Tên Tiếng Việt: Thiên tiên tử.
Tên khác: Đại sơn yên tử, sơn yên tử, jusquiame, mont aux poules..
Tên khoa học: Hyoscyamus niger L, thuộc họ Cà (Solanaceae).
Thiên tiên tử là hạt của cây Thiên tiên tử, một loại cây cao tới 1m.
Thân của Thiên tiên tử trưởng thành mọc thẳng, nhiều lá, phân nhánh và được bao phủ dày đặc bởi các sợi lông tuyến dài và dài tới 0,5 đến 1m.
Lá có hình mũi mác thuôn dài với một vài sợi lông ở mép dưới. Mép lá hơi gợn sóng. Các gân lá nổi rõ và lõm xuống ở mặt trên.
Loại cây này có mùi hôi. Rễ củ của nó dày và nhiều thịt.
Hoa Thiên tiên tử được thấy nở vào tháng 6 – tháng 9. Hoa có màu vàng nâu và có tâm màu tím và các đường gân màu tím. Chúng mọc thành các chùm dài ở nách lá phía trên.
Mỗi quả có khoảng 500 hạt. Hạt rất nhỏ, đường kính 1mm hình thận, màu nâu nhạt hay xám tro.
Thiên tiên tử có nguồn gốc từ Châu Âu và Bắc Phi. Nó đã được phân phối ở hầu hết các khu vực ở Bắc bán cầu, Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Brazil.
Người ta thường chọn cây sống 2 năm (chỉ có những cây này mới được có thể dùng làm thuốc). Tại những nước trồng vào tháng 2-3, thu hoạch vào tháng 7, có thể thu lần 2 vào tháng 9, lứa thứ 3 vào tháng 10. Hạt để làm thuốc phải được thu hái trên những cây có quả chín hay gần chín.
Rễ, hạt, lá đều có thể sử dụng. Tuy nhiên, hạt của cây Thiên tiên tử thường được dùng nhiều nhất trên thực hành lâm sàng.
Tất cả các bộ phận của Thiên tiên tử, lá, hạt và rễ đều có thể sử dụng nhưng dưới liều kiểm soát để không gây độc cho người bệnh. Thiên tiên tử chứa một số thành phần Alkaloid và không Alkaloid. Phân tích sắc ký chiết xuất thiên tiên tử đã xác định được khoảng 34 Alkaloid.
Các alkaloid bao gồm Hyoscyamine, Atropine, Tropane và Scopolamine (Hyoscine), có mặt trong Thiên tiên tử cũng như các loài Solanaceae khác (họ cà dược) như Atropa belladonna (cây độc dược) và Datura Spp (táo gai). Các hợp chất này có các tác dụng khác nhau như chống co thắt cơ trơn, giảm tăng tiết phế quản và giảm đau dạ dày.
Tỷ lệ Alkaloid của thiên tiên tử trong lá, rễ và hạt theo thứ tự khoảng 0,17, 0,08 và 0,05. Một số yếu tố như áp lực thẩm thấu và sự tiêm vi sinh vật ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất tổng hợp Alkaloid ở cây này. Các Alkaloid của tất cả các bộ phận của thiên tiên tử sẽ gây độc cho động vật và con người nếu chúng sử dụng với số lượng lớn (Ví dụ, tiêu thụ khoảng 4 bông hoa Thiên tiên tử là đủ để gây ra các biểu hiện lâm sàng ở trẻ mẫu giáo).
Hai alkaloid chính của Thiên tiên tử là Hyoscyamine và Scopolamine, được sử dụng làm thuốc trong điều kiện được kiểm soát. Chúng được sử dụng như thuốc giảm đau nhẹ, chống co thắt, an thần và giãn đồng tử.
