Tên tiếng Việt: Uy linh tiên.
Tên gọi khác: Dây ruột gà, Mộc thông.
Tên khoa học: Clematis chinensis Osbeck. và một số loài khác cùng chi (Clematis hexapetala Pall., Clematis mandshurica Rupr.)
Chi Clematis, họ Ranunculaceae (họ Mao lương), bộ Ranunculales.
Clematis chinensis: Dây leo thân gỗ, lúc khô có màu đen. Lá kép lông chim, dài khoảng 20cm, lá chét 5, có hình trứng, kích thước khoảng 1,2 – 6 x 1,3 – 3,2cm, đầu nhọn; cuống lá dài từ 4,5 – 6,5cm. Cụm hoa mọc ở nách lá hoặc ở đầu các nhánh ngắn. Hoa nhỏ, lá đài 4, màu trắng, dáng dài, nhọn ở đầu, có lông mịn ở mép. Nhị nhiều, không lông, bao phấn tròn. Lá noãn nhiều, có lông nhung, màu nâu, vòi ngắn.
Quả bế chính hình bầu dục, dài 3mm, có lông nhung, vòi nhụy có mào lông, dài khoảng 1,8cm. Thân rễ hình trụ, dài từ 1,5 – 10cm, đường kính 0,3 – 1,5cm, mặt ngoài màu vàng nhạt, phần dưới thân rễ mang nhiều rễ con. Kết cấu tương đối bền, dai, có xơ sợi. Rễ hình trụ hơi cong, dài 7 – 15cm, đường kính 1 – 3mm, mặt ngoài nâu đen, có vân dọc nhỏ, đôi khi có màu vàng nhạt. Chất cứng và giòn, dễ gãy, vết gãy có phần vỏ tương đối rộng, thường có khe nứt giữa phần vỏ và phần gỗ. Mùi nhẹ, vị nhạt.
Clematis hexapetala: Thân rễ ngắn, hình trụ, dài 1 – 4cm, đường kính 0,5 – 2,5cm. Rễ dài 4 – 20cm, đường kính 0,1 – 0,2cm, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, mặt gãy hình tròn. Vị mặn.
Clematis mandshurica: Thân rễ hình trụ, dài 1 – 11cm, đường kính 0,5 – 2,5cm. Rễ tương đối dày đặc, dài 5cm đến 23cm, đường kính 0,1cm đến 0,4cm, mặt ngoài màu nâu đen, mặt gãy hình hơi tròn. Vị cay.
Phân bố: Phân bố nhiều ở các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Giang Tô và An Huy của Trung Quốc. Tại Việt Nam, vị thuốc này chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc như Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn… Cây thường mọc tại các khu vực xavan cây bụi.
Thu hái: Thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu. Đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rửa sạch, phơi khô.
Chế biến: Loại bỏ tạp chất và thân còn sót lại. Rửa sạch, ủ mềm, cắt khúc, phơi khô. Hoặc tẩm rượu, ủ rồi sao nhỏ lửa cho khô.
Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, độ ẩm không quá 15%.
Vị thuốc Uy linh tiên là rễ và thân rễ của ba loài C. chinensis, C. hexapetala và C. mandshurica (Radix et Rhizoma Clematidis). Các đoạn không đều, bên ngoài màu nâu đen hoặc nâu, có các vết nhăn dọc nhỏ, đôi khi có các gồ màu hơi vàng. Mặt cắt có phần vỏ rộng và phần gỗ màu vàng nhạt tròn hoặc hơi vuông, thường có khe nứt giữa phần vỏ và phần lõi gỗ.
Thành phần hóa học của Uy linh tiên chủ yếu bao gồm saponin triterpenoid, flavonoid, alkaloid, tinh dầu và polysacarit, cùng nhiều loại khác.
Aglycones của cây Clematis thuộc loại triterpenoid oleanane 5 vòng, bao gồm loại oleanolic, olean-3β, 28-diol, hederagenin và hederagenin-11,13-dien. Các nhóm glycosyl liên hợp bao gồm glucose, rhamnose, galactose, arabinose, xylose và ribose.
Hơn 50 hợp chất flavonoid đã được phân lập hoặc phát hiện từ Clematis, các aglycones trong đó chủ yếu là apigenin, kaempferol, luteolin và quercetin. Các gốc đường được kết nối với aglycone thông qua nguyên tử oxy hoặc carbon. Flavonoid của Clematis được phân loại theo cấu trúc hóa học thành flavonol, flavon, flavanone, isoflavone và glycoside, xanthones và anthocyanidin của chúng.
Có 11 alkaloid phân lập từ Clematis được chia thành hai loại: Aporphin và terpenoid alkaloid. Nhiều hợp chất khác cũng được phân lập từ các loài Clematis khác nhau, chẳng hạn như phenolic glycoside, dầu dễ bay hơi, triterpenes, steroid, acid hữu cơ và các dẫn xuất của chúng, các hợp chất vòng lớn và các hợp chất khác.
