Tên Tiếng Việt: Xuyên tiêu.
Tên khác: Hoàng lực, hoa tiêu, dã hoa tiêu, sơn hồ tiêu thích, hoa tiêu thích, ba tiêu, lương diện châm, hoàng lực, sưng, lưỡng phù chắm.
Tên khoa học:Zanthoxylum nitidum DC., Fagara piperita Lour.. Thuộc họ Cam Rutaceae.
Xuyên tiêu là loài cây leo thân gỗ thường xanh, cao từ khoảng 1 – 2m. Trên thân, cành, dưới cuống lá và cả 2 mặt của gân giữa lá chét có những gai ngắn. Rễ chính của cây Xuyên tiêu dày và có nhiều rễ nhánh. Mặt ngoài của vỏ rễ có màu vàng đục, mặt trong có màu vàng lưu huỳnh. Thân cây có màu nâu, thân già được bao phủ bởi những nốt sần gồ lên.
Lá kép lông chim lẻ, có 2 – 3 đôi lá chét mọc đối, lá hình trứng, dài khoảng 3 – 12cm, rộng 1.5 – 6cm. Cuống lá dài khoảng 2 – 5mm. Xuyên tiêu có các chùm hoa ở nách lá, số lượng hoa cơ bản là 4. Lá đài có màu xanh tía, hình trứng và rộng khoảng 1mm. Cánh hoa có màu xanh hơi vàng, thuôn dài và độ dài khoảng 3mm. Xuyên tiêu ra hoa thường từ tháng 3 đến tháng 5 và đậu quả thường từ tháng 9 đến tháng 11. Hạt trưởng thành có hình elip, vỏ hạt có màu đen bóng và nhiều dầu.
Phân bố
Cây Xuyên tiêu mọc hoang khắp các nơi ở Việt Nam, thường phân bố ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Nghệ An, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hoà Bình, Yên Bái, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hà Tây.
Ở Trung Quốc, Xuyên tiêu phân bố chủ yếu ở những nơi ấm áp nằm ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển ở miền nam Trung Quốc, các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Quý Châu, Vân Nam, Phúc Kiến và Đài Loan.
Thu hái
Xuyên tiêu được thu hái vào mùa thu, khi quả chín, hái nguyên cành về, cắt lấy quả đem phơi khô. Khi nhấm sẽ thấy quả có mùi thơm, vị đắng và nóng. Quả Xuyên tiêu có bề ngoài trông rất đặc biệt: Quả phân thành 3 mảnh cứng, trong mỗi mảnh có một hạt đen cứng, bóng. Khi nhấm hạt sẽ thấy có mùi thơm như chanh.
Chế biến
Theo Trung y: Xuyên tiêu đem sao qua cho ra mồ hôi, còn nóng cho vào ống tre, dùng que cứng đâm giã cho tróc vỏ trong lấy vỏ ngoài mà dùng hoặc chỉ sao nóng đổ lên miếng giấy sạch đặt trên đất, lấy bát úp kín lại, đợi nguội lấy ra giã bỏ vỏ trong lấy vỏ ngoài mà dùng.
Theo kinh nghiệm ở nước ta: Dùng cả quả Xuyên tiêu (vỏ và hạt) sao qua thấy ướt mặt và có mùi thơm là được.
Bộ phận sử dụng làm thuốc của Xuyên tiêu là vỏ quả. Quả nhỏ đã mở mắt, trong có một hột đen; vỏ ngoài sắc nâu hồng, khô, thơm; vỏ trong trắng ít thơm. Quả Xuyên tiêu chưa mở mắt thì không nên dùng.
Xuyên tiêu là nguồn phong phú các thành phần hoá học khác nhau với các kiểu cấu trúc khác nhau. Kể từ khi một nhóm nghiên cứu đến từ Hồng Kông tiến hành nghiên cứu về xuyên tiêu từ năm 1959, rất nhiều thành phần hóa học bao gồm alkaloid, coumarin, lignan, flavonoid, terpen, steroid, alkylamide,…, đã được phân lập và xác định từ Xuyên tiêu.
