Tên tiếng Việt: Thảo quả
Tên gọi khác: Đò ho; tò ho; mac hâu; may mac hâu
Tên khoa học:Amomum tsaoko Crevost et Lem
Thảo quả là loại thảo mộc lâu năm, thường mọc cao khoảng 2 – 2,5m. Thân rễ to khoẻ, màu hồng, mọc ngang, thắt khúc hình bầu, đường kính 2,5 – 4cm, có vảy mỏng, mùi thơm. Lá màu xanh lục, nhẵn, hơi nhọn, hình bầu dục, chiều dài khoảng 40 – 70cm và chiều rộng khoảng 10 – 20cm.
Quả màu đỏ hình bầu dục, xếp dày đặc lại với nhau khi còn tươi. Quả khi chín khô có chiều dài khoảng 2,5 – 4,5cm, vỏ ngoài có màu nâu xám đến nâu với các rãnh dọc và các gân, không có lông hoặc gai. Hạt mọc thành cụm trong quả, thường được chia thành ba phần theo hàng. Hạt có hình nón đa diện, màu nâu đỏ, được bao phủ bởi lớp áo trắng xám, rất thơm.
Cụm hoa là một bông dài 13 – 20cm, mọc từ gốc thân, hoa rất nhiều mọc sít nhau, cuống cụm hoa và hoa có màu đỏ nhạt.
Mùa hoa: Tháng 5 – 7, mùa quả: Tháng 10 – 12.
Thảo quả là cây đặc biệt ưa bóng râm và ưa ẩm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Phân bố chủ yếu ở phía Tây Nam của Trung Quốc bao gồm các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu và miền Bắc Việt Nam. Thu hái quả vào mùa đông, phơi hay sấy khô. Khi dùng, đập bỏ vỏ ngoài, lấy hạt.
Các phương pháp chế biến Thảo quả:
Thảo quả nướng
Đem quả Thảo quả còn cả vỏ nướng vào tro nóng đến khi có mùi thơm thì lấy ra bóc bỏ vỏ ngoài. Cũng có thể dùng bột mỳ nhão, làm áo bọc ngoài quả rồi mới nướng, đến khi áo bột đen đi thì lấy ra bóc bỏ vỏ.
Thảo quả sao
Đem quả Thảo quả sao đến khi có màu vàng cháy. Đổ ra bóc bỏ vỏ ngoài; khi dùng giã nhỏ.
Thảo quả sao cát
Đem cát rang nóng già; cho nhân Thảo quả vào sao đến khi có màu vàng hơi đen. Rây bỏ cát.
Thảo quả sao cám
Đem Thảo quả (10kg) cùng cám (1kg) sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng. Rây bỏ cám.
Thảo quả chích gừng
Trước hết giã 2kg gừng tươi, vắt lấy nước cốt, tẩm đều vào Thảo quả, để hút hết nước. Sao đến khi khô cho mùi thơm.
Bộ phận sử dụng của Thảo quả là quả chín phơi khô.
Cho đến nay, hơn 300 hợp chất đã được phát hiện trong quả Thảo quả, ít nhất 209 trong số đó đã được phân lập và xác định. Theo đặc điểm của cấu trúc lõi, các hợp chất này có thể được phân loại thành terpenoid, phenylpropanoid,acid hữu cơ và các hợp chất khác. Nhìn chung, có 32 terpenoid, 157 phenylpropanoid, 19 acid hữu cơ, và một pyrrole. Vì Thảo quả có mùi thơm và cay nên tinh dầu của nó đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà khoa học. Tinh dầu Thảo quả chứa terpenoid, axit phenolic và acid hữu cơ.
Terpenoid có nhiều trong quả Thảo quả, gồm 1 monoterpene hydrocarbon, 22 oxygenated monoterpenes, 1sesquiterpenoid, 5 diterpenoid và 2 sterol đã được phân lập và xác định.
Phenylpropanoid là một nhóm lớn các chất chuyển hóa thứ cấp trong thực vật. Ít nhất 157 phenylpropanoid đã được phân lập và xác định từ quả Thảo quả. Các phenylpropanoid này bao gồm các acid phenolic đơn giản, flavonoid điển hình và các dẫn xuất flavonoid bao gồm liên hợp flavanol-menthane, flavanol-fatty alcohol hybrid, flavanol-monoterpenoid hybrid, diarylheptanoids và phenylethanoid glycoside.
Các acid hữu cơ từ quả Thảo quả bao gồm acid béo, aliphatic aldehyde, aliphatic alcohol và aliphatic ester. Ngoài ra, 49 acid hữu cơ khác cũng được phát hiện trong tinh dầu quả Thảo quả.