Tính vị, quy kinh
Tính vị: Vị tân (cay), hàm (mặn), khổ (đắng) tùy loại, rễ có tính ôn, thân có tính mát.
Quy kinh: Bàng quang.
Công năng, chủ trị
Công năng: Hành khí, khu phong, tán hàn, thông kinh lạc, chỉ thống.
Chủ trị: Đau nhức xương khớp, tê bì tay chân, tiểu khó, tích trệ, lợi sữa.
Tác dụng bảo vệ xương và sụn khớp
Nghiên cứu của Xu và cộng sự (2013) báo cáo rằng dịch chiết của Uy linh tiênvới liều 0,05 và 0,1g/L làm tăng khả năng sống sót của tế bào sụn.
Saponin trong Uy linh tiên có tác dụng ức chế COX1 và COX2, protaglandin E2, metalloproteinase trong quá trình viêm. Ngoài ra, cơ chế chống viêm của Uy linh tiên liên quan đến đường dẫn tín hiệu TNF, đường dẫn tín hiệu MAPK, NF-kappa B con đường truyền tín hiệu,… Ngoài ra, nó còn liên quan đến sự điều hòa tích cực và tiêu cực của nhiều quá trình sinh học như phản ứng viêm, điều hòa tích cực tín hiệu I-kappaB, kinase/NF-kappaB, điều hòa tích cực NF-kappaB,…
Nghiên cứu của Song và cộng sự (2010) báo cáo rằng dịch chiết của Uy linh tiên làm giảm số lượng tế bào đa nhân dương tính với TRAP và giảm biểu hiện gen RANK, IL-6, iNOS và Cathepsin K trong tế bào RAW 264.7 do RANKL tạo ra. Từ đó cho thấy dịch chiết của thuốc có thể làm giảm quá trình tiêu xương do giảm sự biệt hóa tế bào xương và biểu hiện gen liên quan.
Tác dụng bảo vệ tế bào beta tuyến tụy
Dịch chiết Uy linh tiên có thể ngăn ngừa tổn thương tế bào beta tụy do cytokine gây ra và đái tháo đường do streptozotocin gây ra ở chuột. Ngoài ra, dịch chiết của thuốc có khả năng ức chế đáng kể việc sản xuất oxit nitric (NO) do cytokine gây ra, tương quan với việc giảm mức độ mRNA và protein dạng NO synthase (iNOS) cảm ứng.
Cơ chế phân tử mà dịch chiết Uy linh tiên ức chế sự biểu hiện gen iNOS dường như liên quan đến việc ức chế hoạt hóa NF-kappaB. Hơn nữa, dịch chiết Uy linh tiên đã loại bỏ sự gia tăng do cytokine gây ra trong hoạt động liên kết NF-kappaB và mức tiểu đơn vị p65 trong nhân, cũng như sự thoái hóa IkappaBalpha trong bào tương khi so sánh với các tế bào chưa được kích thích.
Tác dụng bảo vệ của dịch chiết Uy linh tiên còn được chứng minh rõ hơn bằng việc ức chế biểu hiện iNOS phụ thuộc vào NF-kappaB và phản ứng tiết insulin bình thường đối với glucose ở các đảo nhỏ được điều trị bằng cytokine.
Tác dụng giảm đường huyết của dịch chiết Uy linh tiên thậm chí còn nổi bật hơn trên in vivo. Chuột được gây mô hình đái tháo đường do streptozotocin gây ra dẫn đến tăng đường huyết và hạ insulin máu, được chứng minh rõ hơn bằng nhuộm hóa mô miễn dịch; tuy nhiên, việc cho chuột uống dịch chiết Uy linh tiên đã ngăn chặn sự phá hủy các tế bào đảo tụy do streptozotocin gây ra và từ đó bệnh đái tháo đường loại 1 không tiến triển.
Tác dụng bảo vệ da khỏi lão hóa do UVB
Dịch chiết Uy linh tiên ức chế các biểu hiện có hại như metalloproteinase (MMP-1 và MMP-3) do UVB gây ra theo cách phụ thuộc vào liều lượng. UVB kích hoạt mạnh mẽ hoạt động của yếu tố hạt nhân – kappaB (NF-kappaB), được xác định bởi sự phân hủy IkappaBalpha, định vị hạt nhân của tiểu đơn vị p50 và p65 và hoạt động liên kết với NF-kappaB. Tuy nhiên, hoạt hóa NF-kappaB do UVB gây ra đã bị chặn hoàn toàn bởi dịch chiết Uy linh tiên.
Những phát hiện này cho thấy dịch chiết của thuốc có tác dụng ngăn ngừa biểu hiện MMP do UVB gây ra thông qua việc ức chế kích hoạt NF-kappaB. Đây là một vị thuốc tiềm năng để ngăn ngừa và điều trị tình trạng lão hóa da do ánh sáng.
Tác dụng kháng khuẩn
Trong Uy linh tiên có anemonin với tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm, kháng viêm, chữa lành vết thương, chống oxy hóa.
