Theo Trình Di, gọi là Dịch mới có lý, nếu như xếp đặt nhất định thì có cái lý gì? Cuộc biến đổi của trời đất âm dương cũng như hai thớt cối xay, lên xuống đầy vơi, cứng mềm chưa từng dừng nghỉ. Dương thường hữu dư, âm thường bất túc cho nên mới không đều nhau. Ví như cối xay đã quay, răng của nó phải không bằng nhau, đã không bằng nhau thì sẽ sinh ra hàng vạn sự biến đổi.
Trong Kinh Dịch chỉ nói về lẽ tráo trở, đi lại, lên xuống. Làm Kinh Dịch từ trời đất, tối sáng cho đến cây cỏ, sâu bọ nhỏ nhặt, không có cái nào mà không thích hợp. Lý luận là vô hình, cho nên người ta mượn tượng để tỏ rõ lý, lý hiện ở lời thì có thể do lời mà biết tượng. Vì vậy nói rằng “ Hiểu được ý nghĩa của nó thì số sẽ ở bên trong ”.
Xem Kinh Dịch phải biết thời. Tất cả sáu hào ai ai cũng có thể dùng, ông thánh có chỗ dùng của ông thánh, ông hiền có chỗ dùng của ông hiền, người thường có chỗ dùng của người thường, kẻ có học có chỗ dùng của kẻ có học, vua có chỗ dùng của vua, tôi có chỗ dùng của tôi, không đâu là không thông suốt.
Chu Hy nói rằng: lúc đầu thánh nhân làm ra Dịch chỉ là ngửa xem cúi xét thấy rằng, đầy khoảng trời đất không có cái gì không phải là lẽ một âm, một dương, có lẽ ấy thì có tượng ấy, có tượng ấy thì số của nó tự ở bên trong. Chẳng những Hà Đồ, Lạc Thư như thế mà cái gọi là “ số ” kia cũng chỉ là những chỗ chia hạn, chừng mực ở mức độ nhất định. Được dương thì lẻ, được âm thì chẵn, càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ, các vật đều thế. Hà Đồ, Lạc Thư là thứ khéo hơn, rõ hơn mà thôi. Thánh nhân lúc đầu vạch quẻ chỉ vạch một vạch lẻ để hình dung khí dương, vạch một vạch chẵn để hình dung khí âm. Nhưng hễ có hai thì liền có bốn, hễ có bốn thì liền có tám và cứ thế lần lượt các hào vạch xuất hiện tới 64 quẻ với 384 hào. Trong khoảng trời đất này còn có cái gì khác nữa mà chỉ là hai chữ âm dương mà thôi. Bất kỳ việc gì đều không thể nào lìa được hai chữ âm dương. Hãy coi trọng thân thể mình, hễ mở mắt ra, chẳng là âm thì là dương, chẳng là nhân thì là nghĩa, chẳng cứng thì mềm. Tự mình muốn làm thẳng lên thì là dương, hễ mà thu lại, lùi lại thì là âm. Cùng bạn học thủa xưa, người học tiếp thì thành thầy, người học ít hơn thì làm thợ mà sự có học khác với sự không có học ở chỗ: người có học thì được người ít học nuôi và được lãnh đạo người ít học, người ít học hoặc không có học thì phải nuôi người có học và bị người có học sai khiến. Lẽ âm dương là vậy, nhưng nếu chỉ một âm một dương thì chưa đủ cai quản mọi lẽ, vì vậy thánh nhân mới xoay xoả âm dương thành 64 quẻ với 384 hào.
Dịch chỉ là âm dương giao đổi. Trong Dịch, các bậc tiên nho đều mượn chuyện hư không đặt ra. Nếu quẻ mà nói thẳng ra thì chỉ được một việc. Chỉ có cách nói bằng tượng thì lúc chiêm nghiệm mới có nhiều việc ứng được vào đó.