“Thảo quả ôn tân
Tiêu thực, trừ trướng
Tiệt ngược, trục đàm
Giải độc tịch chướng.”
Theo Đông y, Thảo quả vị cay, tính ấm, không độc, vào hai kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng táo thấp, trừ đờm, tiêu thực, trừ đầy trướng, chữa sốt rét, trừ khí độc ôn dịch.
Ngoài ra, còn làm ấm Tỳ Vị, khỏi nôn mửa, ích nguyên khí, trị chứng hàn thấp, hàn đờm, giải được rượu độc, trị đau bụng và trừ hôi miệng.
Hoạt tính kháng sinh
Hoạt tính kháng sinh của Thảo quả được nghiên cứu rộng rãi thông qua việc ức chế các vi sinh vật khác nhau như nấm, động vật nguyên sinh, cả vi khuẩn gram dương và gram âm, chống lại côn trùng như Tribolium castaneum.
Cả chiết xuất ethanol và ethyl acetate của quả Thảo quả đều cho thấy các hoạt động ức chế chống lại Staphylococcus aureus, Salmonella Typhimurium, Pseudomonas aeruginosa và Klebsiella pneumoniae, một loại vi khuẩn gram âm gây viêm phổi với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao.
Tinh dầu Thảo quả cũng cho thấy hoạt tính kháng sinh trong ống nghiệm, có tác dụng ức chế phổ rộng đối với các vi sinh vật, bao gồm vi khuẩn gram dương và gram âm như E. coli, S. aureus và Pseudomonas aeruginosa. Nó cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của Trichomonas vaginalis.
Thí nghiệm in vivo cũng chứng minh rằng tinh dầu Thảo quả có hoạt tính kháng sinh. Khi được tiêm bắp 0,92 g/kg/ngày, tinh dầu Thảo quả có thể bảo vệ chuột khỏi sự lây nhiễm của S. aureus hoặc Escherichia coli, cho thấy tỷ lệ sống sót là 100%.
Các hoạt động kháng sinh phổ rộng của Thảo quả chống lại các vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh làm cho Thảo quả trở thành nguồn tự nhiên đầy hứa hẹn và tiềm năng để phát triển các kháng sinh phổ rộng, điều này cũng gợi ý về cơ chế có thể ứng dụng lâm sàng của nó như chữa bệnh sốt rét và bệnh tiêu chảy.
Chống viêm
Chiết xuất ethanol và một số hợp chất tinh khiết từ Thảo quả đã được các nghiên cứu chứng minh là có các hoạt động chống viêm. Hoạt tính chống viêm của Thảo quả chỉ ra rằng nó có thể được sử dụng như một chất điều trị mạnh để điều trị các rối loạn viêm. Nó cũng ngụ ý rằng giá trị y học của Thảo quả như điều trị các bệnh rối loạn chức năng lách và dạ dày có thể ít nhất một phần là do hoạt động chống viêm của nó.
Chống khối u/ung thư và chống oxy hoá
Người ta báo cáo rằng phân đoạn ethyl acetate và phân đoạn petroleum ether từ 95% chiết xuất ethanol của quả Thảo quả cho thấy tỷ lệ ức chế > 60% ở 400 μg/mL chống lại một số dòng tế bào ung thư bao gồm Hela, HepG-2, SMMC- 7721 và A549.
Sphingosine kinase 1 và 2 (SPHK1/2) được coi là các enzym giới hạn tốc độ để hình thành sphingosine 1 phosphat, phục vụ một chức năng quan trọng trong các quá trình sinh lý và tế bào. Vì vậy, sự ức chế SPHK1/2 có thể gây ra quá trình bắt giữ chu kỳ tế bào và quá trình apoptosis, có tác dụng chống ung thư.
Nghiên cứu cho thấy phần hexan của 50% chiết xuất ethanol từ hạt Thảo quả có tác dụng ức chế đối với SPHK1 và SPHK2 lần lượt là 39% và 67%. Với 25 hợp chất đã được phân lập, trong đó acid phenolic, acid béo, aliphatic alcohol cho thấy sự ức chế chống lại hoạt động SPHK1 lên đến 20%, và monoterpene 3, acid phenolic, acid béo, aliphatic alcohol có khả năng ức chế hoạt động SPHK2 lên đến 40%.
Các hợp chất từ chiết xuất 95% ethanol hoặc 70% aceton của chiết xuất dichloromethane từ quả Thảo quả có hoạt tính chống oxy hóa. Các hợp chất này bao gồm acid phenolic, flavonoid, diarylheptanoid và acid béo.
