Bạn đang theo dõi bài viết chủ đề về Hương nhu tía: Tìm hiểu về công dụng của cây thuốc trong vườn nhà cung cấp tại Công Đông Y mong rằng sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Giới Thiệu Chung:
Hương nhu tía là loại dược liệu được trồng khá phổ biến ở nước ta, có mùi thơm đặc trưng, hương nhu tía có vị cay tính nóng nên hay được sử dụng để chữa ho, cảm lạnh hoặc tiêu chảy ở trẻ em.
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên tiếng Việt: Hương nhu tía.
Tên khác: É tía; é rừng; é đỏ.
Tên khoa học: Ocimum tenuiflorum, họ Lamiaceae (Hoa môi).
Đặc điểm tự nhiên
Hương nhu tía dạng thân thảo, sống hàng năm hoặc sống được thời gian dài, thân cây thường cao gần 1m, thân cành lá có màu đỏ tía, có lông. Lá hương nhu tía có hình mác hoặc thuôn, lá mọc đối, có cuống dài, là thường dài khoảng 2 – 5cm, rộng khoảng 1 – 3cm, mép lá dạng răng cưa, lá có lông mềm, cả hai mặt lá đều có màu tím tía.
Hoa hương nhu tía dạng hoa môi, hoa mọc ở đầu cành thành dạng phân nhánh, hoa màu trắng hay màu tía (thường gặp), lá bắc nhỏ; hoa xếp thành từng vòng 5 – 6 cái trên cụm hoa; đài hoa dài khoảng 3 – 5mm, tràng hoa có cánh hơi lượn sóng ở mép; nhị 4. Quả của hương nhu tía dạng bế tư, màu nâu nhạt hoặc đỏ có đốm đen nhỏ, quả hình cầu hơi dẹt. Mùa hoa và quả của hương nhu tía khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Hương nhu tía là loại cây mọc chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Á, được trồng ở một số nơi như Lào, Trung Quốc, Thái Lan dùng để làm gia vị và làm thuốc.
Hương nhu tía là cây thân thảo, sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, phù hợp ở những nơi có lượng mưa tương đối lớn tầm 1.800 – 2.600 mm/năm, nhiệt độ trung bình giao động khoảng 25 – 30oC. Hương nhu tía được trồng bằng hạt vào khoảng cuối xuân, cây phát triển trong mùa hè, cây tàn vào mùa cuối thu hoặc đầu đông. Hương nhu tía ra rất nhiều hoa quả, quả khi chín thì tự mở ra làm hạt rơi ra, sau đó nảy mầm khoảng tháng 5 đến tháng 6.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng của hương nhu tía là lá, hoa, thân mang cành, sơ chế thành từng đoạn nhỏ dài khoảng 2 – 3cm, phơi âm can đến khô để tránh làm thất thoát tinh dầu.
Thành phần hoá học
Phần trên mặt đất của hương nhu tía chứa tinh dầu. Tinh dầu trong cây hương nhu tía được phân thành nhiều nhóm hóa học:
Nhóm methyl eugenol: Loại lá tía (A) 72,7%, loại lá xanh (B) 70,9%.
Nhóm eugenol và methyleugenol: Loại lá xanh (C) có eugenol 82,8% và methyleugenol 2,5%. Cả 3 loại (A, B, C) đều chứa caryophylen 17,3% (A), 20,4% (B), 6,7% (C).
Đối với hương nhu tía trồng tại Việt Nam có chứa khoảng 30 – 40% eugenol. Đối với tinh dầu thu từ hương nhu tía Việt Nam chứa α – pinen, sabinen, β – pinen, myrcen, 1-8 cineol, linalol, camphor, terpinen – 4 – ol, α – terpineol, geraniol, borneol, linalyl acetat, citral, eugenol, methyleugenol và β – caryophylen, α – humulen, methyl isoeugenol, β – elemen, 5 – elemen, sesquiterpen.
Các thành phần chính là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và β – caryophylen. Các thành phần này giống như thành phần của tinh dầu hương nhu tía Ấn Độ.