Hyoscyamine, chất chuyển hóa thứ cấp của Thiên tiên tử, là đồng phân levo của Atropin và có tác dụng tương tự với hoạt tính gấp đôi Atropine. Tác dụng chính của Hyoscyamine là ức chế hệ thần kinh trung ương. L-hyoscyamine được hình thành trong thực vật nhưng nó dễ dàng bị thủy phân thành Atropine trong tế bào thảo dược và cả trong quá trình chiết xuất. Atropine, là (±)-hyoscyamine, có thành phần D và L hyoscyamine bằng nhau. Khi Atropine bị thủy phân sẽ tạo thành axit (±)-tropic và tropin. Các Alkaloid tropane có nguồn gốc từ sự kết hợp giữa piperidine và vòng pyrrolidine được gọi là tropane.
Thiên tiên tử còn có các thành phần hóa học khác không chứa Alkaloid như Withanolide, Flavonoid, Lignan, Coumarinolignans, Saponin, Glyceride, Glycoside và Phenolics.
Thiên tiên tử theo Y học cổ truyền có vị đắng, tính hàn và quy vào Tâm, Can. Có tác dụng chỉ thống, chấn kinh. Chủ trị chứng đau răng, điên cuồng.
Tác dụng kháng cholinergic hoặc phó giao cảm
Tác dụng kháng cholinergic hoặc phó giao cảm của Thiên tiên tử liên quan đến sự ức chế cạnh tranh của acetylcholin. Tác dụng ức chế này nổi bật hơn ở các thụ thể muscarinic so với các thụ thể nicotinic.
Đặc tính chống co thắt, chống tiêu chảy, chống tiết, giãn phế quản và giãn bàng quang tiết niệu của Thiên tiên tử được thực hiện thông qua sự kết hợp của cơ chế kháng cholinergic và đối kháng Ca(2+).
Tác dụng lên tim mạch
Nghiên cứu Kan và cộng sự năm 2008 đã chứng minh tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim và giãn mạch của chiết xuất Thiên tiên tử. Những dữ liệu này chỉ ra rằng chiết xuất Thiên tiên tử làm giảm huyết áp thông qua cơ chế đối kháng Ca(++). Từ đó ứng dụng trong điều trị cao huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim.
Tác dụng điều trị triệu chứng hô hấp
Nghiên cứu Kosari và cộng sự năm 2021 đã chứng minh, các triệu chứng của COVID-19 bao gồm: Ho, khó thở, đau họng và đau ngực đã giảm khi sử dụng chiết xuất Thiên tiên tử cộng với keo ong và xu hướng giảm này rõ rệt hơn với tăng số ngày điều trị.
Thiên tiên tử đã được chứng minh là thuốc giãn phế quản và có tác dụng ức chế kênh Ca 2+. Chiết xuất Thiên tiên tử có thể được sử dụng để nhắm vào các kênh orf3a Ca 2+ kích hoạt các con đường xuôi dòng khác nhau liên quan đến nhiễm virus. Từ đó giảm sự nhân lên của virus. Ngoài ra, chiết xuất Thiên tiên tử cũng đã được chứng minh là làm giảm dòng viêm do NF-kB gây ra, một con đường có liên quan đến tình trạng suy hô hấp do SARS-CoV gây ra.
Nghiên cứu chứng minh chiết xuất keo ong có hoạt tính kháng khuẩn in vitro chống lại Klebsiella pneumoniae, Haemophilus Enzae, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes và Moraxella catarrhalis. Phát hiện của họ cho thấy keo ong là một chất kháng khuẩn rất hiệu quả trong việc kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do các loài vi khuẩn gây ra. Từ đó mà việc kết hợp Thiên tiên tử và keo ong là phương pháp điều trị hiệu quả, chi phí thấp các trường hợp COVID-19 mức độ nhẹ.
Tác dụng chống viêm
Chiết xuất methanol của hạt Thiên tiên tử đã cho thấy tác dụng giảm đau và chống viêm cấp tính và mãn tính trên mô hình động vật. Có vẻ như Cleomiscosin A chịu trách nhiệm về đặc tính chống viêm của chiết xuất này.
Tác dụng chống oxy hóa
Hyoscyamoside là một Flavonoid có hoạt tính chống oxy hóa tiềm năng và là một Phyto Progesterone có thể làm trẻ hóa và sửa chữa mô phổi cũng như cải thiện các triệu chứng hen suyễn.
