Tên Tiếng Việt: Bồ bồ.
Tên khác: Cây nhân trần; tuyến hương lam; chè nội; hoắc hương núi; nhân trần hoa đầu; chè đồng; chè cát.
Tên khoa học: Adenosma indianum (Lour.) Merr.
Tên đồng nghĩa:Adenosma capitatum Benth.
Bồ bồ là loại cỏ cao từ 15 – 70 cm, sống một năm, có nhiều lông xồm trắng. Thân hình trụ, cứng, mọc đứng, đơn hoặc phân nhánh, mang nhiều cành ngay từ gốc, thân nhẵn hoặc hơi có lông.
Lá cây mọc đối, có cuống, có lông xồm dài 1 – 9mm. Phiến lá hình trứng, hình bầu dục hay hình mác dài, dài từ 2 – 6 cm, rộng từ 0,5 – 2 cm, gần nhọn ở chóp, hình nêm và thon lại ở cuống, mép có răng cưa tròn, gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống ngắn.
Cụm hoa ở ngọn, mọc thành bông, thường có hình cầu, rất nhiều hoa thường có 2 lá bắc dạng lá ở bên dưới, có lông như len màu trắng. Hoa nhỏ cỡ 0,5 – 3 x 1cm, không cuống. Đài cao 4mm, có lông xồm với 2 môi, 5 răng nhọn gắn đều; tràng màu xanh lơ nhẵn, có ống dài hơn đài, môi trên nguyên, môi dưới dài bằng môi trên, chia 3 thùy gần bằng nhau, thùy giữa lõm ở đầu; nhị đính ở 1/3 phía trên của ống tràng; bầu nhẵn.
Quả nang nhẵn, hình trứng, dài từ 3 đến 4 mm, có mũi nhọn ngắn, hạt nhỏ, nhiều.
Mùa ra hoa kết quả của bồ bồ từ tháng 4 đến tháng 7.
Bồ bồ là cây ưa sáng và có thể hơi chịu hạn. Cây thường mọc hoang thành đám trên các vùng đồi thấp, các rừng thưa cây rụng lá, nơi trống có cát và cỏ, trong các đầm lầy và đất ẩm, từ vùng biển lên đến độ cao 1.200m hoặc bờ nương rẫy ở vùng trung du phía bắc. Có nhiều ở tại các tỉnh miền bắc Việt nam, nhiều nhất tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Hiện nay đã thấy cây phân bố ở các vùng miền nam Việt Nam như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Cây còn phân bố ở Nam Trung Quốc, Xri Lanca, Campuchia, Lào, Thái Lan, Indonexia, Philippin, Ấn Độ và Malaysia.
Chưa ai đặt vấn đề trồng cây bồ bồ. Cây được trồng bằng hạt. Hạt giống phát tán ra xung quanh, tồn tại qua đông trên mặt đất đến cuối mùa xuân năm sau mới nảy mầm.
Bộ phận sử dụng của cây là lá, hoa đã phơi khô. Dược liệu được thu hái vào mùa hè thu, khi cây đang có hoa, rửa sạch dùng tươi hoặc phơi trong râm đến khô để dùng dần. Dược liệu được bó thành từng bó dài 25 – 30 cm, đường kính từ 5 – 6 cm, trọng lượng 40 – 60 g, gồm chừng 20 cây mang hoa buộc lại thành một bó. Có khi bó thành bó lớn hơn.
Trong cây chứa: Saponin, triterpen, acid nhân thơm, coumarin, flavonoid, tinh dầu 0,7 – 1% màu vàng nhạt gồm 1-fenchon 33,5%, 1-limonen 22,6%, α-humule 11,6%, cineol 5,9% fen-chol, piperitenon oxyd và sesquiterpenoxyd.
Theo đông y, bồ bồ có vị cay, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng kháng khuẩn, làm ra mồ hôi, lợi mật, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa.
Bồ bồ có một số tác dụng dược lý sau đây:
Tác dụng diệt giun: Giun đất sau khi tiếp xúc với thuốc (gồm tinh dầu và nước cất từ bồ bồ) sẽ quằn quại trong vòng 10 – 15 phút rồi chết, còn giun đũa phải sau 2 – 3 giờ mới chết.
Tác dụng lợi mật: Cao cồn, cao nước và tinh dầu chiết từ bồ bồ có tác dụng gây tăng tiết mật rõ rệt trên chuột, trong đó dạng cao cồn có tác dụng mạnh nhất. Cao cồn và tinh dầu bồ bồ còn có tác dụng tăng cường công năng thải độc của gan.
Tác dụng chống viêm: Bồ bồ có tác dụng chống viêm rõ rệt, tham gia vào tác dụng chủ yếu này là những thành phần tan trong cồn và tan trong nước, còn tinh dầu không có tác dụng chống viêm.
Tác dụng kháng khuẩn trên nhiều loại vi khuẩn mạnh nhất là trên 2 chủng trực khuẩn lỵ (Sh. Dysenteriae 111 và Sh. Shigae 39) và 2 chủng cầu khuẩn (Staphylococcus aureus 209P và Streptococcus hemolyticus S84). Tác dụng kháng khuẩn mạnh nhất ở cao cồn và cao nước, yếu ở tinh dầu.
Tác dụng giảm sự phân tiết dịch vị tại dạ dày, từ đó giảm độ acid tự do và acid toàn phần.
Độc tính: Khi dùng liều cao gấp 20 lần liều có tác dụng trên động vật thì thấy động vật vẫn còn sống an toàn, chứng tỏ bồ bồ không độc.
Ta thường dùng chữa viêm gan do virus, các chứng vàng da, tiểu tiện ít, vàng đục, sốt, nhức mắt, chóng mặt, phụ nữ kém ăn sau khi sinh. Liều dùng từ 10 – 20g/ngày, dạng thuốc sắc, cao, siro, viên.
Ở Trung Quốc, để trị cảm lạnh, đau đầu, sốt, tiêu hóa kém, viêm ruột, đau dạ dày, người ta dùng 15 – 30 g bồ bồ mỗi ngày.
Chữa sốt vàng da, ra mồ hôi ở đầu mà người không có mồ hôi, miệng khô, tiểu tiện khó khăn, đầy bụng
Bồ bồ 24 g, chi tử (dành dành) 12 g, đại hoàng 4 g, nước 800 ml. sắc còn 250 ml chia 3 lần uống trong ngày.
Phòng và chữa cảm cúm
Bồ bồ 15 g, sắc nước uống thay chè.
Chữa tiêu hóa kèm, đi ngoài, đầy bụng, sốt ho, đau đầu
Bồ bồ 15 – 30 g, sắc nước uống trong ngày.
Chưa có thông tin.
Nguồn Tham Khảo:
Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.