.htm
- Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, Trang 815 – 816.
- Đỗ Tất Lợi, Cây thuốc và vị thuốc VN. Trang 609).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.