Tên Tiếng Việt: Xuyên luyện tử.
Tên khác: Sầu đông tử, Khổ luyện tử, Xoan quả trắng, Sầu đâu tử, Xoan quả to.
Tên khoa học: Melia azedarach L., họ Xoan (Meliaceae).
Một số người cho rằng xuyên luyện tử là quả của cây xoan đào (Fructus Toosendan), tuy nhiên theo các tài liệu về đông y của Trung Quốc, xuyên luyện tử chính là quả của cây xoan.
Cây xoan là một cây quen thuộc ở nước ta, có chiều cao từ 7 đến 12m khi trưởng thành. Hoa của cây xoan có năm cánh, có màu tím nhạt hoặc tím hoa cà, mọc thành chùm và có mùi thơm. Trái của cây xoan là loại quả hạch, to như một hòn bi, khi chín vỏ có màu vàng nhạt và không rụng ngay mà giữ trên cành suốt mùa đông. Trái dần chuyển sang màu trắng.
Lá của cây xoan dài lên đến 15cm, mọc rời rạc, cuống lá dài và có 2 hoặc ba nhánh lá phức mọc đối nhau; lá chét có mặt trên màu lục sẫm và mặt dưới có màu xanh nhạt hơn. Mép lá có răng cưa. Lá xoan được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu tự nhiên để bảo quản một số loại lương thực. Tuy nhiên, lá xoan và trái xoan không thể ăn được do chứa độc tố.
Trong quá khứ, nhựa cây và tinh dầu cất từ lá và thân cây đã được sử dụng để giãn tử cung. Hoa của cây xoan không thu hút các loài ong bướm. Hạt xoan tròn và cứng thường được sử dụng để làm chuỗi tràng hạt và các sản phẩm tương tự trước khi kỹ thuật nhựa dẻo trở nên phổ biến và thay thế các vật liệu từ hạt xoan.
Xuyên luyện tử có hình dạng là một quả hình cầu, với đường kính khoảng từ 2 đến 3,2cm. Bề mặt của nó có màu vàng đến vàng nâu, có một chút bóng, và một số vết lõm hoặc co rút, cũng như có các chấm màu nâu sẫm. Quả bên ngoài có lớp da và thường tạo ra một ranh giới với phần thịt bên trong. Phần thịt của xuyên luyện tử mềm, có màu vàng nhạt và có tính chất dính khi tiếp xúc với nước. Lõi của quả có hình dạng cầu hoặc bầu dục, cứng, có 6 đến 8 cạnh dọc, được chia thành 6 đến 8 buồng và mỗi buồng chứa một hạt hình thuôn dài màu nâu đen.
Phân bố: Cây xoan là một loài cây mọc tự nhiên và được trồng rộng rãi ở nhiều vùng của Việt Nam, bao gồm cả miền núi và miền đồng bằng. Tuy nhiên, ở miền đồng bằng, cây xoan thường phát triển mạnh mẽ hơn. Người dân Việt Nam thường trồng cây xoan vì nó dễ trồng và nhanh lớn. Chỉ sau khoảng 6 – 7 năm, cây xoan đã có thể được khai thác để lấy gỗ làm cột nhà và đồ dùng. Cây xoan thích hợp với nhiều loại đất như bãi cát, đồng bằng, đồi núi và nương rẫy.
Thu hái: Lựa chọn những quả xuyên luyện tử có kích thước to, hình dạng hình cầu, có chiều dài từ 2,5 đến 4cm và chiều rộng từ 2 đến 3cm. Quả nên có màu vàng nhạt chắc khi già và không có dấu hiệu của nấm mốc là tốt.
Chế biến: Để sử dụng xuyên luyện tử, ta cần loại bỏ tạp chất và nghiền nát chúng. Hoặc cắt xuyên luyện tử thành những lát dày hoặc giã nát, sau đó đặt vào nồi và nấu trên lửa nhỏ. Sau khi nấu, xuyên luyện tử được lấy ra và để nguội. Khi này, nó sẽ có màu nâu.
Bộ phận được sử dụng là quả.
Do tính độc của cây xoan, nó thường được trồng để lấy gỗ, vì gỗ của cây không bị tấn công bởi mối. Hoa và lá của cây xoan cũng được sử dụng để rải dưới chiếu nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của côn trùng.
