Tên tiếng Việt: Tử uyển.
Tên gọi khác: Thanh uyển, Dã ngưu bàng.
Tên khoa học:Aster tataricus L.f. Chi Aster, họ Asteraceae (họ Cúc), bộ Asterales.
Giống với một số cây họ Cúc khác, Tử uyển là loại cây thân thảo, cao khoảng 1 – 1,5 m. Rễ ngắn, màu nâu tía, mọc thành chùm với nhiều rễ con. Thân mềm, màu xanh đậm, mọc thẳng đứng, trên thân có nhiều cành nhỏ, thân và cành có nhiều lông ngắn.
Lá đơn, mọc vòng, hình mác dài khoảng 20 – 40 cm, rộng 6 – 12cm, đầu hơi tù, hẹp dần về phía cuống. Cuống lá dài, mép có răng cưa không đều, 2 mặt lá đều mang lông, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu nhạt hơn. Trên thân có các lá mọc so le, dài nhỏ hẹp gần như không cuống, kích thước 18 – 35 x 2,5 – 3,5 cm. Các lá này có thể rụng đi khi cây ra hoa.
Cụm hoa đầu có cuống dài, mọc ở kẽ lá hoặc ngọn cành. Hoa cái hình lưỡi xếp vòng ở ngoài, có màu tía tím nhạt. Hoa lưỡng tính hình ống rất nhiều ở giữa có màu vàng. Đài tiêu giảm dạng vòng gờ nhỏ ở đỉnh bầu. Quả bế, khô, hơi dẹt có lông trắng.
Phân bố: Cây phân bố rộng rãi ở nhiều nước như Trung Quốc (các tỉnh Thanh Hải, Giang Tây, Phúc Kiến, An Huy, Giang Tây,…), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Nga. Tại Việt Nam, có 3 – 4 loài thuộc chi Aster được sử dụng làm vị thuốc Tử uyển, phân bố tập trung tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn,… tuy nhiên vẫn chưa được khai thác nhiều.
Thu hái: Thời điểm thu hoạch tốt nhất là vào mùa thu, khi cây trồng được một năm, hoặc vào mùa xuân của năm thứ hai. Đào rễ cần cẩn thận với các rễ con. Sau khi đào xong phủi sạch đất cát, rửa sạch, tết rễ thành từng búi nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô.
Chế biến: Tử uyển có thể được chế biến bằng nhiều phương pháp tùy vào mục đích sử dụng của bác sĩ Y học cổ truyền như:
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, tránh mối mọt, độ ẩm không quá 12%.
Vị thuốc sử dụng thân rễ và rễ của Aster tataricus L.f. và một số loài thuộc chi Aster. Thân rễ là những khối to nhỏ không đều, có vết tích của thân và lá. Chất hơi khô cứng. Thân rễ mang nhiều rễ nhỏ, dài từ 3 – 15 cm, đường kính từ 0,1 – 0,3 cm, thường được tết lại thành búi. Mặt ngoài màu đỏ tía hoặc màu đỏ ngả xám, có vân nhăn dọc. Chất rễ tương đối dai, mềm.
Cho đến nay, đã có 135 hợp chất được phân lập từ rễ Tử uyển chủ yếu bao gồm terpen, các acid hữu cơ, peptide, flavonoid và các hợp chất khác.
Terpenoid là loại hợp chất phổ biến nhất trong Tử uyển, bao gồm triterpenoid, mono-glycoside và saponin triterpenoid. Trong đó, saponin triterpenoid là một trong những hoạt chất quan trọng và là thành phần chính có tác dụng tiêu đờm. Một số hợp chất terpenoid trong Tử uyển gồm Shion-22(30)-en-3,21-dione, 2,3,2,4-Trihydroxyolean-12-en-28-oic acid, Taraxerol, Echinocystic acid, Aster saponin G.
Acid hữu cơ là một nhóm hợp chất quan trọng trong Tử uyển và đóng vai trò quan trọng trong các phương pháp điều trị giảm căng thẳng, chống huyết khối và chống viêm. Cho đến nay, có tổng cộng 19 acid hữu cơ, chủ yếu là acid hữu cơ thơm và chỉ có hai acid hữu cơ chuỗi bão hòa, đã được tìm thấy trong rễ và thân rễ của Tử uyển.