Kinh Dịch là sách vì người quân tử mà làm ra hay còn gọi là sách của người quân tử. Kẻ tiểu nhân lấy bụng tiểu nhân mà xét đoán thì không làm sao hiểu được. Tiên nho ( các bậc tiền bối về nho học ) nói: “Kinh Dịch chỉ mưu tính cho người quân tử, không mưu tính cho tiểu nhân”. Lời nói ấy thật chính xác. Ngày nay học Dịch, ta nên chia làm 3 bậc mà coi. Bậc một là Dịch của Phục Hy chỉ cốt dùng vào việc bói toán, khi vạch quẻ, Phục Hy chỉ có hào dương, hào âm, vạch liền, vạch đứt, chứ đâu có nhiều văn tự ngôn ngữ. Chỉ có quẻ ấy thì có tượng ấy như quẻ Càn có tượng là trời, quẻ Khôn có tượng là đất. Bậc hai là Dịch của Văn Vương và Chu Công Đán đã chia thành 64 quẻ và chú thích lời quẻ, lời hào nhưng vẫn mang màu sắc bói toán. Bậc ba là Dịch của Khổng Tử, đó chính là Thập Dực, Khổng Tử viết truyện để chú giải về lời thoán, về tượng số,… và chú trọng về tu thân xử thế trong đạo làm người quân tử. Ngày nay nhiều người khi nói về Kinh Dịch, có khi họ chưa hiểu được tượng của Càn Khôn mà đã nói về cái lý của Càn Khôn.
Khi coi Dịch, cần chú ý khi chưa vạch quẻ, các hào dương, hào âm vẫn im lặng, không động, mừng giận, buồn vui chưa phát tiết, nó chỉ là cái rất rỗng, rất tĩnh . Đến khi vạch quẻ, khi tượng số hiện ra mới nói lên rất nhiều đạo lý về sự lành dữ. Cho nên Kinh Lễ chép rằng: “ khiết tĩnh tinh vi là giáo hoá của Kinh Dịch ”.
Kinh Dịch là thứ sách từ sự hư không mà làm ra. Kinh Thi thật có nhân tình mới làm ra các vần thơ bất hủ. Kinh Thư thật có chính sự mưu mô mới làm ra sách ấy. Kinh Xuân Thu chỉ chép lại các sự kiện lịch sử của thời Hậu Chu. Còn Kinh Dịch thì không có các sự kiện đã qua mà chỉ do từ sự hư không làm ra theo lý lẽ của âm dương trời đất. Trước khi có hào vạch, ở Kinh Dịch chỉ là một thứ hồn nhiên, ở con người ta là một tấm lòng yên lặng như tờ, đến khi có hào vạch người ta mới thấy hào vạch ấy có ý nghĩa như thế nào nhưng mà vẫn theo cái nghĩa rất mơ hồ nhưng cũng rất gần gũi giống như khi ta đến một vùng đất mới, lúc đến thì chưa có ấn tượng gì nhưng khi xa nó, chia tay nó, thì vùng quê ấy, vùng đất ấy trở nên một phần của cuộc đời ta.
Kinh Dịch khó xem không giống như sách khác, Kinh Dịch nói về vật nào không phải thật là vật ấy như nói rồng mà chẳng ai thấy rồng đâu hoặc trong ngành Y học cổ truyền nói thận mà chẳng phải là thận. Các sách khác thường nói thế nào thì thật là thế ấy, hiếu là hiếu, nhân là nhân. Trong Kinh Dịch có nhiều chỗ không sao hiểu được. Kinh Dịch khó xem, không ngôn ngữ nào có thể hình dung ra được. Bởi lời hào chỉ là nói bóng tượng, mà ở trong đó không gì là không có.
Học Kinh Dịch có thể làm cho người học biết được quy luật của trời đất, biết sợ hãi, tu tỉnh mà theo đường chính. Học Dịch không phải khi gặp việc mới xem, mới biết run sợ mà phải đọc Dịch luôn luôn, trong lúc rỗi, ngẫm những đạo lý trong lời kinh so với địa vị của mình hiện tại thì nên sống ra sao?