Tác dụng chống chống bệnh Parkinson
Chiết xuất Methanol của Thiên tiên tử có thể làm giảm đáng kể tình trạng khuyết tật vận động của chuột mắc bệnh Parkinson. Nó cũng có thể là kết quả của khả năng ức chế monoamine oxidase và khả năng loại bỏ gốc hydroxyl (-OH). Do đó, chiết xuất Methanol của hạt Thiên tiên tử có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh Parkinson ở chuột nhờ khả năng ức chế tăng -OH được tạo ra trong ty thể.
Tác dụng an thần và gây mê
Scopolamine (d-hyoscine), một alkaloid quan trọng của Thiên tiên tử, hoạt động tương tự như Atropine như là chất đối kháng cạnh tranh của thụ thể muscarinic cholinergic trung ương và ngoại vi, nhưng nó bán thải nhanh hơn. Scopolamine gây ức chế thần kinh trung ương, dẫn đến buồn ngủ. Sau khi dùng Scopolamine, đặc biệt là với liều lượng lớn, sẽ có một giai đoạn hưng phấn và mê sảng ngắn kèm theo chóng mặt, cử động khó khăn, nói khó và dẫn đến buồn ngủ. Giấc ngủ thường kéo dài 5-8 giờ.
Atropine cũng là một alkaloid quan trọng của Thiên tiên tử. Nó được sử dụng như một thuốc tiền mê để giảm tiết dịch phế quản và ngăn chặn nhịp tim chậm kèm theo một số loại thuốc gây mê. Sử dụng thuốc Atropine hoặc Atropin ở liều điều trị gây khô miệng, giãn đồng tử, ức chế hoạt động của tuyến mồ hôi và ở liều độc, chúng có thể gây khó chịu, bồn chồn, mất phương hướng, ảo giác, mê sảng, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, rối loạn ngôn ngữ và mờ mắt.
Liều dùng khoảng 1,5-3g trong ngày tùy tình trạng mỗi người mà tăng giảm liều. Tuy nhiên, không được tự ý sử dụng Thiên tiên tử dù cho sử dụng liều thấp nhất.
Bài thuốc chữa đau răng
Chuẩn bị: 1-3g Thiên tiên tử.
Thực hiện: Đau răng thì nhét bột Thiên tiên tử vào nơi răng sâu hoặc hun khói sau khi đốt.
Bài thuốc chữa mụn nhọt
Chuẩn bị: 100g hạt Thiên tiên tử.
Thực hiện: Ngâm hạt Thiên tiên tử trong nước nóng trong 5 phút, sau đó vớt ra, giã nhuyễn. Đắp lên vùng da bị mụn nhọt sẽ giúp đẩy cồi mụn ra ngoài.
Mặc dù Thiên tiên tử có được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, Thiên tiên tử được xếp vào thuốc độc bảng A nên có một số lưu ý khi sử dụng Thiên tiên tử như:
Thiên tiên tử là vị thuốc lâu đời được sử dụng có kiểm soát ở cả Tây y và Đông y. Chiết xuất từ Thiên tiên tử được chứng minh là một loại thuốc an thần và giảm đau. Ngoài ra, loại cây này còn được sử dụng để điều trị đau bụng và đau do nhiễm giun, ho co thắt, hen suyễn và viêm phổi. Hầu hết các đặc tính này đã được xác nhận bằng các nghiên cứu dược lý cả trên mô hình động vật in vitro và in vivo. Tuy nhiên, việc sử dụng Thiên tiên tử nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Study of anti-inflammatory, analgesic and antipyretic activities of seeds of Hyoscyamus niger and isolation of a new coumarinolignan: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19720117/
- Antiparkinsonian effects of aqueous methanolic extract of Hyoscyamus niger seeds result from its monoamine oxidase inhibitory and hydroxyl radical scavenging potency: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20972705/
- Black henbane and its toxicity – a descriptive review: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4224707/
- The effect of propolis plus Hyoscyamus niger L. methanolic extract on clinical symptoms in patients with acute respiratory syndrome suspected to COVID‐19: A clinical trial: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8251320/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.