Trong quả có các thành phần thuộc loại tetranortriterpen, toosendanin, malianol, melanotriol, melanodiol, 7 – tricosanol, 1 – cinamoylmelianolon, melianoninol, catechin, lupeol, β – sitosterol, β – sitosteryl – 3 – O – glucoside, vanilin, acid cinamic, 1 – cinamoyl – 3,11 – dihydroxymeliacarpin, meliatoxin A1, meliatoxin A2, meliatoxin B1, meliatoxin B2.
Ngoài ra, xuyên luyện tử còn chứa một lượng alkaloid được gọi là araridin và chất dầu (chiếm khoảng 60% tổng trọng lượng). Thành phần dầu này có chứa diêm sinh, gây ra mùi tỏi. Thành phần chính của xuyên luyện tử là một chất nhựa trung tính, tuy nhiên tính chất của nhựa này chưa được ổn định hoàn toàn.
Tính vị, quy kinh
Xuyên luyện tử có tính độc, có vị chua và đắng, tính hàn.
Quy kinh Can, Đại trường.
Công năng, chủ trị
Tả thủy, thanh nhiệt, trừ thấp, chỉ thống, sát trùng.
Chủ trị: Đau dạ dày, bụng trướng đau, đau sườn, sán thống, đau bụng giun, bệnh giun đũa, viêm gan, đau bụng kinh, sốt nóng hôn mê đau tim…
Tác dụng chống ung thư
Nghiên cứu của Kikuchi năm 2013 đã chứng minh 12 – O – Acetylazedarachin B được phân lập từ xuyên luyện tử có tác dụng gây độc tế bào mạnh đối với dòng tế bào ung thư bạch cầu (HL-60) và dạ dày (AZ521).
Tác giả Jeong và cộng sự năm 2020 đã báo cáo 1 – cinnamoyltrichilinin được phân lập từ xuyên luyện tử gây ra apoptosis và tăng sự phân mảnh hạt nhân cũng như hàm lượng DNA phân đoạn trong tế bào HL-60 (dòng tế bào bạch cầu của người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính) bằng cách kích hoạt con đường p38.
Một nghiên cứu khác của Song và cộng sự năm 2022 cũng báo cáo hai hợp chất Meliazedarachin K và Mesendanin N có trong xuyên luyện tử gây độc tế bào đối với 5 dòng tế bào ung thư ở người.
Tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa
Tác giả Coria và cộng sự năm 2008 chứng minh chiết xuất từ quả và lá của cây xoan có hoạt tính diệt ấu trùng, làm chậm đáng kể thời gian phát triển, ức chế mạnh mẽ sự rụng trứng của muỗi vằn (Aedes aegypti).
Nghiên cứu của Sanna và cộng sự năm 2015 đã chứng minh limonoid (gồm 3-α-tigloyl-melianol và melianone) cho thấy hoạt tính kháng virus mạnh chống lại ba mầm bệnh quan trọng ở người, thuộc họ Flaviviridae, virus West Nile, virus sốt xuất huyết và virus sốt vàng da. Nghiên cứu này cho thấy xuyên luyện tử có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu cho việc phát triển các loại thuốc mới để điều trị các bệnh nhiễm trùng do Flavivirus.
Một nghiên cứu của Pak cùng cộng sự vào năm 2023 cũng cho thấy hợp chất toosendanin hiện diện trong xuyên luyện tử làm giảm số lượng tế bào viêm trong dịch rửa phế quản phế nang, giảm tình trạng tăng phản ứng đường thở, ức chế việc sản xuất các cytokine tiền viêm và globulin miễn dịch E trong dịch rửa phế quản phế nang và huyết thanh trên mô hình chuột mắc bệnh hen phế quản. Kết quả mô học cũng cho thấy tình trạng viêm phổi và tăng tiết chất nhầy giảm đáng kể.
Tác dụng chống loét dạ dày
Moursi và cộng sự năm 1984 tiến hành đánh giá tác dụng của xuyên luyện tử trên mô hình chuột loét dạ dày cấp tính được gây ra bằng cách cho chuột nhịn ăn trong 22 giờ trước khi nhịn đói 24 giờ để đạt được mức căng thẳng tối đa. Kết quả cho thấy xuyên luyện tử làm giảm chỉ số loét, lượng HCl tự do giảm đáng kể chủ yếu là do thành phần phytosterol.
Xuyên luyện tử được sử dụng trong các bài thuốc là từ 6 đến 8 gram và thường được kết hợp với nhiều loại thuốc khác.
