Tên Tiếng Việt: Thỏ ty tử.
Tên khác: Hạt cây tơ hồng, dây tơ hồng, tơ hồng vàng, tơ vàng, đậu ký sinh, miễn tử.
Tên khoa học: Thỏ ty tử Semem Cuscutae sinensis là hạt sấy hay phơi khô của cây tơ hồng (Cuscuta sinensisLamk., cuscuta hygrophilae Pears., Cuscuta hyalina Wight.). Thuộc họ Bìm bìm Convolvulaceae.
Thỏ ty tử là hạt của dây tơ hồng, một loài cây mọc leo, ký sinh, cuốn trên các cây khác, thân thành sợi màu đỏ nâu nhạt hay màu vàng, không có lá.
Lá biến thành vảy, cây có rễ mút, để hút thức ăn từ cây chủ. Ở miền Bắc nước ta, dây tơ hồng mọc bám trên cây cúc tần (Pluchea indica Less., thuộc họ Cúc). Hoa hình cầu, 5 cánh hợp màu trắng nhạt, gần như không cuống, 5 nhị vàng. Hoa mọc tụ thành khoảng 10 đến 20 hoa một cụm. Mùa hoa: Tháng 10 – 12.
Quả hình cầu, chiều ngang rộng hơn chiều cao, rộng khoảng 3mm, nứt từ dưới lên, chứa 2 – 4 hạt, hình trứng, đỉnh dẹt, độ dài khoảng 2mm.
Dây tơ hồng mọc ở khắp nơi trên nước ta, nhưng người dân ít khi dùng hạt, người ta hái cả dây sắc uống làm thuốc bổ, chữa di tinh, mộng tinh hoặc lở sài ở trẻ em. Còn hạt tơ hồng (thỏ ty tử) thì vẫn còn nhập từ nước ngoài).
Phân bố
Chi Cuscuta L. có 3 loài ở Việt Nam đều có dạng sống là dây leo, ký sinh trên nhiều loại cây. Loài tơ hồng phân bố khá rộng rãi từ vùng Đông Á đến Đông Nam Á, gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Lào, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia.
Tơ hồng vàng là cây ưa sáng, thường sống ký sinh trên các loại cây bụi như cúc tần, chè hàng rào, găng và nhiều loại cây bụi và gỗ khác như nhãn, ổi, vải,… Hệ thân leo của tơ hồng phát triển nhanh, thường trùm lên tán các cây chủ, làm cho các cây này không ra hoa quả được và dần dần có thể chết.
Tơ hồng ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt, song cũng có khả năng tái sinh vô tính khoẻ. Chỉ với một đoạn thân leo còn lại trên cây chủ là có thể tái sinh nhanh chóng tạo thành một mạng lưới tơ hồng phát triển. Tơ hồng rất khó trừ diệt, nó là hiểm hoạ đối với một số cây trồng lấy quả.
Thu hái và chế biến
Thu hái vào mùa thu, khi quả chín, hạt già, cắt cả dây về phơi khô, đập rụng hạt, thu nhặt lấy hạt sàng loại bỏ tạp chất.
Sau đây là một số cách chế biến thỏ ty tử để làm vị thuốc trong Y học cổ truyền:
Thỏ ty tử sao vàng: Đem thỏ ty tử sao với nhiệt độ tăng dần tới khi hạt có màu vàng hơi bị nứt.
Thỏ ty tử trích rượu: Đem 2kg rượu trộn đều vào 10kg thỏ ty tử, ủ 30 phút đến 1 giờ cho hút hết rượu, sao tới khô vàng. Có thể tẩm rượu, ủ 12 giờ, đem ra phơi, giã giập, lại tẩm rượu, ủ, phơi, cũng có thể tẩm, ủ 4 – 5 ngày với rượu, sau đồ chín. Phơi khô.
Thỏ ty tử muối: Trước hết đem 0.15kg muối hoà tan lượng vừa đủ 1.5 lít, trộn nước muối với 10kg thỏ ty tử, ủ 30 phút, sao tới vàng. Cũng có thể sau khi ủ mềm với nước muối đem chưng chín. Phơi khô.
