Tên Tiếng Việt: Cây thồm lồm.
Tên khác: Đuôi tôm, bẻm, mía giò, mía bẻm, cây lôm, mía nung, hoả khôi mẫu, xích địa lợi, hoả mẫu thảo, chuồng chuồng, săm koy (Luang Prabang), hồng sơn thất (Trung Quốc), râu đăng di (H’mông), xốm cúng (Thái).
Tên khoa học:Polygonum chinense L., Polygonum sinense L.. Thuốc họ Rau răm (Polygonaceae).
Cây thồm lồm là loại cây bụi, thân đứng, sống dai, nhiều khi mọc rất dài và leo. Thân tròn, nhẵn, phân cành nhiều, có khía. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc gần hình thận, đầu lá nhọn, những lá ở gần ngọn nhỏ hơn, gần tròn, không cuống và mọc ôm thân, hai mặt nhẵn, mặt trên đôi khi có vết rám đen hình chữ V, cuống lá ngắn, bẹ chìa hình trụ.
Cụm hoa mọc ở đầu ngọn thành xim, các xim lại tụ họp thành chuỳ tròn, có cuống phủ rất nhiều lông có hạch tiết, lá bắc thuôn, hoa màu trắng hoặc hồng, bao hoa gồm 5 phiến bằng nhau, nhị 8.
Quả hình chóp, có 3 cạnh, khi chín màu đen.
Mùa hoa quả: Tháng 8 – 11.
Cây thồm lồm mọc gần như ở khắp nơi ở nước ta, trẻ em thường lấy quả chín ăn, ngọt, còn các thân mập, tược lột vỏ, ăn thân (hơi chua chua).
Cây thồm lồm phân bố rộng rãi ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới Châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mianma, Lào, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây thồm lồm là loại cây rất quen thuộc, phân bố từ vùng núi (trừ vùng cao lạnh trên 1500m) đến trung du và đồng bằng.
Cây thồm lồm là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc thành bụi lớn xen lẫn với các loại cây bụi khác ở ven rừng, ven đồi, đặc biệt ở ven các bờ sông suối, bờ ao hay lùm bụi quanh làng. Cây thồm lồm ra hoa quả nhiều hàng năm, hoa được thụ phấn nhờ côn trùng, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Cây chịu được chặt phá nhiều lần, phần còn lại có khả năng tái sinh khoẻ.
Dùng lá hay toàn cây tươi hoặc phơi hay sấy khô. Thường dùng tươi hơn, không phải chế biến gì đặc biệt. Hiện cũng không ai đặt vấn đề về trồng trọt.
Bộ phận sử dụng được của cây thồm lồm là toàn cây và lá, thu hái quanh năm, dùng tươi.
Cây thồm lồm có batatifolin (5,6,7,4’ – tetrahydroxy – 3’ – methoxyflavon), rubin, rheum emodin, oxymethylanthraquinon, anthraquinon glucosid, alcol myricylic, terpenoid, alkaloid, flavonoid, tannin, steroid. Flavonoid là loại thành phần chính và quercitrin là thành phần chính của flavonoid.
Ngoài ra, còn có caroten, vitamin C, acid ellagic.
Theo Đông y, cây thồm lồm có vị hơi ngọt, cay, tính mát, vào 3 kinh Can, Tỳ và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu phù.
Cây thồm lồm được dùng chữa lỵ, viêm ruột, viêm gan, viêm amidan, viêm họng, bạch hầu, ho gà, nấm âm đạo, xích bạch đới. Ngày 15 – 16g sắc uống. Dùng ngoài, chữa mụn nhọt, chốc lở ngoài da, viêm vú, rắn cắn, côn trùng đốt, đòn ngã, làm tan máu ứ.
Người dân các địa phương thường lấy lá thồm lồm tươi giã hoặc nhai nát đắp lên chỗ tai bị loét gọi là bệnh thồm lồm ăn tai hay chứng loét kẽ tai do nhiễm liên cầu khuẩn. Còn dùng chữa các trường hợp lở loét ngoài da khác.