Dịch có 4 điều thuộc về đạo của thánh nhân:
-Để nói thì chuộng lời
-Để hành động thì chuộng sự biến đổi
-Để chế đồ đạc thì chuộng hình tượng
-Để bói toán thì chuộng lời chiêm đoán của nó
Cái lẽ lành dữ, tiêu trưởng, cái đạo tiến lui, còn mất có đủ ở lời. Suy lời xét quẻ có thể biết được sự biến đổi. Người quân tử khi ở yên thì coi hình tượng mà ngẫm về lời lẽ của tượng, khi hành động thì coi sự biến đổi mà suy đoán, hiểu lời mà không đạt được ý thì có chứ chưa có ai không hiểu lời mà thông suốt được ý của nó bao giờ. Đó cũng là cái lẽ của người xưa dùng tĩnh chế động theo lý: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong Kinh Dịch, tiên nho cho rằng, hào dương là quân tử hay đàn ông, hào âm là tiểu nhân hay đàn bà. Hào dương ở ngôi lẻ là quân tử được ngôi. Hào dương ở ngôi chẵn là quân tử không ngôi. Hào âm ở ngôi chẵn là tiểu nhân biết điều. Hào âm ở ngôi lẻ là tiểu nhân làm bậy.
Từ xưa tới nay ai cũng tin rằng Kinh Dịch là một bộ sách khó hiểu và đúng như vậy. Cái khó hiểu của Kinh Dịch không phải là ý tứ sâu xa mà tại lời văn chủng chẳng, rã rời, ngớ ngẩn như lời bọn đồng cốt, không đầu đuôi, không mạch lạc, có chỗ còn không đúng văn pháp. Có câu có thể hiểu theo mấy nghĩa mà chẳng thể bảo nghĩa nào là đúng, là sai. Tinh thần của Kinh Dịch là ở chỗ đó và khi đã hiểu được Dịch rồi thì có sách nào mà không thể học nổi.
Kinh Dịch nên đọc những lúc trong lòng yên tĩnh mới tìm được ý nghĩa của nó và không nên giữ ý kiến riêng của mình, nếu là người từng trải thì càng lĩnh hội được nhiều ý tứ sâu xa của những lời kinh vu vơ trong Kinh Dịch. ( lược khảo Ngô Tất Tố và Phan Bội Châu )
ĐỐI VỚI NỀN VĂN MINH PHƯƠNG ĐÔNG
Để hiểu được vị trí của Kinh Dịch trong nền văn minh phương đông của loài người, chúng ta hãy khái quát hóa lần lượt sự ra đời các triều đại từ xưa tới nay và vị trí cũng như tầm ảnh hưởng của Kinh Dịch trong nền văn hóa ấy, lần lượt bắt đầu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Lời mở đầu của bộ phim truyền hình: “ Đường Minh Hoàng ” có câu: “ trải qua bao nhiêu trận chiến, mới giành được ngôi cửu ngũ chí tôn ”. Cũng vậy khi xem phim: “ Khang Hy Vi Hành ” lời mở đầu phim có bài hát: “ tam hoàng, ngũ đế, vạn đại thiên thu, dĩ dân vi bản ”. Vậy thì ngôi cửu ngũ là gì? Đường Minh Hoàng là ai? Tam hoàng, ngũ đế là ông vua nào? Những ông vua ấy có ảnh hưởng gì tới Kinh Dịch?
Lịch sử loài người đã có từ hàng vạn năm trước đây, khó có sự kiện nào được ghi lại cụ thể, ngay như sách vở và tư liệu lịch sử ghi lại cũng chỉ có chừng mực. Có nhiều tài liệu khác nhau và cách nhìn nhận sự việc cũng khác nhau, nhất là các ông vua thời tiền sử thực ra chỉ là các tù trưởng, cũng lao động cùng bộ lạc của mình, chẳng hạn như vua Vũ đi trị thuỷ ở sông Lạc, lao động vất vả 18 năm trời, đi qua nhà mà
chẳng có thời gian về nhà chứ đâu có như sách khác nói là vua Vũ nhân đi chơi ở sông Lạc, nhìn thấy con rùa mà tìm ra Lạc Thư.