Peptide cũng là hoạt chất quan trọng trong Tử uyển. Có 21 peptide được phân lập từ vị thuốc này, bao gồm oligopeptide, các peptide mạch hở và chủ yếu là peptide tuần hoàn clo hóa, trong đó các peptide vòng có hoạt tính chống khối u và ức chế miễn dịch độc đáo.
Flavonoid cũng là một nhóm hoạt chất có hoạt động quan trọng trong Tử uyển với nhiều hoạt tính sinh học như hoạt động chống oxy hóa và chống tan máu. Tổng cộng có 32 flavonoid được tìm thấy bao gồm chủ yếu là flavonoid, flavanol, dihydro-flavonoid và isoflavone.
Ngoài các hợp chất được đề cập ở trên, 14 thành phần khác được tìm thấy trong rễ và thân rễ của Tử uyển như coumarin, anthraquinone, aldehyde. Trong số này, emodin có giá trị y học cao nhờ hoạt động chống khối u và chống viêm.
Tính vị, quy kinh
Tính vị: Vị cam (ngọt), khổ (đắng), tính ôn.
Quy kinh: Phế.
Công năng, chủ trị
Công năng: Vị thuốc Tử uyển được ghi nhận trong tác phẩm kinh điển Thần nông Bản thảo với công năng tuyên Phế, hóa đàm, chỉ khái.
Chủ trị: Háo suyễn, ho khan, ho có đờm, ho ra đờm vướng máu, tiểu khó, tiểu đỏ.
Hoạt tính chống viêm
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Fr-75 được chiết xuất từ Tử uyển có khả năng ức chế sự co thắt cơ vòng khí quản do KCl-, Ach- và histamin gây ra (3,91 – 250 μg/mL) bằng cách giảm nồng độ Ca2+ nội bào.
Nghiên cứu của Zhang và cộng sự (2017) cho thấy dịch chiết của rễ Tử uyển trong ethanol có tác dụng ức chế viêm của tế bào C6 do lipopolysaccharide (LPS) gây ra.
Su và cộng sự (2019) đã chứng minh rằng aster saponin B trong Tử uyển có thể ức chế tổng hợp oxide nitric cảm ứng (iNOS) và cyclooxygenase-2 (COX-2) bị ức chế bởi aster saponin B trong RAW 264.7 phụ thuộc vào liều lượng của enzyme, được kích hoạt bằng LPS. Cơ chế phân tử của nó có thể liên quan đến sự ức chế quá trình phosphoryl hóa và thoái hóa của NF-κB và sau đó ngăn chặn sự chuyển vị trí của NF-κB p65 vào nhân.
Ngoài ra, lachnophyllol acetate trong rễ Tử uyển có thể ức chế sản xuất các yếu tố gây viêm như Prostaglandin E2, Interleukin-6, Interleukin-1β và các enzyme gây viêm như nitrogen oxide synthase cảm ứng và cyclooxygenase 2.
Ngoài ra, một nghiên cứu in vivo cho thấy rằng phần Fr-50 (40 – 80 mg/kg) dịch chiết của rễ Tử uyển trong ethanol 70% giảm tần suất ho và ức chế chuột bị phù tai. Wang và cộng sự (2020) phát hiện ra rằng dịch chiết Tử uyển có thể làm giảm phù nề và xuất huyết trong bàng quang của chuột bị viêm bàng quang kẽ và làm giảm đáng kể quá trình nhiệt phân khác của các protein liên quan đến tử vong in vivo và in vitro.
Những kết quả này chỉ ra rằng các dịch chiết khác nhau của vị thuốc làm giảm phản ứng viêm bằng cách ức chế các hóa chất trung gian gây viêm.
Hoạt tính chống khối u
Bản chất của bệnh ung thư là các tế bào đã trải qua những thay đổi bất thường để trở thành tế bào ác tính. Một loạt các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Tử uyển có tác dụng ức chế nhất định đối với sự phát triển của các tế bào khối u ác tính.
Morita và cộng sự (1996) đã thực hiện các thí nghiệm tế bào về peptide trong Tử uyển. Kết quả được thực hiện cho thấy rằng các peptide vòng thể hiện hoạt tính gây độc tế bào vừa phải chống lại các tế bào khối u nuôi cấy như L1210 (IC50 = 15 μg/mL), P388 (IC50 = 7 μg/mL) và các dòng tế bào KB (IC50 = 14 ug/mL), cho thấy hoạt tính gây độc tế bào vừa phải, trong khi peptide vòng không cho thấy hoạt động chống ung thư S-180 in vivo.
