Tên Tiếng Việt: Hương thảo.
Tên khác: Mê điệt hương.
Tên khoa học: Rosmarinus officinalis hoa môi – Lamiaceae
Hương thảo là một loại cây bụi rậm rạp, phân nhánh, thường xanh và có hoa màu trắng xanh, đạt chiều cao trung bình khoảng 1m. Cây có đặc điểm là các lá dài từ 1 đến 4cm và rộng từ 2 đến 4mm, lá không cuống nhưng có lông tơ mịn, hình mũi mác thẳng, mép lá cong, mặt trên lá màu xanh đậm, có hạt và có lông tơ ở mặt dưới lá.
Lá có gân giữa dễ thấy và có mùi rất đặc trưng. Hoa xếp 2 – 10 ở các vòng lá, dài khoảng 1cm, màu xanh dương hoặc lam nhạt, hơi có màu tím hoa cà, với những chấm tím ở phía trong các thùy. Quả được chia thành 4 quả khô nhỏ hơn ghép lại, có màu nâu.
Phân bố:
Cây hương thảo là một loài cây bản địa ở vùng biển Địa Trung Hải. Trước đây được trồng nhiều ở khu vực Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi. Ở Việt Nam, cây được du nhập rồi trồng ở một số tỉnh miền Trung hoặc miền Nam. Hương thảo phát triển tốt ở nơi khí hậu nóng ẩm, khô ráo nhưng không được quá nóng. Mùa xuân là mùa mà cây hương thảo thường được trồng.
Thu hái:
Sau khi trồng khoảng 3 tháng cây có thể được thu hoạch lần đầu tiên. Sau đó, trung bình khoảng 1 tháng cây hương thảo cho thu hoạch 1 lần bằng cách cắt ngọn, với điều kiện chăm sóc tưới tiêu đầy đủ.
Thời điểm tốt nhất để thu hái hương thảo là vào mùa hè – mùa nóng ẩm nhất trong năm. Cây Hương thảo có thời gian cho khai thác khá dài từ 5 – 7 năm, do vậy cần chú ý chăm sóc đầy đủ và phòng trừ sâu bệnh tốt để cây sinh trưởng thân lá khỏe, tăng năng suất cho tinh dầu và kéo dài tuổi thọ cây.
Chế biến:
Sau khi thu hái, hương thảo được mang đi rửa sạch rồi chế biến bằng cách phơi khô hay sấy khô. Sau khi chế biến, phải bảo quản hương thảo ở nơi khô ráo để tránh bị ẩm mốc mối mọt phá hoại. Có thể cho vào túi nhựa hoặc túi nilon đóng kín để bảo quản được lâu.
Bộ phận dùng của cây hương thảo là lá cây và phần ngọn cây.
Tùy vào hợp chất dung môi dùng để chiết xuất mà cây hương thảo lại cho ra những thành phần hóa học khác nhau và rất đa dạng chẳng hạn như:
Nếu sử dụng dung môi là nước để chiết xuất hương thảo ta thu được:
Nếu sử dụng Ethanol làm dung môi để chiết xuất ta thu được:
Với dung môi là Methanol ta có các chất sau:
Từ cây hương thảo thậm chí còn chiết xuất ra được thành phần Alkaloid và Flavonoid nếu dùng dung môi là Ether và Acetone theo thứ tự tương ứng.
Các loại tinh dầu hương thảo là hỗn hợp phức tạp có chứa hàng trăm hợp chất hóa học, chất bay hơi, monoterpenes, sesquiterpenes, hợp chất thơm và các dẫn xuất khác. Tinh dầu hương thảo thu được bằng cách chưng cất hơi nước từ lá (lên đến 2,5%), tinh dầu này không màu đến vàng nhạt, không tan trong nước và có mùi thơm đặc trưng của long não.
Thành phần chính của tinh dầu hương thảo là long não (5,0–21%), 1,8-cineole (15–55%), α-pinene (9,0–26%), borneol (1,5–5,0%), camphene (2,5–12%), β-pinene (2,0–9,0%) và limonene (1,5–5,0%) theo tỷ lệ thay đổi tùy theo giai đoạn sinh dưỡng và điều kiện khí hậu sinh học.
Tính vị, quy kinh: Hương thảo có vị cay, hơi đắng, tính ôn ấm, không độc. Quy kinh Can và Tỳ.
Công dụng: Mang vị cay đắng, tính ấm nên hương thảo có công năng khai khiếu thông kinh, lợi mật, lợi tiểu, tiêu viêm, tiêu thũng, phá huyết ứ nhẹ.
Chủ trị: Hương thảo điều trị cảm mạo, lợi niệu, kháng viêm giảm đau,…
Các hoạt động sinh học của cây hương thảo đã được quy cho hai nhóm hợp chất một nhóm hợp chất dễ bay hơi và các hợp chất phenolic. Nhóm hợp chất thứ hai chủ yếu chứa một phần flavonoid, axit rosmarinic và một số hợp chất diterpene có cấu trúc có nguồn gốc từ axit carnosic, carnosol và rosmanol. Axit carnosic là hợp chất có hoạt tính sinh học từ cây hương thảo được nghiên cứu nhiều nhất với khoảng 30% các nghiên cứu, cùng với tinh dầu là carnosol, axit rosmarinic và axit ursolic chiếm khoảng 35% các nghiên cứu được tổng hợp từ năm 1990 đến năm 2014.