Sử sách ghi lại các triều đại đầu tiên ở Trung Hoa là tam hoàng, gồm có vua: Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông. Phục Hy có từ năm 4477 trước công nguyên, là người tìm ra Hà Đồ và vạch quẻ, những kiến thức đầu tiên trong Kinh Dịch. Hoàng Đế với Kỳ Bá nổi tiếng trong Nội Kinh Tố Vấn và vua Thần Nông rất giỏi trong công việc nông nghiệp và dùng thuốc. Tương truyền khi thế gian mắc bệnh dịch, vua Hoàng Đế sai vua Thần Nông mang thuốc xuống chữa cho nhân dân thoát khỏi các bệnh dịch hiểm nghèo.
Các vị vua trong thời thượng cổ rất gần gũi với nhân dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, vua Phục Hy dạy dân cày cấy, từ tượng quẻ mà chế ra công cụ lao động, nhìn vào quẻ Bát Thuần Ly mà chế ra lưới bắt cá, thấy quẻ Phong Thủy Hoán có tượng gỗ trên nước mà đẽo cây làm thuyền, thấy tượng quẻ Hỏa Phong Đỉnh liền chế ra cái vạc để nấu chín thức ăn. Nhà vua nhìn thấy quẻ Phong Lôi Ích, trên là quẻ Tốn, dưới là quẻ Chấn. Tốn là âm mộc, Chấn là dương mộc, gỗ ở trên thì đi, gỗ ở dưới thì động nên đẽo gỗ cứng làm lưỡi cày, uốn gỗ mềm làm cán cày để cho nhân dân cày ruộng.
Cũng có tài liệu ghi rằng, tam hoàng không chỉ có Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông mà còn có Nữ Oa, Chúc Dung và Toại Nhân nữa. Còn 5 ông vua sau này, có sách nói là Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ, Xuyên Húc và Thiếu Hạo, còn sách khác lại cho rằng đó là Phục Hy, Hoàng Đế, Thần Nông và Nghiêu Thuấn. Có sách khác còn nói có cả Đế Cốc và Thiếu Hiệu.
Về thời ngũ đế, sử sách nói nhiều về cách cai trị của Nghiêu và Thuấn, hai vị vua này thương dân như con, đồng cam cộng khổ với dân và khi truyền ngôi thì tìm người tài để truyền chứ không truyền ngôi cho con. Chuyện kể rằng, khi biết Hứa Do là một người tài, nhà vua muốn truyền ngôi cho nhưng Hứa Do ưa cuộc sống tự do, không muốn ràng buộc vào quyền lực, ông rất bực mình vì đã trót nghe phải lời nói “bẩn” bèn ra suối rửa tai, khi đó Sào Phủ đang cho trâu uống nước gần đó, khi nghe biết chuyện, Sào Phủ bèn dắt trâu đi uống nước nơi khác, lý do chỉ vì, nước suối đã nhiễm phải lời nói bẩn ấy rồi. Đó có phải chăng là sự cao đạo của kẻ sĩ!
Trong thời Nghiêu Thuấn hay xảy ra lụt lội, vua bèn sai ông Cổn là bố của ông Vũ đi trị thuỷ, vì không hiểu nên ông Cổn chỉ biết ngăn nước mà không biết khơi dòng chảy cho nước thoát đi, lũ lụt ngày càng nặng thêm. Nhà vua bắt tội ông Cổn và sai con là ông Vũ đi trị thuỷ thay cha, sau gần hai chục năm ròng vất vả, ông Vũ trị thuỷ thành công và được nhà vua truyền ngôi, lập nên vương triều nhà Hạ và là vị vua đầu tiên lấy tên hiệu là Hạ Vũ. Đến cuối đời nhà Hạ, vua Kiệt vô đạo nên đánh mất cơ đồ. Được Y Doãn giúp sức, Thành Thang lật đổ nhà Hạ và lập nên nhà Thương kéo dài hơn 500 năm gồm 28 đời vua. Đời đầu là vua Thành Thang, đời 28 là Trụ Vương Ân Thọ mà còn gọi là nhà Ân, triều đại này liên quan tới sự tích Thánh Gióng ở Việt Nam. Trong giai đoạn này, thái sư nhà Ân là Văn Trọng hay đi đánh giặc nơi xa, triều chính do hai đại thần Vưu Hồn và Bí Trọng khuynh đảo làm Trụ Vương Ân Thọ chìm đắm trong mê muội, tin gian thần, giết tể tướng Tỷ Can, nghe lời Đát Kỷ lập ra nhiều công cụ tra tấn để giết hại lương thần, lập kế giết Tây Bá Hầu Cơ Xương mà sau này là Văn