Thỏ ty tử làm thành bánh: Đem 10kg thỏ ty tử chưng chín hoặc chưng cho trương nở. Lấy ra giã nát, thêm 1.5kg bột mỳ làm thành bánh. Phơi khô. Có thể trước khi chưng thì ủ với rượu 1 đêm theo tỷ lệ 10kg thỏ ty tử, rượu 1.5kg. Chưng 12 giờ, cứ cách 2 giờ lại vẩy một lần nước. Chưng tới chín, hạt nở ra, lấy ra giã nát, thêm bột mỳ với lượng như trên (1.5kg). Làm thành bánh, có thể cắt thành các khúc nhỏ.
Thỏ ty tử nấu chín: Lấy thỏ ty tử, thêm nước vừa đủ ngâm 24 giờ. Lấy ngay nước ngâm này, có thể thêm một ít nước nữa, đun nhỏ lửa khoảng 30 phút đến 1 giờ cho hạt nở nứt ra hoặc sờ thấy dính tay. Vớt ra giã nát, thêm bột mỳ vào, làm thành bánh. Có thể cắt nhỏ thành khúc. Phơi khô.
Thỏ ty tử nấu với rượu: Trước hết đem 10kg thỏ ty tử tẩm với 1.5kg rượu, ủ 12 giờ, thêm nước vừa đủ nấu 1 giờ tới khi sờ thấy dính tay. Lấy ra giã nát, thêm bột mỳ làm thành bánh.
Thỏ ty tử là hạt đã được phơi hay sấy khô của dây tơ hồng.
Các thành phần chính của thỏ ty tử đã được chứng minh là các hợp chất flavonoid khác nhau (quercetin, quercetin-3-O-beta-galactosyl-7-O-beta-glucosid, astragalin, hyperin), một loạt các polysaccharide, một số ancaloid khác nhau và thành phần khác như:
Các flavonoid và polysaccharide là thành phần hoạt tính sinh học chính trong thỏ ty tử.
Theo Đông y, thỏ ty tử có vị ngọt nhạt, hơi cay, tính bình, có tác dụng bổ Can Thận, ích tinh tuỷ, mạnh gân cốt, thông tiểu, nhuận tràng, sáng mắt, thu liễm.
Thỏ ty tử dùng chữa các chứng bệnh khí lực kém, gầy yếu, gân cốt đau yếu, đau lưng, nhức gối, di hoạt tinh, mắt mờ, miệng khô đắng, nước tiểu đục có cặn.
Trong Y học cổ truyền Ấn Độ, thỏ ty tử được dùng trị viêm khớp, ung thư, bệnh về não như động kinh, loạn tâm thần và hưng cảm.
Chống loãng xương
Cho chuột bị loãng xương uống chiết xuất từ thỏ ty tử thấy mật độ xương tăng lên (P < 0.01) và cấu trúc vi mô của xương cải thiện đáng kể (P < 0.01 hoặc 0.05). Hơn nữa, thỏ ty tử đã có tác dụng giảm mạnh các mức độ TRACP-5b và RANKL trong huyết thanh, trong khi có một sự tăng đáng kể về nồng độ osteoprotegerin trong nhóm được dùng thỏ ty tử so với nhóm chuột đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, đặc biệt là ở liều cao.
Hơn nữa, năm 2022 Yun Yang và cộng sự đã phát hiện rằng sự tăng của các protein c-fos, c-Src kinase và NFATC1 đã được đảo ngược bởi thỏ ty tử cả trong vitro và in vivo. Kết quả của nhóm tác giả cho thấy thỏ ty tử có tác dụng chống loãng xương thông qua con đường tín hiệu c-fos/c-Src kinase/NFATC1.
Cải thiện chức năng sinh sản và nội tiết
Năm 2000, Qin DN và cộng sự thực hiện đánh giá tác động của các flavonoid chiết xuất từ thỏ ty tử lên chức năng sinh sản và nội tiết ở chuột đực. Chiết xuất từ thỏ ty tử làm tăng trọng lượng của tinh hoàn, mào tinh hoàn và tuyến yên, đồng thời kích thích bài tiết T và LH cả trong ống nghiệm và ở chuột chưa trưởng thành.
