Khổng Tử viết: Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi, nghĩa là sông Hà xuất hiện Đồ, sông Lạc xuất hiện Thư, thánh nhân nhìn vào đó mà bắt chước theo. Trong lịch sử phát triển loài người, con người học thiên nhiên, bắt chước muôn loài và sáng tạo ra rất nhiều điều. Bắt chước đuôi con cá để làm ra bánh lái con thuyền, bắt chước con chim vỗ cánh bay trên trời mà làm ra cánh máy bay, bắt chước con hổ, con khỉ, con rắn để tìm ra hổ quyền, hầu quyền, xà quyền. Bắt chước con vật tìm thuốc chữa bệnh để ứng dụng cho việc điều trị cho con người. Vậy thì ở đây thánh nhân nhìn vào Hà Đồ để bắt chước các quy luật của trời đất mà thôi.
Ngoài ra còn có một ý khác, phải chăng có nhà khoa học, bác học tài năng nào đó tìm ra quy luật của âm dương nhưng chưa đủ uy tín thuyết phục nên mượn cớ truyện thánh thần mà truyền bá học thuyết của mình chăng? Truyền thuyết đã từng nêu việc Võ Mỵ Nương muợn cớ nhặt được ngọc để lên ngôi hoàng đế, Tống Giang nhờ khắc bia ghi tên 36 vị chánh tướng, 72 vị phó tướng trên phiến đá là có ý mượn uy trời mà dựng cờ khởi nghĩa ? Như ở Việt Nam ta, truyền thuyết kể rằng Nguyễn Trãi đã từng chấm mật vào lá cây, “ Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần ”, kiến ăn mật, lá rụng khắp nơi, dân tin vào mệnh trời mà kéo về đầu quân đó sao!? Dù sao chăng nữa Hà Đồ vẫn ăn sâu trong ký ức mọi người và mọi người vẫn tin rằng Phục Hy đã tìm thấy nó .
Tương truyền vào đời vua Phục Hy (4477 – 4363 TCN ) có con long mã xuất hiện trên sông Hà, trên lưng của nó có 55 khoáy đen và trắng như một bức họa đồ. Nhà vua bắt chước những chấm ấy để vẽ nên một bức đồ gọi là Hà Đồ.
Hà Đồ
Các số trong Hà Đồ:
Trong Hà Đồ, phía bắc có 1 khoáy trắng và 6 khoáy đen, phía nam có 2 khoáy đen và 7 khoáy trắng. Phía tả có 3 khoáy trắng và 8 khoáy đen, phía hữu có 4 khoáy đen và 9 khoáy trắng, ở giữa có 5 khoáy trắng và 10 khoáy đen.
Như vậy :
1 hợp 6 2 hợp 7 3 hợp 8 4 hợp 9 5 hợp 10.
Mặt khác các số vòng trong 1, 2, 3, 4, 5 là các số sinh; 6, 7, 8, 9, 10 là các số thành. Các khoáy đen là số chẵn thuộc âm, các khoáy trắng là số lẻ thuộc dương.
Các số thành chính là các số sinh cộng với số 5 ở giữa.
Trong Hà Đồ có 10 số, từ số 1-> 10, tổng các số của Hà Đồ 1 + 2 + 3+4…+ 10
= 55. Năm số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9 là số trời biểu hiện bằng khoáy trắng.
Năm số chẵn: 2, 4, 6, 8, 10 là số đất biểu hiện bằng khoáy đen
Tổng 5 số trời = 25 Tổng 5 số đất = 30
Tổng số trời + số đất = 55 tương ứng với 55 khoáy trên Hà Đồ.
Hà Đồ ứng dụng trong ngũ hành:
Khi học về ngũ hành mà chưa học qua Hà Đồ, người đọc chỉ chấp nhận sự xếp đặt một cách máy móc mà không giải thích được tại sao lại quy nạp các sự vật và hiện tượng vào ngũ hành như vậy.
Sự nghiên cứu về Hà Đồ, Lạc Thư sẽ giải thích rõ ràng và đi vào bản chất của sự
vật.
Theo Chu Hy “thiên nhất sinh thuỷ, địa lục thành chi. Địa nhị sinh hoả, thiên
thất thành chi. Thiên tam sinh mộc, địa bát thành chi. Địa tứ sinh kim, thiên cửu thành chi. Thiên ngũ sinh thổ, địa thập thành chi”, nghĩa là: trời lấy số 1 mà sinh hành thủy, đất lấy số 6 mà làm cho thành. Đất lấy số 2 mà sinh hành hỏa, trời lấy số 7 mà làm cho thành. Trời lấy số 3 mà sinh hành mộc, đất lấy số 8 mà làm cho thành. Đất lấy số 4 mà sinh hành kim, trời lấy số 9 mà làm cho thành. Trời lấy số 5 mà sinh hành thổ, đất lấy số 10 mà làm cho thành.
Như vậy trời sinh thì đất thành, đất sinh thì trời thành. Đó là lẽ sinh thành của tạo hoá. Đầu tiên khi trời đất định ngôi, càn khôn xác lập thì hành đầu tiên sinh ra phải là nước. Cho nên trời lấy số 1 mà sinh hành thuỷ, đất lấy số 6 mà làm cho thành. Điều này còn có ý nghĩa nữa là thuỷ chính là gốc của con người và vũ trụ, cũng là thiên thuỷ hay là thiên quý của đời người. Thuỷ do số 1 sinh ra, số 1 là số trời, mà nhâm quý lại ứng tại hành thuỷ. Vậy nói tới thiên quý là người ta nói tới nước của trời cho, là gốc của vũ trụ và con người. Trong ngũ hành và Hà Đồ thì thuỷ ở phương bắc.