Tác dụng chống ung thư
Polyphenol là các hợp chất có khả năng điều chỉnh sự phát triển và biệt hóa tế bào và do đó cản trở sự phát triển và tiến triển của khối u. Vì hương thảo rất giàu các hợp chất phenolic song song với việc nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng chống ung thư tiềm tàng từ tinh dầu hương thảo.
Axit carnosic và carnosol là các diterpen chiếm khoảng 5% trọng lượng lá khô của tinh dầu hương thảo và các hợp chất này có liên quan chống ung thư (35 trong 49 nghiên cứu sử dụng các hợp chất này). Ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư biểu mô gan và bệnh bạch cầu đã được nghiên cứu nhiều nhất.
Trên thực tế, đã có một số nghiên cứu in vitro liên quan đến độc tính tế bào của carnosol và axit carnosic đối với tế bào ung thư ở người (HepG2, COLO 205 và HL-60), tế bào ung thư vú và tế bào ung thư đại tràng. Những nghiên cứu này chỉ ra khả năng làm giảm tồn tại của tế bào bằng cách sử dụng axit carnosic ở các tế bào khối u kháng thuốc phụ thuộc liều lượng. Từ đó cho thấy hợp chất này được xem như như một phương pháp chống ung thư bổ sung.
Từ các thí nghiệm in vivo, axit carnosic và các dẫn xuất este của nó đã được tìm thấy có hiệu quả trong việc ngăn ngừa tổn thương dạ dày trong mô hình tổn thương dạ dày do HCl / EtOH gây ra ở chuột. Ngoài ra, điều trị bằng chiết xuất hương thảo của 7,12-dimethylbenz [a] anthracene (DMBA) gây ra khối u vú ở chuột.
Tác dụng chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến tổn thương oxy hóa như ung thư, bệnh tim mạch và thoái hóa thần kinh. Một số nghiên cứu in vitro đã được xem xét liên quan đến hoạt động chống oxy hóa của các hợp chất cô lập chính từ hương thảo cụ thể là carnosol, axit carnosic, rosmanol, axit rosmarinic, axit oleanolic và axit ursolic.
Các loại oxy phản ứng bao gồm hydro peroxide và các gốc tự do chắc chắn được tạo ra trong các sinh vật sống do quá trình trao đổi chất. Tiếp xúc với các gốc tự do trong các hệ thống sinh học có thể gây tổn thương chức năng và cấu trúc, lão hóa và chết tế bào. Các chất hóa học được phân lập từ cây hương thảo có tác dụng ức chế peroxy hóa thông qua cơ chế nhặt các gốc tự do trong tế bào.
Tác dụng chống nhiễm trùng
Các nghiên cứu thực nghiệm in vitro liên quan đến nồng độ diệt khuẩn tối thiểu và các quá trình kháng khuẩn theo thời gian đã báo cáo rằng có thể có tác dụng hiệp đồng giữa các hợp chất kháng khuẩn trong tinh dầu hương thảo. Những nghiên cứu này đã thử nghiệm với các chất axit carnosic, carnosol, axit rosmarinic, axit oleanolic, axit ursolic và tinh dầu chống lại vi khuẩn gram dương (Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus aureus và Bacillus subtilis), vi khuẩn gram âm (Proteus vulgaris, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli) và hai loại nấm (Candida albicans và Aspergillus niger). Tất cả đều báo cáo về hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm rõ rệt.
Tác dụng kháng viêm và giảm đau
Một số nghiên cứu thực nghiệm đã báo cáo về khả năng chống viêm và giảm đau của tinh dầu hương thảo cụ thể như axit carnosic, carnosol, axit ursolic, axit betulinic cũng như axit rosmarinic, rosmanol và axit oleanolic.
Về nghiên cứu in vitro, các nghiên cứu cho kết quả về khả năng chống viêm và giảm đau dựa trên đánh giá sự biểu hiện của các cytokine gây viêm (IL-1β, IL-6, TNF-α, v.v.), COX-1 / COX-2 và đánh giá sản xuất oxit nitric trong tế bào đại thực bào. Ở giai đoạn tiền lâm sàng, tinh dầu hương thảo đã được sử dụng tại chỗ cho các cơn đau cơ xương khớp. Những nghiên cứu này cho thấy tinh dầu có thể làm giảm đáng kể phù nề gây ra trong 1-4 giờ vừa chống viêm vừa giảm đau.
Tác dụng lên hệ nội tiết và hệ thần kinh
Một số nghiên cứu in vitro và in vivo đã báo cáo khả năng ức chế lipase dạ dày trong dạ dày của chuột Zucker sau khi điều trị bằng hàm lượng axit carnosic cao giúp cải thiện lượng đường được hấp thu. Do đó, axit carnosic cùng với carnosol được chứng minh là các hợp chất có khả năng kiểm soát đường huyết.