Cải thiện tình trạng viêm trong thoái hoá khớp
Sesamin, thành phần hoạt tính của thỏ ty tử làm giảm sự biểu hiện của cyclooxygenase 2 bằng cách ức chế con đường tín hiệu của yếu tố nhân-κB được kích hoạt bởi interleukin-1β, từ đó cải thiện tình trạng viêm trong bệnh thoái hoá khớp.
Thỏ ty tử được dùng làm thuốc bổ chữa liệt dương, di tinh, đau lưng, đau nhức gân xương, tiêu hoá kém. Ngày dùng 10 – 16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Chữa ăn khó tiêu
Thỏ ty tử, hương phụ mỗi vị 100g, phèn phi 0.5g. Tất cả phơi phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên. Uống mỗi ngày 2 – 4g.
Chữa suy nhược cơ thể ở người cao tuổi
Thỏ ty tử 8g, thục địa 16g, lộc giác giao, đỗ trọng mỗi vị 12g, nhục quế, kỷ tử mỗi vị 10g, đương quy, sơn thù, phụ tử chế mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa xơ cứng động mạch vành hoặc thời kỳ ổn định sau nhồi máu cơ tim
Thỏ ty tử 8g, đan sâm, phụ tử chế, đương quy, ba kích, bạch thược, bá tử nhân mỗi vị 8g, viễn chí, nhục quế mỗi vị 6g. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa thiểu năng tạo máu của tuỷ xương nhẹ
Thỏ ty tử 20g, thục địa 40g, ba kích, hà thủ ô, cỏ nhọ nồi, nhục thung dung, thiên môn mỗi vị 20g, kỷ tử, sơn thù mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa thận hư không sinh tinh, di tinh
Thỏ ty tử 8g, cao ban long, thục địa mỗi vị 12g, kỷ tử, hoài sơn, đương quy, phụ tử chế, đỗ trọng mỗi vị 8g, sơn thù 6g, nhục quế 4g. Đem tán bột làm thành viên uống mỗi ngày 10 đến 20g, hoặc sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa liệt dương
Thỏ ty tử 12g, thục địa, bá tử nhân, phá cố chỉ, phục linh mỗi vị 12g, lộc giác giao 20g. Làm viên, mỗi ngày uống 20 – 30g.
Chữa đái dầm
Thỏ ty tử 8g, đảng sâm, hoài sơn, khiếm thực mỗi vị 12g, mạch môn, sa sâm, tang phiêu tiêu, kỷ tử mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa đau lưng mỏi gối do thận hư yếu
Thỏ ty tử 12g, củ mài, cẩu tích mỗi vị 20g, tỳ giải, cốt toái bổ, đỗ trọng mỗi vị 16g, rễ gối hạc, dây đau xương, rễ cỏ xước mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa rong kinh, rong huyết
Thỏ ty tử 12g, hoài sơn, sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g, bạch thược, đương quy, ích mẫu mỗi vị 12g, xuyên khung 8g, hương phụ 10g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa ho
Thỏ ty tử, lá trắc bá, lá nguyệt bạch, lá bọ mắm mỗi vị 12g, nghệ 4 lát. Sắc uống ngày một thang.
Một số lưu ý khi sử dụng thỏ ty tử:
Nguồn Tham Khảo:
- Yang Y, Wei Q, An R, et al. Anti-osteoporosis effect of Semen Cuscutae in ovariectomized mice through inhibition of bone resorption by osteoclasts. Journal of Ethnopharmacology. 2022;285:114834. doi://doi.org/10.1016/j.jep.2021.114834.
- Qin DN, She BR, She YC, et al. Effects of flavonoids from Semen Cuscutae on the reproductive system in male rats. Asian J Androl. 2000;2(2):99-102.
- Yang S, Xu H, Zhao B, et al. The Difference of Chemical Components and Biological Activities of the Crude Products and the Salt-Processed Product from Semen Cuscutae. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2016;2016:8656740. doi:10.1155/2016/8656740.
- Zhang Tiandong PQ, Liu Huan, Feng Jianguo, Yi Qian, Huang Wenhua. Semen cuscutae in the treatment of osteoarthritis: network pharmacology analysis and experimental validation. Chinese Journal of Tissue Engineering Research. 2024;28(28):4516-4521. doi:10.12307/2024.456.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.