Tên Tiếng Việt: Cây thanh đại.
Tên khác: Chàm mèo, chàm lá to, chàm nhuộm, mã lam, đại lam, co sơm (Thái), may ốt (Tày), tần gàm (Dao).
Tên khoa học:Strobilanthes cusia (Nees.) O. Kuntze., Strobilanthes flaccidifolia Nees.. Thuộc họ Ô rô Acanthaceae.
Thanh đại (Indigo pulverata levis) còn được gọi là bột chàm, là màu xanh chế biến từ nhiều loại cây khác nhau, chủ yếu từ các cây như:
Chàm mèo là loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao 40 – 80cm. Thân nhẵn, phân nhánh nhiều, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, hình bầu dục hay hình trứng, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng tròn.
Cụm hoa ở kẽ lá thành bông thưa, lá bắc hình lá, những lá phía trên nhỏ hơn và không cuống. Hoa mọc so le hay mọc đối trên cụm, màu lam tím hay tím hồng. Lá đài hình chỉ, tràng hoa hơi cong, hình trụ ngắn hẹp ở phần dưới, phía trên loe ra và xẻ 5 thuỳ hình trứng, đầu cánh hoa nhăn nheo. Nhị 4, 2 đài, 2 ngăn, bao phấn kéo dài, bầu nhẵn.
Quả nang, hẹp dài.
Mùa hoa quả: Tháng 12 đến tháng 2.
Phân bố
Strobilanthes Blume là một chi lớn, được gộp thêm một số chi khác trong họ Acanthaceae như Carvia, Nilgirianthus, Golfussia, chúng hầu hết là các cây bụi, dưới bụi hoặc cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Châu Á.
Chàm mèo có nguồn gốc ở vùng Nam Á, được trồng khá phổ biến ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Việt Nam để nhuộm vải màu chàm.
Theo một số tài liệu đã công bố, chàm mèo ở Việt Nam vừa thấy mọc tự nhiên, vừa được trồng. Tuy nhiên, qua thực tế, điều tra cây ở trạng thái trồng trọt là chủ yếu. Thường gặp ở các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, trong cộng đồng người H’Mông nên có tên là “Chàm mèo”.
Cây ưa ẩm và ưa bóng, thường trồng ở nơi đất ẩm, dưới tán rừng gần bờ suối, hoặc trồng xen với các cây trồng khác trên nương rẫy và ở vườn nhà. Cây ra hoa quả nhiều vào tháng 11 đến tháng 12. Tuy nhiên chỉ có những cây không bị thu hoạch hoặc thu hái trước tháng 7 mới có hoa.
Thu hái và chế biến
Cả cây hoặc lá thu hái vào mùa hè, thu, phơi khô. Có thể chế bột chàm hay thanh đại mà dùng theo cách sau đây.
Cây tươi hoặc chỉ lấy lá, bỏ cành, hái về cho ngay vào thùng gỗ hay bể xây bằng gạch. Đổ nước sạch vào, để lên men. Mùa nóng thường ngâm 2 – 3 ngày, nếu thời tiết mát thì 5 – 6 ngày. Nhưng thường ủ men ở nhiệt độ 30 độ C, trong khoảng thời gian 12 giờ. Sau đó, gạn lấy nước và lọc qua sàng để loại bỏ cọng lá. Đổ vôi cục vào để kiềm hoá dịch lọc (8 – 10kg vôi cho 100kg cây chàm). Dùng que khuấy liên tục 4 – 6 giờ để gây oxy hoá. Dung dịch sẽ nổi bọt và ngả màu xanh lam. Có thể dùng phèn để kết tủa bột chàm.
Bột chàm được vớt ra, ép hết nước, cắt thành từng lát mỏng rồi phơi ở chỗ mát cho đến khô. Trong khi phơi, vật phẩm có thể có mùi amoniac và mốc. Khi dùng, cạo bỏ lớp mốc. Tuỳ theo cách chế biến, bột chàm có độ tinh khiết khác nhau. Chất lượng của bột chàm được xác định bằng cách định lượng indigotin. Bột chàm tốt phải chứa 60 – 70% indigotin.