Khi đi rừng khát nước, có thể lấy những đoạn thân gần ngọn ở những cây còn non chưa có hoa quả, đem tước bỏ vỏ ngoài, ăn phần mềm mọng nước sẽ thấy có vị ngọt, hơi chua và làm dịu cơn khát.
Chống viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là một tình trạng viêm, kích ứng hoặc xói mòn xảy ra khi có hiện tượng mất cân bằng trong cơ chế bảo vệ của hàng rào niêm mạc dạ dày. Thông thường, tiếp xúc với một lượng axit và pepsin sẽ gây ra tổn thương trên thành tiêu hóa. Một số yếu tố nguy cơ như nhiễm Helicobacter pylori và hiếm khi các bệnh nhiễm trùng khác như bệnh lao, giang mai, nhiễm virus, nhiễm nấm, ký sinh trùng và giun. Một số loại thuốc, như NSAIDs, kali và bổ sung sắt, đã được báo cáo có nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày. Ngoài ra, các tình trạng y tế và phẫu thuật như viêm tụy mạn tính, bệnh tự miễn và thiếu máu ác tính, stress, thực phẩm (uống nhiều rượu), và hút thuốc lá làm tăng khả năng phổ biến của bệnh trong dân số.
Năm 2012, nghiên cứu của Iza Farhana Ismail và cộng sự cho thấy rằng chiết xuất từ lá cây thồm lồm có thể bảo vệ đáng kể niêm mạc dạ dày trong mô hình tổn thương niêm mạc dạ dày gây ra bởi ethanol. Sự bảo vệ này được thể hiện qua quan sát tổng quan, mô học, phân tích PAS, và nhuộm hoá mô miễn dịch của mô dạ dày, liên quan đến việc duy trì chức năng tiết dịch nhầy của dạ dày và hoạt tính chống oxy hóa của cây thồm lồm.
Chống virus cúm
Năm 2017, Trần Thị Thu và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu đánh giá hoạt tính chống virus cúm của chiết xuất thô từ cây thồm lồm. Điều chế dịch chiết methanol và các lớp dung môi hữu cơ của cây thồm lồm bằng cách chiết và phân chia bằng các dung môi thích hợp. Lớp ethyl acetate (EtOAc) thể hiện hoạt tính kháng virus được sắc ký lặp đi lặp lại trên cột SiO2 và Sephadex LH-20 để thu được 8 chất chuyển hóa tinh khiết. Cấu trúc hóa học của chúng được xác định bằng dữ liệu phổ NMR và MS. Hoạt tính chống virus cúm của tám chất chuyển hóa chống lại các chủng virus A/Puerto Rico/8/34 (H1N1, PR8), A/Hong Kong/8/68 (H3N2, HK) và B/Lee/40 (Lee) đã được đánh giá trên cơ sở xét nghiệm tác dụng gây bệnh tế bào (CPE) và ức chế mảng bám.
Kết quả cho thấy dịch chiết methanol của cây thồm lồm cho thấy hoạt động chống virus cúm với giá trị EC50 nằm trong khoảng từ 38,4 đến 55,5 μg/mL trong xét nghiệm CPE. Trong số tám chất chuyển hóa tinh khiết được phân lập từ cây thồm lồm, axit ellagic (PC5), metyl gallat (PC7) và axit caffeic (PC8) đã ức chế sao chép virus theo cách phụ thuộc vào liều lượng trong cả hai thử nghiệm ức chế plaque và CPE với giá trị EC50 dao động từ 14,7 đến 81,1 μg/mL và giá trị CC50 cao hơn 300 μg/mL. Các nghiên cứu về cơ chế hoạt động cho thấy PC5 và PC7 ức chế virus xâm nhập vào hoặc sao chép trong tế bào, trong khi PC8 nhắm vào neuraminidase của virus cúm, kể cả các chủng virus kháng oseltamivir.