Trị đau âm đạo
Xuyên luyện tử 9g, Đương quy 9g, Ô dược 9g, Trần bì 6g, Quế chi 6g, Chỉ xác 4,5g, Xuyên khung 4,5g, Tiểu hồi hương 3g, Tế tân 3g, Ngô thù du 3g. Thêm vào 1 lít nước sắc còn khoảng 300ml, ngày chia 3 lần, uống khi còn nóng.
Chữa viêm dạ dày
Xuyên luyện tử 10g, Sài hồ 12g, Hương phụ 12g, Diên hồ 12g, Chỉ xác 12g, Bạch linh 12g, Bạch thược 12g, Tô ngạnh 12g, Cam thảo 4g. Nếu ợ chua nhiều thêm Ngọa lăng tử, Ô tặc cốt; Nếu nôn, buồn nôn thêm Bán hạ, Trúc nhự, Gừng tươi.
Trị sỏi tiết niệu thể khí trệ huyết ứ
Xuyên luyện tử 9g, Kim tiền thảo 30g, Hoạt thạch 15g, Xa tiền tử 15g, Hải kim sa 15g, Đào nhân 12g, Kê nội kim 12g, Xuyên khung 12g, Trạch tả 12g, Ngưu tất 12g, Hồng hoa 12g, Đương quy 12g, Đông quỷ tử 12g, Thạch vĩ 12g, Ô dược 9g, Cam thảo 5g.
Sắc uống liên tục trong 7 ngày, mỗi ngày 1 thang, chia 3 lần, mỗi lần uống 1 bát, uống khi thuốc còn ấm, trước hoặc sau ăn 1 giờ. Nếu các triệu chứng không cải thiện phải đến bệnh viện để được khám và điều trị.
Trị bụng dưới đau
Xuyên luyện tử 80g, Phụ tử 40g, Hồi hương 80g cùng 300ml rượu. Chưng chín, sấy khô, tán bột. Dùng kèm với Diên hồ 20g, Toàn yết 18 con, Đinh hương 18 cái, mang đi tán nhuyễn. Trộn đều hỗn hợp với rượu hồ làm thành hoàn. Ngày uống 12 đến 16g cùng với rượu ấm.
Trị đau dịch hoàn (sán khí)
Xuyên luyện tử, Nga truật, Phá cố chỉ, Sơn thù, Chích thảo, Lệ chi hạch, Thông thảo, Quất hạch, Tam lăng, Thanh diêm, Tiểu hồ lượng bằng nhau, Chích thảo giảm nữa liều. Sắc chung với nhau, uống lúc đói.
Chữa ngực bụng đầy đau, ợ chua
Xuyên luyện tử 6g, Câu kỷ tử 24g, Sinh địa 20g, Bắc sa sâm 12g, Mạch đông 12g, Đương quy 12g. Sắc uống.
Chữa Can khí uất, Can Thận âm hư gây nên ợ chua, ngực sườn đau tức, miệng đắng, họng khô, lưỡi đỏ khô
Xuyên luyện tử 8g, Sinh địa 20g, Đương quy 14g, Bắc sa sâm 14g, Mạch đông 12g, Câu kỷ tử 12g. Sắc uống.
Tất cả các phần của cây xoan đều có độc tính đối với con người nếu được ăn phải. Nguyên nhân gây độc là do chứa các chất gây ngộ độc thần kinh như tetranortriterpen và các loại nhựa chưa được xác định, với hàm lượng cao nhất được tìm thấy trong quả xoan. Một số loài chim có thể ăn quả xoan và qua đó giúp phân tán hạt xoan khi chúng rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, chỉ cần 15 gram hạt xoan là đủ để gây tử vong cho một con lợn nặng 22 kg.
Các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau vài giờ từ khi ăn phải. Những triệu chứng này bao gồm mất vị giác, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có máu, tổn thương dạ dày, viêm phổi, suy tim và nhiều triệu chứng khác. Tử vong có thể xảy ra sau khoảng 24 giờ.
Do đó, trước khi sử dụng dược liệu xuyên luyện tử nói riêng và các bộ phận của cây xoan nói chung cần được sự đồng ý và theo dõi của bác sĩ chuyên môn.
Nguồn Tham Khảo:
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện dược liệu. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
- Melia azedarach L. reduces pulmonary inflammation and mucus hypersecretion on a murine model of ovalbumin exposed asthma: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/37979816/
- 1-Cinnamoyltrichilinin from Melia azedarach Causes Apoptosis through the p38 MAPK Pathway in HL-60 Human Leukemia Cells: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33053881/
- Limonoids from Melia azedarach Fruits as Inhibitors of Flaviviruses and Mycobacterium tubercolosis: //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26485025/
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.