Theo H.Skaltsa và cộng sự, năm 1999, hương nhu tía chứa các hợp chất polyphenol: Apigenin, luteolin – 7 – glucuronid, orientin,lutcolin, apigenin – 7 – glucuronid, molusdisiin, galuteolin, acid galic methylester, acid galic ethylester, acid protocatechuic, acid 4 – hydroxybenzoic, 4 – hydrobenzaldehyd, acid rosmarinic, acid galic, acid vanilic, acid cafeic, acid chlorogenic.
Công dụng
Theo y học cổ truyền
Hương nhu tía có mùi thơm đặc trưng, vị cay, tính ấm. Hương nhu tía quy vào 2 kinh phế và vị. Do đặc tính cay, ấm nên hương nhu tía có tác động phát hãn nghĩa là làm ra mồ hôi, giúp tán thấp, hành thủy, thanh nhiệt, giảm đau.
Trong dân gian, hương nhu tía được sử dụng dạng kinh nghiệm để giúp chữa cảm đặc biệt trong say nắng, cảm nắng, nhức đầu, hạ sốt, đau bụng, đi ngoài, phù thũng. Mỗi ngày uống từ 6 – 12g dưới dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc.
Trong nha khoa, người ta sử dụng eugenol chiết từ hương nhu tía giúp khử trùng và chống kích ứng tại chỗ, ngoài ra eugenol còn được sử dụng để làm nguyên liệu tổng hợp vanilin.
Nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, chữa đau dạ dày, sốt rét ở trẻ em bằng cách sử dụng nước hãm của lá hương nhu tía. Dịch ép từ hương nhu tía kết hợp với mật ong, gừng, dịch ép từ tỏi giúp chữa viêm phế quản, lợi đờm, giảm tình trạng ho ở trẻ em.
Ở Myanmar, họ sử dụng đầy hơi và tiêu chảy ở trẻ em bằng cách sử dụng nước sắc từ lá hương nhu tía. Ở Malaysia, chữa viêm đường hô hấp và rối loạn kinh nguyệt từ dịch hãm của lá hương nhu tía.
Theo y học hiện đại
Tác dụng kháng khuẩn:
Viện nghiên cứu Đông y tại Việt Nam thí nghiệm tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu hương nhu tía thông qua đánh giá đường kính vòng vô khuẩn.
Với Bacillus mycoides có vòng vô khuẩn: 22 mm, Shigella dysenteriae: 30, Diplococcus pneumoniae: 0 (không có tác dụng), B.subtilis: 60, Klebsiella sp: 12, Escherichia coli: 15, Mycobacterium tuberculosis: 18, Proteus vulgaris: 18, Salmonella typhi: 22, Sh.flexneri: 12, Staphylococcus aureus: 20, Streptococcus haemolyticus: 15 (Theo Bộ Y tế – Công trình nghiên cứu khoa học y dược 1977 – 189).
Theo các tài liệu nghiên cứu của Ấn Độ, tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu hương nhu tía nhận thấy có tác động đến con Mycobacterium tuberculosis, Bacillus pyocyaneus, Escherichia coli, Salmonella typhi. Nghiên cứu tác động tinh dầu hương nhu tía đối với vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis tác động bằng khoảng 1/10 của tác dụng Streptomycin và bằng 1/4 của isoniazid.
Bên cạnh vai trò kháng khuẩn của tinh dầu hương nhu tía, theo như các tài liệu từ Ấn Độ; tinh dầu hương nhu tía còn có vai trò trừ muỗi nên thường được sử dụng quanh nhà như một trong những biện pháp hạn chế muỗi.
Tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt:
Các thí nghiệm về tác dụng chống viêm giảm đau, hạ sốt của tinh dầu hương nhu tía được lấy dưới dạng dịch chiết methanol và như dịch.
Nói về vai trò chống viêm, người ta tiến hành gây viêm đối với bàn chân chuột cống trắng do carragenin. Sau đó cho sử dụng dịch chiết từ hương nhu tía nhận thấy dịch chiết từ hương nhu tía có khả năng ức chế viêm cấp tính và ức chế sự hình thành dịch rỉ.
Các thí nghiệm về chống viêm cho thấy với liều 500 mg/kg có tác động tương đương liều 300 mg/kg của salicylat natri.