Tinh dầu Thảo quả cũng được chứng minh là có các hoạt động chống oxy hóa và chống khối u. Phân tích độc tính tế bào cho thấy tinh dầu Thảo quả gây độc tế bào đối với các dòng tế bào ung thư HepG2, Hela, Bel-7402, SGC-7901 và PC-3. Tinh dầu Thảo quả có hoạt tính chống oxy hóa yếu.
Ngăn ngừa bệnh đái tháo đường
Chiết xuất của hạt Thảo quả cho thấy các hoạt động ức chế sự chống lại α-amylase và α-glucosidase trong ống nghiệm. Các thí nghiệm về chế độ ăn uống trên chuột đã chứng minh rằng cho ăn chiết xuất methanol đã phân lập của Thảo quả có thể làm giảm lượng glucose trong huyết tương xuống khoảng 50%, cho thấy chiết xuất methanol đã phân lập của Thảo quả có hoạt tính hạ đường huyết hiệu quả trong cơ thể sống.
Một nhóm nghiên cứu cũng đã phân lập một loạt flavonoid và các dẫn xuất flavonoid từ chiết xuất tinh dầu của quả Thảo quả và chứng minh rằng một số trong số chúng có hoạt tính chống bệnh đái tháo đường. Những hợp chất này bao gồm flavonoid, cụ thể là (+) – afzelechin, flavanocoumarin, sappanone B, brazilin và proanthocyanidin A-2, liên hợp flavanol-menthane hiếm, cụ thể là amomutsaokin AC và E – H, lavanol-fatty alcohol hybrids.
Ngăn ngừa rối loạn lipid máu
Chiết xuất methanol của quả Thảo quả có thể làm giảm lipid cơ thể ở chuột khoảng 50%, và (+) – epicatechin được cho là thành phần hoạt động chính.
Mặc dù hiện tại hầu hết các hoạt tính dược lý của các chiết xuất và hợp chất từ Thảo quả chỉ thu được bằng các thí nghiệm trong ống nghiệm, nhưng những thành tựu tiên tiến đã cung cấp các bằng chứng nhất định để làm sáng tỏ cơ chế điều trị. Thảo quả trở thành một sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nguồn dược liệu tiềm năng được mong đợi như chất bổ sung trong chế độ ăn uống để giảm lượng glucose và lipid máu hoặc là ứng cử viên thuốc điều trị đái tháo đường mới.
Hơn nữa, đã có chứng minh rằng chiết xuất ethanol của Thảo quả không cho thấy tác dụng phụ độc hại và không quan sát thấy ở chuột khi cho ăn với chiết xuất ở mức 2000mg/kg/ngày.
Liều dùng 3 – 6g/ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, sắc hay làm thành thuốc viên.
Chữa hôi miệng
Thảo quả giã dập, ngậm vào miệng, nuốt nước.
Chữa sốt, sốt rét, đặc biệt dùng trong trường hợp sốt ít, rét nhiều, đại tiểu tiện nhiều quá, không ăn được
Thảo quả 10g, Kha tử 10g, Sinh khương 7 miếng, Táo đen 2 quả, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa sốt rét mới khỏi, giúp tiêu hoá, ăn ngon cơm
Thảo quả 4g, Bạch chỉ 4g, Tứ tô 4g, Cao lương khương 2g, Xuyên khung 4g, Thanh quất bì 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống.
Chữa đau bụng, đầy trướng, Tỳ hư tiết tả
Thảo quả phối hợp Sa nhân, Thần khúc, Mạch nha, Cam thảo, Gừng, Táo (lượng bằng nhau). Sắc nước uống.
Chữa Tỳ Vị nóng lạnh bất hoà, xích bạch lỵ, sốt, đại tiện ra máu
Thảo quả, Địa du, Chỉ xác, Cam thảo (lượng bằng nhau), Táo nhỏ, mỗi lần dùng 6g, thêm Gừng, sắc nước uống.
Chữa chứng hàn thấp, tích đọng bên trong, trướng đầy, tức ngực đau bụng
Thảo quả (nướng chín) 5g, Hậu phác 9g, Thanh bì 6g, Đinh hương 3g, Cam thảo 3g, Cao lương khương 5g, Hoắc hương 9g, Thần khúc 6g, Gừng sống 9g, Đại táo 9g. Sắc uống.
Một số lưu ý khi sử dụng Thảo quả:
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2006), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 409-410.
- Phạm Xuân Sinh (2000), Phương pháp chế biến thuốc cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 257-258.
- Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung (2002), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 837-840.
- Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần (2000), Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 281-282.
- S. Yang, Y. Xue, et al. (2022) “Amomum tsao-ko Crevost & Lemarie: a comprehensive review on traditional uses, botany, phytochemistry, and pharmacology”. Phytochem Rev, 1-3
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.