Vương, người có công sắp xếp Kinh Dịch và Hậu Thiên Bát Quái. Cuối cùng Trụ Vương Ân Thọ và nhà Thương Ân cũng bị tiêu diệt bởi Võ Vương là con thứ hai của Văn Vương và lập nên nhà Chu. Nhà Chu có hai thời kỳ: Tây Chu và Đông Chu, cuối đời nhà Chu loạn lạc liên miên, chư hầu xâu xé nhau và trong lịch sử ghi lại các sự kiện đẫm máu trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Cuối đời Chiến Quốc, lịch sử ghi lại chiến công của Tần Doanh Chính tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Quốc thành nhà Tần. Nhà Chu mệnh hoả, nhà Tần diệt nhà Chu nên nhà Tần mệnh thuỷ, chiến công oanh liệt, xứng đáng với ngôi Hoàng Đế cho nên vị vua trẻ tuổi Tần Doanh Chính lên ngôi Hoàng Đế và đặt tên hiệu là Tần Thuỷ Hoàng Đế. Một thuyết khác cho rằng vì biên giới nhà Tần có một con sông lớn, nước sâu thăm thẳm và nước càng sâu thì càng thấy mầu đen. Do đó mầu đen là mầu của thuỷ. Thuỷ lại là do số 1 của trời sinh ra. Vì vậy nhà Tần mạng thuỷ và do thuỷ có mầu đen nên quần áo quân Tần, cờ của quân Tần đều có mầu đen. Nhà Tần là nhà nước tập quyền phong kiến đầu tiên của Trung Quốc, bởi vì các triều đại trước đó, sau khi giành được chính quyền thường cắt đất phong vương. Đó là cơ sở cho các lãnh chúa cát cứ từng vùng một và nhiều khi không nghe lệnh của chính quyền trung ương. Nhận thấy điều nguy hiểm đó, Tần Thuỷ Hoàng không cắt đất phong vương cho anh em, con cháu mà tập trung toàn bộ đất đai và quyền lực vào chính quyền trung ương, chia đất nước ra thành các quận huyện và các hình thức chính quyền đó còn tồn tại cho tới bây giờ.
Nhà Tần thực hiện chính sách hà khắc, đốt sách, chôn nhà nho nên chỉ duy trì được một đời vua và bị Hạng Vũ – Lưu Bang tiêu diệt . Cuối cùng Lưu Bang thống nhất được đất nước lập nên nhà Hán, cuối đời nhà Hán là thời Tam Quốc và lần lượt các triều đại thay thế nhau như nhà Nguỵ – nhà Tuỳ – nhà Đường – nhà Tống – nhà Minh và cuối cùng là triều đại nhà Thanh với 13 đời vua kế tiếp. Đời đầu là Nỗ Nhĩ Cáp Tề Anh Minh Hoàng Đế cho tới đời vua cuối cùng là vua Phổ Nghi.
Trong các triều đại, triều đại nào gắn bó với dân, lấy dân làm gốc thì tồn tại lâu dài như thời tam hoàng, ngũ đế. Đó chính là Đế đạo, còn triều đại nào tồn tại bởi sự đàn áp hà khắc, bắt buộc dân theo mà không do sự tự nguyện của họ thì sẽ bị sụp đổ nhanh chóng. Đó chính là con đường Bá đạo.
Khoảng trên 500 năm trước công nguyên, xuất hiện Khổng Tử ( 551- 479 TCN ) là người sáng lập ra đạo nho, sau đó còn nhiều nhà nho khác như Mạnh Tử, Tuân Tử, Cáo Tử, Trình Di, Chu Hy trong các đời nhà Tần, nhà Hán và nhà Tống,…. Các nhà nho này đã có nhiều công sức trong việc xây dựng nho giáo và Kinh Dịch.