Về tác dụng giảm đau, tiến hành thử nghiệm đối với chuột nhắt trắng, sử dụng tấm nóng (hay còn gọi là hot – plate), cả dịch chiết bằng methanol và nhũ dịch đều chứng minh có khả năng giảm đau, trong đó thời gian tác dụng của dịch chiết kéo dài hơn và khả năng giảm đau của dịch chiết methanol từ hương nhu tía cũng cao hơn so với dạng nhũ dịch.
Tiến hành gây sốt ở súc vật bằng vaccin thương hàn và phó thương hàn, sử dụng dung dịch chiết bằng methanol liều 250 mg/kg và nhũ dịch với liều 100 mg/kg thấy có khả năng hạ sốt. Tuy nhiên, so với salicylat natri với liều 300 mg/kg yếu hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn.
Người ta cho rằng, nhờ vào khả năng ức chế sự tổng hợp prostaglandin nên hương nhu tía có khả năng giảm đau, hạ sốt, kháng viêm như nêu trên.
Các tác dụng khác:
Các tác dụng khác của tinh dầu hương nhu tía, người ta còn nhận thấy có tác dụng diệt amipentamoeba moskowskii (Bộ Y tế. Công trình nghiên cứu khoa học y dược 1977 – 196). Ngoài ra, theo công trình nghiên cứu y dược 1977 – 198 của Bộ y tế, tinh dầu hương nhu tía còn có tác dụng kháng histamin trong các thí nghiệm co bóp hồi trường ở chuột lang.
Liều dùng & cách dùng
Cách dùng: Dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm.
Liều dùng: 6 – 12 g/ngày.
Bài thuốc kinh nghiệm
Chữa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh
Phối hợp các dược liệu sau: Hương nhu tía 500g, bạch biển đậu (sao) 2000g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g. Sau khi chuẩn bị xong các dược liệu, tiến hành tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g cho đến 20g với nước sôi để nguội.
Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt
Phối hợp các dược liệu: Hương nhu, bạc hà, sả, tía tô, hoắc hương, lá bưởi, lá chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, dùng xông hơi.
Phòng, chữa cảm nắng, say nắng
Phối hợp các dược liệu: Lá hương nhu 32g, củ sắn dây 24g, gừng sống 12g, hạt đậu ván 32g. Sau khi chuẩn bị xong, các vị dược liệu được đem phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Hãm với nước sôi, gạn uống mỗi lần người lớn dùng 16g, trẻ em 8g; (kinh nghiệm của Viện Y học cổ truyền).
Chữa trẻ em chậm mọc tóc
Phối hợp các dược liệu: Hương nhu sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày (Tuệ Tĩnh, Nam Dược thần hiệu).
Chữa hôi miệng
Phối hợp các dược liệu: Dùng nước 200ml sắc hương nhu 10g, dùng súc miệng và ngậm.
Lưu ý
Tuy rằng hương nhu tía là loài thảo dược khá an toàn khi sử dụng, nhưng sẽ có một số trường hợp chống chỉ định khi sử dụng hương nhu tía như sau:
- Người hay bị ra mồ hôi nhiều.
- Người khí hư, âm hư.
- Chống chỉ định tuyệt đối với người bị ho lao.
- Chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Ngưng sử dụng hương nhu tía 2 tuần trước khi phẫu thuật.
Dược liệu hương nhu tía có khả năng tương tác với một số nhóm thuốc như:
Tương tác hương nhu tía với các thuốc chống đông máu như thuốc chống huyết khối, thuốc chống đông. Khi sử dụng kết hợp hương nhu tía với thuốc chống đông máu làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu. Một số nhóm thuốc làm chậm đông máu phổ biến như enoxaparin (Lovenox®), dalteparin (Fragmin®), ticlopidin (Ticlid®), aspirin, warfarin (Coumadin®), clopidogrel (Plavix®), heparin và các loại khác.
Pentobarbital gây buồn ngủ. Dầu hạt hương nhu khi sử dụng kết hợp với pentobarbital có thể làm tăng tác dụng buồn ngủ.
Nguồn Tham Khảo:
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/huong-nhu-tia.html
Dược điển Việt Nam V.
Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.