Cổ nhân thường nói: bất tri Dịch, bất khả tri Y có nghĩa là: không học về Kinh Dịch thì không sao hiểu được y lý. Vậy Kinh Dịch gắn với nghề Y như thế nào? Tại sao không học Dịch thì không hiểu được y lý. Bản thân Kinh Dịch không giống như kinh Thư, kinh Thi, kinh Lễ, kinh Xuân Thu là các sách nói về các sự kiện thơ ca, lịch sử cụ thể mà Kinh Dịch chỉ là một mớ vạch đứt, vạch liền, sắp xếp theo một qui luật nhất định, bản thân Kinh Dịch không nói tới phủ tạng, không nói tới thuốc, vậy mà Kinh Dịch lại gắn với nghề Y là cớ làm sao? Hải Thượng Lãn Ông trong Huyền Tẫn Phát Vi đã nói: trước khi học thuốc thì hãy học qua Dịch đã, làm nghề thuốc mà không biết Dịch thì chỉ là thầy thuốc tầm thường mà thôi. Đá chứa ngọc mà núi sáng, nước chứa ngọc trai mà sông đẹp, Kinh Dịch chính là ngọc quí của nghề Y vậy.
Dương Quí Sơn đến nhà Thiềm Quí Lỗ ở Hoàng Đình, Quí Lỗ hỏi về Kinh Dịch, Quí Sơn lấy tờ giấy vẽ vòng tròn, lấy mực bôi đen một nửa và nói đó là Dịch. Câu nói đó rất hay, Dịch chỉ là một không, một có, một trắng, một đen, một trong, một ngoài, phức tạp thì như con người, như vũ trụ mà xét đến tận cùng thì Dịch chỉ là một âm, một dương xoay xỏa với nhau mà thôi.
Trước khi trời đất định ngôi thì dương dưới âm trên, sau đó dương nhẹ bay lên thành trời, âm nặng đi xuống dưới đất. Từ đó trời đất định ngôi, trời cao đất thấp, trời tôn, đất ty, trời quí đất tiện. Vì vậy trời thì tôn quí, đất thì ty tiện. Âm dương có ranh giới rõ ràng. Từ vô cực chuyển sang thái cực, từ thái cực chuyển sang lưỡng nghi. Có trời có đất thì muôn vật được sinh ra. Sau quẻ Càn, quẻ Khôn thì quẻ Truân tiếp nối, truân là muôn vật mới sinh, truân là muôn vật bắt đầu, truân là gian khổ và đứng đầu trong muôn vật là con người, con người là vạn vật chí linh. Trời sinh ngũ hành, ngũ hành vận động thì sinh ngũ tạng. Đầu tiên là hào dương trong quẻ Khảm, tức là mệnh môn hỏa có trước, rồi theo thứ tự trong Hà Đồ mà tâm, can, phế, tỳ lần lượt sinh ra. Loài người sinh ra ở hội dần, ở đốt sống thứ 14, và cũng từ đó, nhờ bẩm thụ hai khí của trời đất mà con người sử dụng dược vật thiên về một khí để điều chỉnh âm dương trong cơ thể nhằm mục đích chữa bệnh.
Từ lý luận: con người là vũ trụ nhỏ, con người và trời đất là một, người xưa cho rằng các định luật chi phối vũ trụ cũng đồng thời chi phối con người mà con người lại là đối tượng chính và duy nhất của y học. Vì vậy Kinh Dịch có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc tới y lý y học cổ truyền.
Nhìn vào các hào, các quẻ trong Kinh Dịch, từ những vạch liền vạch đứt trong Kinh Dịch và một mớ các lời quẻ, lời hào, có vẻ như ngô nghê nhưng khi suy ngẫm, người ta nhận thấy triết lý bên trong thật sâu sắc. Quẻ Ký Tế có quẻ Ly bên dưới , quẻ Khảm bên trên. Cứ tưởng rằng lửa phải ở trên, nước phải ở dưới mới đúng lẽ thường chứ đâu biết rằng khi trên dưới xa cách thì bao giờ mới có sự hòa hợp. Lửa ở dưới
nước mới làm nước sôi và vì vậy công cuộc sinh hóa mới thành, còn nước dưới, lửa trên (quẻ Khảm bên dưới, quẻ Ly bên trên ) thì chẳng có gì xảy ra cả. Đó chẳng phải là việc chưa xong, chưa sang sông như quẻ Vị Tế hay sao?
Lấy cái cao siêu, tinh diệu trong Dịch để nghiên cứu về y học, để soi sáng cho lý luận y học cổ truyền và vận dụng các qui luật biến dịch trong Dịch vào chẩn đoán và điều trị mới làm người thầy thuốc bớt đi được sai lầm và nâng cao hiệu quả chữa bệnh.