Tên Tiếng Việt: Xích thược.
Tên khác: Thược dược, xuyên xích thược, mẫu đơn đỏ.
Tên khoa học: Paeonia veitchii Lynch, thuộc họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Xích thược là loại thực vật thân thảo, sống lâu năm, chiều cao trung bình trong khoảng từ 50 – 80cm. Lá cây là lá kép lông chim, mọc so le, màu xanh. Mỗi một lá có thể phân thành 9 đến 12 phần không đều nhau, hình giáo, nhọn ở đầu, cuống có màu hơi hồng.
Hoa xích thược thường mọc đơn, một bông, không tạo chùm. Hoa kích thước lớn có khoảng 8 cánh, hương tựa như hoa hồng. Mỗi cây xích thược có thể có từ 1 đến 7 hoa, khi hoa chưa nở có màu hồng nhạt, sau có thẻ chuyển dần sang màu trắng, bao chứa phấn màu da cam.
Xích thược có nguồn gốc ở vùng Đông á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Tại Việt Nam, xích thược được trồng từ khoảng năm 1970 tại Sa Pa. Cây chủ yếu thích sống ở vùng cao có khí hậu mát mẻ, phát triển ở các bụi cây hoặc ở các tán cây to.
Thông thường cây xích thược được thu hoạch vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cây được đào rễ, bỏ phần rễ con, gọt vỏ sau đó rửa sạch.
Tùy theo từng khu vực mà có thể có cách chế biến xích thược khác nhau, cần chú ý không phơi rễ Xích thược ngoài nắng gắt hay sấy ở nhiệt độ cao có thể khiến rễ bị gãy, cong queo.
Cách bào chế xích thược có thể gồm:
Bộ phận sử dụng được của xích thược là rễ, với tên khoa học là Radix Paeoniae rubrae.
Các thành phần hóa học chủ yếu có trong xích thược chủ yếu bao gồm:
Một nghiên cứu tại Việt Nam về thành phần hóa học của cây xích thược đã phân lập được 8 hợp chất của xích thược:
Trong đó, paeoniflorin được cho là có tác dụng ức chế thần kinh, chống co thắt, chống viêm và ít gây độc.
Theo Đông y, vị thuốc xích thược có vị đắng, tính hơi hàn, quy vào kinh Can, Tỳ.
Xích thược với công dụng thanh nhiệt lương huyết, điều kinh, thanh Can nhiệt. Xích thược còn được sử dụng để giúp hoạt huyết khử ứ, đặc biệt thích hợp với các chứng đau bụng khi hành kinh do nguyên nhân huyết ứ, đau sau té ngã chấn thương.
Trong y học cổ truyền, xích thược thường được dùng để trị các bệnh đau tức ngực, chảy máu dưới da, viêm tắc động mạch, viêm màng phổi do lao, xơ gan, viêm nha chu, mụn nhọt.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, xích thược còn được dùng để làm thuốc giảm đau, cầm máu và kháng khuẩn và là một thành phần trong chế phẩm điều trị bệnh ung thư và bệnh tim mạch.
Trong điều trị chống khối u
Một nghiên cứu của tác giả Lin và cộng sự đánh giá tác dụng chống khối u của chiết xuất xích thược vào năm 2016 cho kết quả rằng: Chiết xuất của rễ xích thược làm giảm khả năng sống sót của các tế bào ung thư bàng quang và có tác dụng gây độc tế bào cực kỳ thấp đối với các tế bào tiết niệu bình thường. Ngoài ra, chiết xuất xích thược trên mô hình chuột ung thư bàng quang cho thấy có tác dụng làm giảm kích thước khối u ở chuột mà không làm thay đổi các chỉ số sinh hóa ở chuột.
Trong điều trị chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus
Một nghiên cứu nhằm đánh giá dược lý về thành phần hoạt tính sinh học của xích thược và bạch thược cho thấy rằng: Chiết xuất của cả hai loài đều có hoạt tính chống viêm, kháng khuẩn và kháng virus. Trong đó, xích thược cho thấy tiềm năng lớn hơn trong hoạt động trị liệu chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa. Bằng chứng cũng cho thấy ở cả hai loại khi được sử dụng ở dạng thực vật là hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên các rủi ro về độc tính khi kết hợp còn hạn chế và phải cần nghiên cứu thêm.
Trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Một nghiên cứu về hai loại thuốc xích thược và đương quy trên bệnh lý viêm khớp dạng thấp nhằm mục tiêu đánh giá tác dụng và cơ chế tác động của hai loại thuốc này. Nghiên cứu đã cho thấy hai thuốc đương quy và xích thược giúp giảm viêm trên mô hình chuột viêm khớp dạng thấp, thông qua con đường dẫn truyền tín hiệu PI3K/AKT/NF-κB, liên quan đến giảm thâm nhiễm tế bào viêm và tăng sinh màng hoạt dịch.
Trong điều trị bệnh vảy nến
Vảy nến là một bệnh da mạn tính gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, được cho là do rối loạn tự miễn với cơ chế không rõ ràng. Trong y học cổ truyền, thực tế, có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh vảy nến trong đó có xích thược.
