Tên tiếng Việt: Mồng tơi
Tên khác: Rau mồng tơi, Mồng tơi đỏ, Mồng tơi tía, Lạc quỳ, Phyắc păng (Tày), Chàn mau nhây (Dao)
Tên khoa học: Basella rubra L., họ Mồng tơi (Basellaceae)
Mồng tơi là loại dây leo, sống 1 hay 2 năm. Thân quấn, dài 1,5 – 2m, phân nhánh, màu xanh nhạt hoặc tím nhạt. Lá mọc so le, đơn, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng, gốc bằng hoặc hình tim, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 5 – 7cm, rộng 1 – 3cm, nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng.
Cụm hoa hình bông mọc ở kẽ lá cách xa nhau, không cuống, màu trắng hay tím nhạt. Mỗi hoa kèm theo 2 lá hắc nhỏ, rụng sớm, đài hoa 5 thùy hợp, mọng nước sau khi hình thành quả, tràng 0, nhị 5, chỉ nhị ngắn, bầu nhớt.
Quả bế, mọng nước, hình cầu đựng trong bao hoa nạc, màu tím sẫm, hạt nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 6 – 8.
Phân bố
Cây Mồng tơi có lẽ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ngày nay, Mồng tơi được trồng phổ biến ở khắp vùng nhiệt đới như Châu Á, Châu Phi, châu Mỹ, đặc biệt được trồng nhiều nhất ở Malaysia, Philippin và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây Mồng tơi mọc hoang hoặc được trồng cho leo hàng rào để lấy rau ăn.
Thu hái, chế biến
Thân và lá Mồng tơi được thu hái quanh năm (thường vào mùa hè và mùa thu lúc cây sinh trưởng nhanh), thường dùng tươi.
Hạt thu ở quả chín, phơi khô.
Bộ phận sử dụng của cây Mồng tơi là thân, lá và hạt.
Mồng tơi chứa nhiều protein, lipid, vitamin A3, β-caroten, vitamin B3, các chất vô cơ (Ca, Mg, Na, K, Fe, Zn, Mn, Cu và P), saponin, chất nhầy…
Quả Mồng tơi chứa glucosid betanilin, betacyanin, 4 dẫn chất coumaroyl và feruloyl.
Theo Đông y, Mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, hóa tràng, lương huyết, giải độc, được sử dụng để chữa táo bón, đại tiện khó khăn, tiêu chảy ra máu, da nổi ban, mụn nhọt.
Trong nhân dân, Mồng tơi thường được dùng nấu canh ăn cho mát.
Tại Trung Quốc, có nơi dùng rau Mồng tơi giã đắp chữa sưng nứt vú, giải độc.
Ngoài những công dụng trên, hạt Mồng tơi bỏ vỏ phơi khô, tán thành bột mịn, trộn với mật ong, bôi hằng ngày lên mặt để làm cho da mặt mịn màng, tươi sáng. Bột Mồng tơi trộn với phấn xoa trừ rôm sẩy.
Tác dụng hạ sốt
Nước ép Mồng tơi với nồng độ 50g/lít, cho thẳng vào dạ dày với liều 10 – 20ml/kg trên chuột cống trắng được gây sốt bằng men bia, có tác dụng hạ sốt.
Tác dụng ức chế phù, ức chế thẩm thấu
Trên mô hình gây phù thực nghiệm bàn chân chuột cống trắng bằng cách tiêm ovalbumin hoặc formaldehyd, nước ép Mồng tơi có tác dụng ức chế phù một cách rõ rệt, ngoài ra còn có tác dụng ức chế tính thẩm thấu tăng cao của các mao mạch trong ổ bụng chuột nhắt do acid acetic gây nên.
Tác dụng ức chế sự hình thành u hạt
Thí nghiệm trên chuột cống trắng, nước ép Mồng tơi dùng liên tục trong 7 ngày, có tác dụng ức chế sự hình thành tổ chức u hạt bằng phương pháp cấy dưới da viên bóng.
Lá và cành non cây Mồng tơi dùng tươi để nấu canh ăn.
Chữa táo bón
Cách 1: Dùng lá và cành non cây Mồng tơi nấu canh ăn.
Cách 2: Mồng tơi 50g, Rau đay 50g, Khoai sọ 1 – 2 củ, rửa sạch, thái nhỏ nấu ăn trong ngày.
Cách 3: Mồng tơi, Rau má, Rau đay, Rau lang, mỗi loại 50g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày.
Chữa mụn
Lá mồng tơi 50g, lá ớt 50g, xương rồng bà có gai (một khúc cành cạo sạch gai), rửa sạch, giã nát, đắp chữa mụn. Ngày thay một lần. Đồng thời, nên uống nước sắc lá Bồ công anh 20g, Măng tre 20g, Gừng 8 g, dùng 3 – 5 ngày.
Chữa đầu vú nứt nẻ
Lá Mồng tơi giã nát, đắp.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Mồng tơi:
Những người cơ thể tỳ lạnh, đi tiêu phân lỏng không dùng Mồng tơi.
Nguồn Tham Khảo:
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 2 (Tr. 295)
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Tr. 465)
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.