Lá (còn gọi là thanh đại) đã chế biến khô của cây chàm mèo.
Thân rễ và rễ (còn gọi là Nam Ban lam căn) đã chế biến khô của cây chàm mèo.
Lá chàm mèo chứa 0.4 – 1.3% indican. Khi thuỷ phân, indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hoá, indoxyl cho indigotin. Indigotin có màu xanh lam sẫm, ánh tía, thăng hoa ở 290 độ cho các tinh thể hình kim xanh lam. Indigotin không tan trong acid acetic, phenol, nước, alcol và ether, hơi tan trong tinh dầu thông và dầu béo.
Toàn cây chứa lupeol, betulin, lupenon, indigo, indirubin, 4 (3H)-quinazolinon và 2, 4 (1H, 3H)-quinazolinedion.
Bằng một phương pháp chế biến đặc biệt, cây chàm mèo cùng với một số cây chàm khác cho bột chàm hay thanh đại có màu xanh lam, vị đắng nhạt, tính mát. Bột chàm có tác dụng thanh nhiệt, tán uất, lương huyết, giải độc, trị nhiệt độc, sưng lở.
Chống viêm
Kết quả của các thí nghiệm về độc tính tế bào trong ống nghiệm sử dụng tế bào RAW 264.7, chiết xuất thanh đại không ức chế sự tăng sinh tế bào ở tế bào Raw 264.7 trong khoảng 1 ~ 32mcg/mL. Sản xuất NO giảm đáng kể khi chiết xuất thanh đại được xử lý ở nồng độ 2,8 và 32mcg/mL.
Các cytokine gây viêm TNF-α, IL-6, IL-1β và IFN-γ giảm đáng kể khi chiết xuất thanh đại được xử lý ở nồng độ 2,8 và 32mcg/mL so với nhóm LPS, và tương tự, nồng độ TNFα và IL-6 mRNA cũng giảm. Ngoài ra, mức độ mRNA của COX-2 cũng bị ức chế. Ở mức độ biểu hiện protein, sự biểu hiện của TNF-α, IL-6, iNOS và COX-2 được quan sát thấy với chiết xuất LPS và thanh đại giảm đáng kể so với nhóm chỉ dùng LPS.
Từ kết quả trên cho thấy chiết xuất thanh đại, một hợp chất có nguồn gốc từ thực vật, ức chế phản ứng viêm do LPS gây ra trong tế bào RAW 264.7. Và đặc biệt, điều chỉnh phản ứng viêm bằng cách ức chế sự biểu hiện của các cytokine gây viêm và các enzyme liên quan đến viêm.
Chống virus cúm
Strobilanthes A, một isocoumarin mới với khung lõi isocoumarin hợp nhất tetrahydro-4 H-pyran-4-one, cùng với một hợp chất đã biết 2(3H)-Benzoxazolinone đã được phân lập từ cây chàm mèo. Cấu trúc hóa học của nó đã được xác nhận bằng phương pháp quang phổ 2D NMR, phép đo phổ khối và phân tích nhiễu xạ tia X đơn tinh thể. Con đường sinh tổng hợp Strobilanthes A có thể được cho là có nguồn gốc ban đầu từ 3-methylisocoumarin, một sản phẩm của con đường AA-MA. Cả hai hợp chất đều thể hiện hoạt tính chống virus cúm trong ống nghiệm.
Chống ung thư
Từ những năm 1970, thanh đại đã được phát hiện có tác dụng chữa bệnh trên ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu và hoạt chất lúc bấy giờ được coi là indirubin. Người ta đã minh họa rằng indirubin có thể gây ra hiện tượng chết theo chương trình của các tế bào bạch cầu và kéo dài thời gian sống của chuột mắc bệnh bạch cầu lymphocytic L7212 (Huang, 1994).
Sau đó, Ai-dong Zou phát hiện thanh đại ở in vitro ức chế tế bào HL-60 và khối u do tế bào NB4 in vivo gây ra. Cun Liu và cộng sự đã chứng minh rằng thanh đại có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào K562 và làm giảm biểu hiện protein JAK2.