Tại Trung Quốc, một nghiên cứu về thuốc mỡ calcipotriol betamethasone kết hợp với thuốc sắc (gồm xích thược, khương hoàng, cây sói rừng, cam thảo, ô mai, tử thảo, thổ phục linh) có hiệu quả tốt hơn và giảm tỷ lệ tái phát vảy nến so với nhóm chỉ sử dụng thuốc mỡ.
Liều dùng có thể từ 6 – 12g, hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ tùy theo từng đối tượng bệnh. Có thể sắc uống dạng tươi hoặc khô, tùy bệnh lý có thể dùng dạng tán bột hoặc thoa ngoài da.
Trừ ứ giảm đau
Chuẩn bị: Xích thược 20g, hương phụ 12g.
Thực hiện: Thêm ít muối vào sắc và uống khi còn nóng, giúp trị các chứng băng huyết, khí hư đau bụng.
Viêm tuyến tiền liệt
Chuẩn bị: Xích thược 16 – 20g, đan sâm 8 – 12g, hồng hoa 8 – 12g, đào nhân 16 – 20g.
Thực hiện: Sắc thang thuốc với nước và uống, ở trường hợp nhẹ có thể chỉ cần dùng xích thược và đào nhân là đủ. Bài thuốc giúp trị tiểu tiện đau buốt, viêm tuyến tiền liệt.
Đau dạ dày
Chuẩn bị: Xích thược 12g, bồ hoàng 4g, ô tặc cốt 20g, đào nhân 8g, xuyên luyện tử 20g, diên hồ sách 12g.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu sau đó sắc với nước uống, giúp trị các chứng đau huyết ứ, loét dạ dày.
Hoạt huyết điều kinh
Chuẩn bị: Xích thược 16g, phục linh 16g, đan bì 12g, sài hồ 16g, bạch chỉ 12g.
Thực hiện: Tất cả nghiền thành bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 8g. Có thể thêm đại táo và gừng tươi sắc uống. Giúp trị các chứng kinh nguyệt không đều, tắc kinh.
Nhọt
Chuẩn bị: Xích thược 12g, kim ngân 12g, liên diệp 16g, liên kiều 12g, thạch cao 10g, đạm trúc diện 12g.
Thực hiện: Sắc thang thuốc với nước và uống, giúp trị các mụn nhọt vào mùa hè. Dùng trong trường hợp sưng đau huyết nhiệt, huyết ứ.
Điều trị đau nhức xương khớp, phù tay chân
Chuẩn bị: Xích thược 80g, cây lá vông 80g, xuyên quy 80g, đào nhân 20g, sơn ô quy 80g, bạt kế 40g, phụ tử 40g, xuyên khung 40g, quế tâm 120g.
Thực hiện: Đem tất cả các vị thuốc tán bột mịn. Mỗi ngày sử dụng 20g bột đem sắc chung với 6g gừng, uống khi còn ấm giúp điều trị các tình trạng đau nhức xương khớp, phù tay chân.
Một số lưu ý khi sử dụng xích thược:
Xích thược là vị thuốc được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc khác nhau, đặc biệt với công dụng thanh nhiệt lương huyết, phá tích, tiêu nhọt. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc sử dụng xích thược đơn lẻ là khá an toàn.
Tuy nhiên, việc sử dụng nên đúng chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền, vì bạn cần được chẩn đoán đúng thể bệnh, sau đó mới sử dụng bài thuốc cho phù hợp. Không thể áp dụng một bài thuốc cho tất cả mọi người. Do đó, hãy tuân thủ việc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ y học cổ truyền để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn Tham Khảo:
- Nghiên cứu thành phần hóa học cây xích thược (Paeonia veitchii Lynch. var Beresowskii): //vjs.ac.vn/index.php/vjchem/article/view/4327/4106
- Xích thược: //bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/xich-thuoc
- Xích thược – Thuốc thanh nhiệt lương huyết chỉ thống: //suckhoedoisong.vn/xich-thuoc-thuoc-thanh-nhiet-luong-huyet-chi-thong-169144947.htm
- Phạm Xuân Sinh, Dược học cổ truyền. Nhà xuất bản Y học, 2002.
- Đỗ Huy Bích và cs., Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật Hà Nội, 2003.
- Anti-tumor effect of Radix Paeoniae Rubra extract on mice bladder tumors using intravesical therapy: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4950246/
- A Pharmacological Review of Bioactive Constituents of Paeonia lactiflora Pallas and Paeonia veitchii Lynch: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27279421/
- The mechanism of action of paeoniae radix rubra–angelicae sinensis radix drug pair in the treatment of rheumatoid arthritis through PI3K/AKT/NF-κB signaling pathway: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10040578/
- Oral PSORI-CM01, a Chinese herbal formula, plus topical sequential therapy for moderate-to-severe psoriasis vulgaris: pilot study for a double-blind, randomized, placebo-controlled trial: //www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4793560/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.