Ngoài ra, các polysaccharides hòa tan trong nước được phân lập từ Tử uyển có hoạt tính ức chế sự phát triển khối u hoàn toàn trên các tế bào SGC-7901, cho thấy rằng các polysaccharide trong Tử uyển có khả năng chống ung thư. Kết luận này cũng được chứng minh bởi Du Lei và cộng sự (2014), kết quả của việc phát hiện ra rằng polysaccharide ATP-II trong Tử uyển có thể ức chế sự tăng sinh của tế bào u thần kinh đệm C6 và sự hồi quy của u thần kinh đệm ở chuột và gây ra apoptosis trong mô khối u được cấy ghép.
Hoạt tính chống oxy hóa
Các hợp chất khác nhau trong Tử uyển bao gồm quercetin, kaempferol, hemoglobin và emodin, cho thấy tác dụng ức chế mạnh mẽ việc tạo ra các gốc tự do superoxide, trong đó quercetin và kaempferol có thể ức chế sự tan huyết, peroxy hóa lipid và tạo ra gốc superoxide. Tương tự như quercetin và kaempferol, scopoletin và emodin cũng cho thấy tác dụng ức chế sản xuất gốc superoxide. Ngoài ra, acid caffeo quinic trong Tử uyển còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Hoạt tính chống trầm cảm
Trầm cảm là một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả yếu tố di truyền và căng thẳng tinh thần đều có thể gây ra trầm cảm.
Yupeng và cộng sự (2018) đã sử dụng kỹ thuật UHPLC-Q-TOF-MS để xác định 131 hợp chất trong Tử uyển và sử dụng mô hình lát não để đánh giá tác động của 50 hợp chất trong số này đối với vùng trần trước (ventral tegmental area – VTA).
Khi nghiên cứu tác dụng của dopamine đối với hoạt động tự phát của các tế bào thần kinh, 5 trong số 50 hợp chất được xác định trong Tử uyển (tức là acid chlorogenic, hesperidin, acid ferulic, acid protocatechuic và quercetin) đã được tìm thấy làm tăng đáng kể tác dụng thần kinh, ảnh hưởng đến tốc độ sản xuất dopamine của VTA, cho thấy 5 hợp chất này có tác dụng chống trầm cảm đáng kể.
Xác định đồng thời 9 hợp chất trong Tử uyển như kaempferol, quercetin, acid chlorogen, acid caffeic và acid ferulic có thể đóng vai trò quan trọng trong thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, cơ chế chống trầm cảm của nó vẫn cần nghiên cứu thêm.
Hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus
Xiao-Wu và cộng sự (2016) đã tiến hành thử nghiệm kháng khuẩn in vitro trên dịch chiết ethanol và chiết xuất alkaloid của Tử uyển bằng phương pháp pha loãng ống nghiệm và phương pháp đĩa giấy, kết quả cho thấy chiết xuất ethanol của Tử uyển có tác dụng ức chế mạnh đối với Staphylococcus, Pasteurella suis, Streptococcus và Salmonella. Ngoài ra, chiết xuất alkaloid của Tử uyển còn thể hiện tác dụng ức chế và kháng khuẩn mạnh đối với Staphylococcus aureus, Pasteurella suis, Escherichia coli, Streptococcus và Salmonella.
Astershionone C – một triterpenoid từ rễ và thân rễ của Tử uyển, cho thấy hoạt động gây độc tế bào trong tế bào virus B bằng cách ức chế sự sao chép DNA của chúng. Ngoài ra, triterpenoid shion-22-methoxy-20(21)-en-3-one và shion-22(30)-en-3,21-dione trong Tử uyển có hoạt tính ức chế riêng biệt với HBeAg (IC50 = 0,83 µg/mL) và HA (IC50 = 11,18 µg/mL), cũng như HBsAg (IC50 = 0,89 và 4,49 µg/mL).
Hiện tại, người ta chủ yếu báo cáo rằng Terpenoids trong Tử uyển có hoạt tính chống virus nhất định nhưng có rất ít nghiên cứu về nguyên lý chống virus vì vậy cần nghiên cứu thêm.