Sau khi có nước thì đất lấy số 2 mà sinh hành hoả, trời lấy số 7 mà làm cho thành, thế cũng là lẽ tất nhiên của tạo hoá, có trời, có đất, có âm có dương, vậy thì thuỷ có trước tiên, lần sinh thứ 2 phải là hoả mà thôi. Hoả sinh ra ở phương nam để đối với thuỷ ở phương bắc. Phương nam là phương của hoả nên phương nam nắng vàng rực rỡ, ánh sáng chan hoà và là nơi cư trú của mặt trời, cũng từ đây học thuyết Thuỷ Hoả ra đời và nó chính là học thuyết Tâm Thận được trình bầy trong Huyền Tẫn Phát Vi của Hải Thượng Lãn Ông. Trời đã sinh ra thuỷ, đất đã sinh ra hoả, có nước nuôi sống,
có hoả quang hợp thì công dụng sẽ sinh ra, lần thứ 3 hành mộc ra đời. Trời lấy số 3 mà sinh hành mộc, đất lấy số 8 mà làm cho thành, hành mộc ở phương đông.
Lần lượt các hành thuỷ, hoả, mộc ra đời, lần thứ tư đất lấy số 4 mà sinh hành kim, trời lấy số 9 mà làm cho thành, bởi vì trong lòng đất đã chứa chất và mang sẵn kim loại rồi. Sau khi bốn hành ra đời, tự nhiên hành thổ xuất hiện, thực ra hành thổ đã xuất hiện đầu tiên trong cái cụm từ “ trời lấy số 1 mà sinh hành thuỷ, đất lấy số 6 mà làm cho thành” nhưng vì trời là vô hình nên trời không cụ thể, còn sau khi sinh thành 4 hành kia thì đất mới hiện ra đúng như câu nói “ sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông ”
5 hành đã được xác lập thì số của nó đã có trước rồi:
Số của Thuỷ là 1 và 6 Số của Hoả là 2 và 7 Số của Mộc là 3 và 8 Số của Kim là 4 và 9 Số của Thổ là 5 và 10
Như vậy mỗi hành được tạo nên đều bởi số sinh và số thành, con người ta cũng là cha sinh mẹ thành mà thôi, số thành chính là số sinh cộng với số của thổ.
Nói về số thành có thể giải thích tại sao thai nhi lại 9 tháng 10 ngày thì ra đời. Số 10 là số thành của thổ, mà thổ chính là tỳ vị, là hệ thống tiêu hoá, Số 9 là số thành của kim, là phế. Tại sao không lấy số 5 và số 4 là số sinh mà lấy số 9 và 10 bởi vì chỉ có số thành mới phát sinh công dụng. Số sinh là nguyên thể, số thành là công dụng, số sinh là tiên thiên còn số thành là hậu thiên. 9 tháng ( số 9 ) là số thành của hành kim và khi đó tạng phế hoàn thành là có thể thở được, 10 ngày ( số 10 ) là số thành của tỳ vị và lúc đó bộ máy tiêu hoá có thể làm việc được. Khi tự ăn được, tự thở được thì đó là điều kiện cần và đủ để cho đứa con ra đời.
Trong dược lý, người ta nói là tam thất có tác dụng bổ can huyết và tâm huyết mà thường không để ý tới tại sao gọi nó là tam thất. Tam là 3, thất là 7, lá cây tam thất chẳng 3 lá thì 7 lá, số 3 thì vào can mộc, số 7 thì vào tâm hoả theo lý đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Lá tam thất xanh, gân lá mầu hồng nên có tác dụng bổ tâm và bổ can huyết, hoạt huyết. Nhờ có Hà Đồ, ta mới giải thích được phương vị của thổ là ở trung ương, phương vị của mộc là ở phía đông, phương vị của hỏa là ở phía nam, phương vị của kim là ở phía tây và phương vị của thủy là ở phía bắc, nhờ Hà Đồ thì ta mới biết quy luật tương sinh không phải như hình ngôi sao 5 cánh.
Ngũ hành tương sinh theo Hà Đồ
Hoặc trong bài Lục vị nổi tiếng của ông Tiền Ất có thể giải thích tại sao bài thuốc bổ thận âm lại có 6 vị, số 6 chẳng phải là số của thuỷ thận đó sao? Ngoài ra, phương vị của các hành trong Hà Đồ còn được ứng dụng trong Linh Quy Bát Pháp để tính được giờ mở của huyệt nhằm tăng cường hiệu lực của châm cứu chữa bệnh. Hoặc như nói, nước có mầu đen, vị mặn, nhiều người không sao hiểu nổi mà không suy luận ra là thuỷ không phải là nước ở hồ ao, sông suối mà là nước ở biển, vì chỉ có nước ở biển mới đại diện cho thuỷ, bởi vì biển rộng lớn mênh mông nhường nào mà nước ở biển dĩ nhiên có vị mặn. Còn tại sao nước lại có mầu đen? Chúng ta đều biết, khi ra biển, càng xa bờ nước càng sâu, mầu nước càng sẫm, sẫm dần tới mầu đen, nước bốc hơi lên trời thành mây, mây nặng dần làm đen kịt cả bầu trời, mây đen vần vũ là chuẩn bị mưa. Cổ nhân đã chẳng từng quan sát mà nhận ra điều đó hay sao? Có nhiều người tự hỏi, thế thì nước hồ ao, sông suối thì thế nào? Tại sao lại gọi là nước ngọt? Thế nước ấy từ đâu ra? Nó chẳng được lấy ra từ lòng đất hay sao, và ngọt chính là vị của hành thổ .
Mô hình sinh thành vũ trụ và sự xuất hiện của ngũ hành