Ngày dùng từ 6g đến 9g, dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc trị đau lưng mỏi gối và đau nhức xương khớp do phong hàn thấp
Cách dùng 1: Bột Uy linh tiên 3 – 6g uống với rượu ấm, ngày uống 2 lần.
Cách dùng 2: Quế chi, Đương quy và Uy linh tiên mỗi loại 6g sắc uống, giúp giảm đau lưng do té ngã hoặc phong thấp.
Cách dùng 3: Khương hoạt, Quế chi, Phụ tử và Uy linh tiên mỗi loại 6g sắc uống hàng ngày, giúp giảm đau lưng mỏi gối và viêm khớp mạn tính.
Bài thuốc trị đau cột sống
Bạch thược 30g, Cẩu tích 20g, Kê huyết đằng 15g, Uy linh tiên 12g, Cát căn 12g, Đỗ trọng 12g, Mộc qua 12g, Cam thảo 4g: Sắc thuốc chia làm 3 lần uống mỗi ngày, trong 10 ngày.
Bài thuốc trị hóc xương cá
Cách dùng 1: Uy linh tiên 30g sắc thành cao, pha uống với giấm.
Cách dùng 2: Uy linh tiên 10g, Sa nhân 3g, đem sắc nước uống.
Bài thuốc trị nấc cụt
Uy linh tiên, mật ong mỗi thứ 30g. Sắc thuốc chia làm 2 lần uống.
Bài thuốc trị đau hạ vị do khí trệ ở phụ nữ
Uy linh tiên 40g, Mộc hương, Quế chi, Đương quy mỗi thứ 20g. Đem các vị tán bột, mỗi lần dùng 4g pha uống với rượu ấm.
Bài thuốc trị đại tiện khó
Nhũ hương, Uy linh tiên và Chỉ xác mỗi thứ 40g. Tán bột, trộn với mật ong, chế thành hoàn. Mỗi ngày dùng 12 – 16g uống cùng với nước cơm.
Bài thuốc trị sỏi mật
Uy linh tiên 30 – 60g. Sắc uống hằng ngày.
Bài thuốc trị phong tê thấp
Uy linh tiên, Cẩu tích, Thiên niên kiện, Thổ phục linh, Cỏ xước, Cốt toái bổ, Tỳ giải mỗi thứ 10 – 15g. Sắc uống chia làm 2 lần mỗi ngày.
Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa
Uy linh tiên, Độc hoạt, Tang ký sinh, Xuyên khung, Đan sâm, Ngưu tất mỗi loại 12g, Quế chi, Phòng phong, Tế tân, Chỉ xác, Trần bì mỗi loại 8g. Sắc uống chia làm 2 lần mỗi ngày.
Bài thuốc trị chốc lở và hắc lào
Cách dùng 1: Một nắm rễ Uy linh tiên tươi. Giã nát và đắp ở ngoài da.
Cách dùng 2: Uy linh tiên giã nát, sau đó ngâm với rượu hoặc giấm trong 10 ngày và dùng nước thoa lên da.
Cách dùng 3: Nhánh non Uy linh tiên giã nát, ngâm với cồn 70 độ và dùng nước bôi.
Chú ý: Không dùng trên vết thương hở.
Bài thuốc trị chân tay co quắp, viêm khớp và đau nhức xương khớp
Uy linh tiên, Bạch chỉ, Phòng kỷ, Độc hoạt, Tần giao, Hoàng bá, Hải phong đằng, Đào nhân, Nhũ hương, Xuyên khung mỗi loại 12g. Sắc uống chia làm 2 lần mỗi ngày.
Huyết hư gây gân co rút, không thuộc phong thấp bệnh thực chứng thì không dùng.
Trong thời gian dùng thuốc chứa Uy linh tiên, không uống trà.
Cần có sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trước khi sử dụng vị thuốc Uy linh tiên.
Nguồn Tham Khảo:
- Lin TF, Wang L, Zhang Y, Zhang JH, Zhou DY, Fang F, Liu L, Liu B, Jiang YY. Uses, chemical compositions, pharmacological activities and toxicology of Clematidis Radix et Rhizome- a Review. J Ethnopharmacol. 2021 Apr 24;270:113831. doi: 10.1016/j.jep.2021.113831
- Hao DaCheng, Gu XiaoJie, Xiao PeiGen, Peng Yong. Chemical and biological research of Clematis medicinal resources. Chinese Science Bulletin. 2013 Apr;58(10):1120-1129. doi: 10.1007/s11434-012-5628-7
- Pan L, Sun Y, Jiang H, Chen Y, Jiang Y, Han Y, Wang Y. Total Saponins of Radix Clematis Regulate Fibroblast-Like Synoviocyte Proliferation in Rheumatoid Arthritis via the LncRNA OIP5-AS1/MiR-410-3p/Wnt7b Signaling Pathway. Evid Based Complement Alternat Med. 2022 May 27;2022:8393949. doi: 10.1155/2022/8393949.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.