Các tác phẩm gồm tứ thư, đó là 4 cuốn:
-Luận Ngữ: chép lời Khổng Tử nói với học trò
–Đại Học: là sách dạy về đạo làm quan
-Mạnh Tử: ghi chép lời của Mạnh Tử với học trò và các bậc vương hầu
-Trung Dung: là sách dạy về đạo làm người phải nên ăn ở như thế nào.
Trong đó cuốn Luận Ngữ là quan trọng nhất đã được dịch ra tiếng Việt. Các tác phẩm nổi tiếng sau đó là ngũ kinh gồm:
-Kinh Thi
-Kinh Thư
-Kinh Lễ
-Kinh Xuân Thu
-Kinh Dịch
Ngoài ra sau này còn có Kinh Nhạc nữa, trong đó Kinh Dịch là một cuốn sách khó xem nhất tựa như là một cuốn thiên thư.
Cho tới nay, trong ngôn ngữ và chữ viết của người Nhật có khoảng 2500 – 4000 từ gốc Hán cổ, người Nhật hiện nay đa số theo nền văn minh phương tây, tuy vẫn chú ý giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng sự ảnh hưởng của nho giáo vẫn còn thể hiện trong y học, trong võ học, về các đường kinh và huyệt đạo. Người Nhật đã chế tạo ra các máy dò huyệt, máy dò loa tai và các loại kim châm cứu. Thế mà Kinh Dịch lại là cơ sở của nho giáo và y học, từ đó ta có thể thấy Kinh Dịch cũng có ảnh hưởng ít nhiều tới nền văn minh của người Nhật.
Sử cũ nói rằng, sau khi Võ Vương lên ngôi có mời Cơ Tử là hoàng tử nhà Ân ra giúp nước nhưng Cơ Tử không chịu nên Võ Vương cho ông ra Triều Tiên lập một nước riêng. Điều này có thể lý giải tại sao người Hàn rất ưa chuộng Kinh Dịch, cờ Hàn Quốc có thái cực đồ ở giữa, bốn bên là bốn quẻ Càn, Khôn, Ly, Khảm và học thuyết Tứ Tượng được người Hàn đặc biệt coi trọng. Nền y học cổ truyền của Hàn Quốc phát triển mạnh, người Hàn thích chữa bệnh bằng thuốc dân tộc và rất tin vào châm cứu, điều này chúng ta nhận thấy trong các bộ phim nhiều tập: nàng Đê Chang Kưm và Thần Y Hơ Jun, các dược liệu quí như nhân sâm, linh chi có mặt khắp nơi trên thế giới.
Sự giao lưu về văn hóa giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã có từ hàng nghìn năm nay. Người Việt ảnh hưởng nhiều về nho giáo, phật giáo của Trung Quốc trong văn hóa, khoa học và y học, ngay cung đình Huế cũng được xây dựng theo Lạc Thư, các kỳ thi cử cũng theo chế độ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, tiến sĩ, các thầy thuốc Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh như Đổng Phụng, Lâm Thắng, khi nước ta bị nhà Minh xâm lược thì chúng vơ vét của cải, sách vở, thuốc quí như trầm hương, tê giác, thậm chí chúng còn bắt cả sĩ phu và danh y Việt nam về nước, chúng ta còn nghe văng vẳng đâu đây câu nói buồn nhớ thương da diết của Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh: “ ai có về Nam, cho tôi về với ”.
Đó chính là sự giao lưu tuy bắt buộc nhưng dù sao cũng là sự trao đổi giữa hai nền văn hóa và y học. Một trong những danh y nổi tiếng của Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ông là người tinh thông y lý và có công vận dụng Kinh Dịch vào trong y học, điều này được nói rõ trong bộ sách đồ sộ Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh, ngoài ra chúng ta còn thấy Kinh Dịch được ứng dụng trong thiên văn, lịch toán, kiến trúc và nông nghiệp. Từ đây chúng ta đã thấy rõ được vị trí và tầm ảnh hưởng rộng lớn của Kinh Dịch trong nền văn minh phương đông của loài người như thế nào!