Một số hoạt tính khác
Bên cạnh các hoạt động nêu trên, các hoạt tính sinh học khác cũng được báo cáo. Scopoletin trong Tử uyển có hiệu quả trong bệnh đái tháo đường và giảm căng thẳng oxy hóa. Polyphenol giàu chiết xuất từ rễ Tử uyển có thể làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể và nồng độ đường huyết của chuột.
Trong một thí nghiệm in vivo, ở liều 0,16 g/mL và 0,8 g/mL, dịch chiết Tử uyển thúc đẩy đáng kể quá trình vận chuyển than hoạt tính qua ruột non, làm giảm lượng phân dư thừa và tăng hàm lượng nước trong phân ở ruột già.
Ngoài ra, dịch chiết Tử uyển có thể làm giảm hiệu quả tổn thương bệnh lý đại tràng do loperamid gây ra. Các nghiên cứu in vitro đã chỉ ra rằng dịch chiết Tử uyển có thể ức chế hiệu quả sự hấp phụ của Ach và calci clorua trong tá tràng chuột. Do đó, người ta suy đoán rằng dịch chiết Tử uyển có thể làm giảm táo bón chủ yếu bằng cách đối kháng sự liên kết của acetylcholine với các thụ thể muscarinic, ức chế dòng Ca2+ và kích thích phản ứng chống viêm.
Ngày dùng từ 5 g đến 9 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác như Khoảng đông hoa, Bách bộ.
Bài thuốc trị ho do cảm mạo, viêm đường hô hấp trên
Tử uyển, Bách bộ, Bạch tiền mỗi vị 10g, Cát cánh, Kinh giới mỗi vị 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Bài thuốc trịlao phổi thể Phế âm hư, ho đờm có vướng máu
Tử uyển, Tri mẫu, A giao, Đảng sâm, Phục linh mỗi vị 10g, Xuyên bối mẫu, Cát cánh mỗi vị 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Cao thuốc trị lao phổi thể Phế âm hư khô táo
Thục địa 400g, Ý dĩ 240g, Sinh địa 200g, Đan sâm 120g, Mạch môn 160g, Ngưu tất 120g, Địa cốt bì 80g, Khoản đông hoa 80g, Tử uyển 80g, Thán khương 24g. Các vị thuốc sắc 2 nước, lọc bỏ bã, cô thành cao rồi cho thêm bột Phục linh 80g, bột Xuyên Bối mẫu 80g trộn với cao luyện với Mật ong 240g thành cao. Mỗi lần uống 10 – 20ml (1 – 2 muỗng canh).
Bài thuốc trị phế nhiệt, ho có đờm, khò khè, ho hen
Tử uyển, Bách bộ mỗi vị 12g, Cát cánh, Kinh giới, Mạch môn mỗi vị 8g, Trần bì, Cam thảo dây mỗi vị 6g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Bài thuốc trị ho mạn tính
Tử uyển, Thổ bối mẫu, Hạnh nhân, Cát cánh, Khoản đông hoa mỗi vị 10g, Cam thảo 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Bài thuốc trị hen phế quản, ho do phong hàn
Tử uyển, Đại táo, Tế tân, Khoản đông hoa mỗi vị 12g, Ngũ vị tử, Ma hoàng mỗi vị 10g, Bán hạ chế 8g, Xạ can 6g, Sinh khương 4g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2 lần uống.
Các đối tượng trong những trường hợp dưới đây không được sử các bài thuốc từ cây Tử uyển để điều trị bệnh:
Nguồn Tham Khảo:
- Li KJ, Liu YY, Wang D, Yan PZ, Lu DC, Zhao DS. Radix Asteris: Traditional Usage, Phytochemistry and Pharmacology of An Important Traditional Chinese Medicine. Molecules. 2022 Aug 24;27(17):5388. doi: 10.3390/molecules27175388.
- Deepak Timalsina, Hari Prasad Devkota. Aster tataricus L.f.: Ethnomedicinal Uses, Phytochemistry, and Pharmacological Activities. Medicinal Plants of the Asteraceae Family. 2022; pp 77-88.
- Peng WJ, Xin RH, Luo YJ, Liang G, Ren LH, Liu Y, Wang GB, Zheng JF. EVALUATION OF THE ACUTE AND SUBCHRONIC TOXICITY OF Aster tataricus L. F. Afr J Tradit Complement Altern Med. 2016 Sep 29;13(6):38-53. doi: 10.21010/ajtcam.v13i6.8.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.