Kháng khuẩn
Bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới. Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn gram dương, có thể gây ra nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn khác nhau, từ nhiễm trùng da và mô mềm nhỏ như bệnh chốc lở, viêm nang lông và áp xe ở da cho đến các bệnh đe dọa tính mạng như nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hoặc hội chứng sốc nhiễm trùng nhiễm độc đường hô hấp.
Sự nhiễm trùng trên lâm sàng khó điều trị do biofilm (lớp màng sinh học) gây ra gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, trong đó biofilm của tụ cầu vàng chiếm đa số. Jianye Zeng và cộng sự (2022) đã chứng minh rằng dịch chiết từ cây thồm lồm không chỉ giết chết tụ cầu vàng thông qua nhiều cơ chế nhưng cũng ức chế sự hình thành lớp màng sinh học của tụ cầu vàng.
Năm 2012 Bagavathi Perumal Ezhilan và cộng sự đã phân tích dịch chiết ethanol của cây thồm lồm cho thấy ngoài hoạt tính kháng khuẩn, cây thồm lồm còn được báo cáo là có đặc tính chống ung thư, chống oxy hóa, phòng ngừa hóa học, chống khối u và chống nắng, và hợp chất coumarin (8-methyloctahydrocoumarin) có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Liều dùng 10 – 20g (có thể sử dụng 20 – 40g), sắc uống. Dùng ngoài da lượng vừa đủ.
Chữa phụ nữ sau khi đẻ bị ngứa toàn thân
Cây thồm lồm (lượng tuỳ ý) đun nước tắm rửa.
Chữa lỵ, viêm họng
12g thồm lồm khô, sao cho vàng với mật ong. Sắc uống.
Chữa mụn nhọt, rắn cắn, đòn ngã ứ máu
Lá tươi của cây thồm lồm cùng với hoa dâm bụt và lá trầu không, giã nát, đắp. Nếu bị rắn cắn, lấy lá nhai, nuốt nước, dùng bã đắp.
Chữa chốc đầu, loét kẽ tai, chốc mép, viêm da nhiễm khuẩn
Lá tươi của cây thồm lồm mang rửa sạch, giã nát, thêm nước, đun sôi, để ấm lọc ép qua gạc được dung dịch đặc. Hoặc lấy 5kg lá tươi, cho vào 10 lít nước, đun cạn còn 2 lít, lọc rồi cô thành cao, có thể nấu lá khô thành cao lỏng.
Rửa sạch vết loét bằng nước có vò lá thồm lồm tươi hoặc nước sôi để ấm pha muối, rồi lấy thuốc bôi lên chỗ lở loét, ngày 2 – 3 lần. Dùng nhiều ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng cây thồm lồm:
Nguồn Tham Khảo:
- Zeng J, Chen D, Lv C, et al. Antimicrobial and anti-biofilm activity of Polygonum chinense L.aqueous extract against Staphylococcus aureus. Scientific Reports. 2022;12(1):21988. doi:10.1038/s41598-022-26399-1.
- Than Thi Thu, Meehyein K, et al. Characterization and mechanisms of anti-influenza virus metabolites isolated from the Vietnamese medicinal plant Polygonum chinense. BMC Complementary and Alternative Medicine. 2017;17(1):162. doi:10.1186/s12906-017-1675-6.
- Ezhilan BP, Neelamegam R. GC-MS analysis of phytocomponents in the ethanol extract of Polygonum chinense L. Pharmacognosy Res. 2012;4(1):11-4. doi:10.4103/0974-8490.91028.
- Ismail IF, Golbabapour S, Hassandarvish P, et al. Gastroprotective Activity of <i>Polygonum chinense</i> Aqueous Leaf Extract on Ethanol-Induced Hemorrhagic Mucosal Lesions in Rats. Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine. 2012;2012:404012. doi:10.1155/2012/404012.
- Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.