Trong một nghiên cứu khác năm 2016, Xun-xun Wu và cộng sự đã tìm kiếm các thành phần chống bệnh bạch cầu trong thanh đại với chiến lược mới kết hợp hệ thống sắc ký màng tế bào/K562 hai chiều toàn diện và trong nhận dạng mục tiêu silico. Hoạt tính chống bệnh bạch cầu của indirubin, tryptanthrin và isorhamnetin đã được chứng minh bằng các xét nghiệm về khả năng sống sót của tế bào và quá trình chết theo chương trình của tế bào.
Họ cũng phát hiện ra isorhamnetin có khả năng gây ra sự ngừng chu kỳ tế bào G2/M được điều chỉnh bởi tyrosine-protein kinase proto-oncogene.
Lá thanh đại (chàm mèo): 5 – 10g (tươi có thể tăng liều lượng lên 20 – 30g).
Rễ chàm mèo (Bản lam căn): 8 – 15g.
Chữa viêm lợi răng, chảy máu chân răng
Thanh đại 80g, phèn chua 40g, hùng hoàng 2g, mai hoa băng phiến 2g. Tất cả tán bột, trộng đều, dựng trong lọ kín. Trước khi dùng, rửa sạch răng miệng bằng nước muối hay nước oxy già, rồi bôi thuốc vào những chỗ lợi bị viêm nhiễm. Ngâm giữ thuốc đó 15 đến 20 phút rồi nhổ đi, súc miệng. Ngày bôi 2 – 3 lần, sau bữa ăn. Thường sau 5 đến 7 ngày có kết quả.
Chữa viêm hạnh nhân, viêm họng
Thanh đại 5g, hàn the 5g, tây ngưu hoàng 1g, mai hoa băng phiến 0.5g. Tất cả tán bột, trộn đều, khi dùng súc miệng sạch, bôi vào chỗ sưng đau.
Chữa cam tẩu mã
Thanh đại 20g, hoàng bá 12g, hoàng liên 16g, đinh hương 12g, đại hồi 4g, nhân trung bạch 20g, phèn chua 12g. Các vị hoàng liên, hoàng bá, đinh hương, đại hồi sấy khô tán nhỏ rồi trộn với nhân trung bạch, phèn chua và thanh đại. Nếu bệnh nặng cần thêm 1g xạ hương (vì xạ hương chóng bay hơi nên chỉ trộn vào trước khi dùng).
Lấy bông thấm nước muối rửa sạch máu mủ chỗ răng lợi bị đau, rồi đắp thuốc đầy vào chỗ răng lợi bị thủng. Người lớn ngày đắp thuốc 3 – 4 lần, cách 3 giờ thay thuốc một lần. Trẻ con trước khi đi ngủ đắp thuốc một lần, ban đêm dậy đắp thuốc lần nữa.
Chữa rong kinh
Dùng viên thanh đại chứa 0.25g cao khô lá chàm mèo. Mỗi ngày uống 10 viên chia 2 lần. Uống từ thời điểm 5 ngày trước lúc bắt đầu có kinh nguyệt và uống liên tục trong 10 ngày. Uống nhắc lại như vậy vào tháng thứ 2, thứ 3 hoặc lâu hơn, cho đến khi kinh nguyệt trở lại bình thường thì ngừng uống thuốc. Nếu tiếp tục uống kéo dài, kinh nguyệt có thể bị chậm lại quá mức bình thường.
Một số lưu ý khi sử dụng thanh đại:
Nguồn Tham Khảo:
- Yu H, Li T-n, Ran Q, et al. Strobilanthes cusia (Nees) Kuntze, a multifunctional traditional Chinese medicinal plant, and its herbal medicines: A comprehensive review. Journal of Ethnopharmacology. 2021;265:113325. doi://doi.org/10.1016/j.jep.2020.113325.
- Gu W, Wang W, Li X-n, et al. A novel isocoumarin with anti-influenza virus activity from Strobilanthes cusia. Fitoterapia. 2015;107:60-62. doi://doi.org/10.1016/j.fitote.2015.10.009.
- Jang SJ, Kang SA. Anti-Inflammatory Effect of Chung-Dae in LPS-Treated RAW 264.7 Cells. The Korean Journal of Food And Nutrition. 2022;35(2):116-126.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.