Các bệnh về thần kinh trung ương như trầm cảm, Parkinson, Alzheimer,… là những tình trạng mãn tính không thể chữa được và có lẽ đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều nghiên cứu về tinh dầu hương thảo trong những năm gần đây với mong muốn khám phá về tác dụng mới của nó. Về trầm cảm, có một số nghiên cứu báo cáo về tác dụng điều hòa một số chất dẫn truyền thần kinh (dopamine, norepinephrine, serotonin và acetylcholine) và biểu hiện gen trong não chuột.
Những nghiên cứu này góp phần vào sự hiểu biết về cơ chế phân tử đằng sau tác dụng chống trầm cảm của hương thảo. Ngoài ra, axit Rosmarinic dường như có khả năng chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh vì có tác dụng bảo vệ thần kinh và ức chế acetylcholinesterase.
Liều lượng dược liệu hương thảo đa dạng, theo công thức của từng bài thuốc. Hương thảo được dùng dưới dạng dược liệu khô hoặc tươi. Hương thảo có mặt trong thành phần của nhiều bài thuốc, hoặc có thể sử dụng đơn độc sắc nước uống hoặc làm thuốc đắp lên vùng cơ thể.
Chữa loét áp tơ miệng, viêm tuyến nước bọt
Dùng nước sắc cây hương thảo lấy nước làm thuốc súc miệng 1 – 3 lần/ngày. Bài thuốc vô cùng đơn giản dễ thực hiện này giúp làm nhanh chóng lành các vết loét áp tơ miệng. Đồng thời sử dụng bài thuốc này giúp cải thiện vấn đề viêm tuyến nước bọt.
Chữa chứng suy nhược (chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi) ở phụ nữ sau sinh
Sử dụng Hương thảo, mạch môn mỗi loại 20g, nhân trần dùng 6g, ngải cứu dùng 10g, rẻ quạt và vỏ bưởi đào phơi khô mỗi loại 4g. Đem hỗn hợp trên sắc với 550ml nước trên lửa nhỏ, đến khi còn lại khoảng 250ml.
Dùng trong liên tiếp 10 ngày, mỗi ngày sắc 01 thang chia 2 lần uống.
Chữa mụn nhọt
Giã nguyễn 50g lá hương thảo tươi vắt lấy nước bôi lên vùng bị mụn nhọt, lưu thuốc trong 10 – 15 phút.
Ngày chia 2 lần đắp sẽ giúp giảm triệu chứng sưng đau.
Giải cảm nắng
Dùng 100g lá hương thảo nấu canh ăn khi canh còn ấm nóng. Ăn liên tục trong 3 ngày để đạt hiệu quả giải cảm.
Giải nhiệt, lợi tiểu, lợi tiêu hóa
Dùng 20g cây hương thảo còn non lúc chưa ra hoa, thái nhỏ và phơi khô rồi hãm tra rồi lấy nước uống. Bài thuốc này giúp thanh nhiệt, lợi tiểu thải độc, lợi cho hệ tiêu hóa.
Chữa rối loạn kinh nguyệt
Dùng Hương thảo, ngải cứu, cỏ nhọ nồi, củ gấu, ích mẫu mỗi loại 20g. Đem các dược liệu đi sấy khô, tán nhỏ thành bột mịn, chế thành viên hoàn nhỏ dùng tá dược là mật ong.
Mỗi ngày uống 20 viên, dùng 1 lần/ngày trước khi đi ngủ, dùng trong khoảng 10 – 15 ngày trước khi tới chu kỳ kinh.
Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng hương thảo:
Nguồn Tham Khảo:
- Rosmarinus officinalis L.: an update review of its phytochemistry and biological activity: Rosmarinus officinalis L.: an update review of its phytochemistry and biological activity – PMC (nih.gov)
- Habtemariam S. The therapeutic potential of rosemary (Rosmarinus officinalis) diterpenes for Alzheimer’s disease. Evid. Based Complement. Alternat. Med. 2016;2016:2680409.: The Therapeutic Potential of Rosemary (Rosmarinus officinalis) Diterpenes for Alzheimer’s Disease – PMC (nih.gov)
- Jardak M, Elloumi-Mseddi J, Aifa S, Mnif S. Chemical composition, anti-biofilm activity and potential cytotoxic effect on cancer cells of Rosmarinus officinalis L. essential oil from Tunisia. Lipids Health Dis. 2017;16(1):190.: Chemical composition, anti-biofilm activity and potential cytotoxic effect on cancer cells of Rosmarinus officinalis L. essential oil from Tunisia – PMC (nih.gov)
- Al-Sereiti MR, Abu-Amer KM, Sen P. Pharmacology of rosemary (Rosmarinus officinalis Linn.) and its therapeutic potentials. Indian J. Exp. Biol. 1999;37(2):124–130.: Pharmacology of rosemary (Rosmarinus officinalis Linn.) and its therapeutic potentials – PubMed (nih.gov)
- Rosmarinic Acid as Potential Anti-Inflammatory Agent: Rosmarinic Acid as Potential Anti-Inflammatory Agent – PubMed (nih.gov)
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.