Theo Đông y, Xuyên tiêu có vị cay, tính ôn, có độc, vào 3 kinh Phế, Thận và Tỳ. Có tác dụng:
Chống viêm
Ở liều 150mg/kg, chiết xuất ethanol 95% của rễ cây Xuyên tiêu được báo cáo là có tỷ lệ ức chế 63.45% đối với mô hình phù tai do xylene gây ra ở chuột. Ở liều 150 và 75mg/kg, chiết xuất ethanol 95% của rễ cây Xuyên tiêu có tỷ lệ ức chế lần lượt là 52.94% và 52.0% đối với khả năng tăng tính thấm thành mạch ở bụng của chuột do axit axetic gây ra. Do đó, chiết xuất ethanol 95% của rễ cây Xuyên tiêu có tác dụng chống viêm đáng kể.
Tổng lượng alkaloid từ Xuyên tiêu thể hiện hoạt động chống viêm đáng kể bằng cách ức chế cả TNF-α và IL-8 trong huyết thanh của chuột bị viêm loét đại tràng. Đây có thể là một trong những cơ chế chính của alkaloid từ Xuyên tiêu trong chống lại bệnh viêm loét đại tràng.
Giảm đau
Trong thử nghiệm đánh giá tác dụng giảm đau của Xuyên tiêu năm 2005, sau khi sử dụng chiết xuất ethanol 95% của rễ Xuyên tiêu với liều 150mg/kg, ngưỡng đau của chuột tăng lên đáng kể và số lần phản ứng đau ở chuột do axit axetic gây ra đã giảm 70.96%. Do đó, chiết xuất ethanol 95% của rễ Xuyên tiêu có tác dụng giảm đau đáng kể.
Cầm máu
Hoạt tính cầm máu của các chiết xuất thảo dược khác nhau đã được nghiên cứu (Song và cộng sự năm 2017). Trong số các chất chiết xuất này, Xuyên tiêu cho thấy hoạt động cầm máu tốt hơn. Thời gian đông máu của chiết xuất Xuyên tiêu ở liều thấp, trung bình và cao (5, 10 và 15g/kg) tương đương với thời gian đông máu của đối chứng dương (axit tranexamic, 0,13g/kg) và thấp hơn đáng kể so với đối chứng.
Kháng khuẩn
Để sàng lọc các dược liệu có hoạt tính kìm khuẩn mạnh và theo dõi thêm các thành phần hoạt tính của chúng, Wang và cộng sự xác định hoạt tính kháng khuẩn in vitro của 21 loại rượu thảo dược Trung Quốc chiết xuất chống lại 5 chủng vi khuẩn, cụ thể là Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Candida albicans, Pseudomonas aeruginosa và MRSA. Dịch chiết alcohol của Xuyên tiêu thể hiện hoạt tính kháng khuẩn cao nhất với MIC là 16 – 128μg/mL và MBC là 64 – 512μg/mL.
Dịch chiết alcohol của Xuyên tiêu cho thấy đặc tính kháng khuẩn phổ rộng và có tác dụng ức chế tốt đối với các chủng MRSA; tác dụng của chiết xuất nóng tốt hơn một chút so với chiết xuất lạnh và tác dụng của chiết xuất metanol nóng tốt hơn so với chiết xuất etanol nóng.
Kháng virus
Yang và cộng sự đã sàng lọc hoạt tính kháng HBV của các thành phần hóa học phân lập từ dịch chiết nước acid của rễ Xuyên tiêu. Kết quả cho thấy tỷ lệ ức chế 0.2μmol/mL 6-methoxy-5,6-dihydronitidine và 5-methox-ydictamnine trên HBsAg lần lượt là 43.3% và 49.3% cao hơn so với đối chứng dương 1μmol/mL lamivudine (29.6%). Tỷ lệ ức chế HBeAg 0.2µmol/mL 5-methox-ydictamnine là 43.2% cao hơn so với đối chứng dương 1μmol/mL lamivudine (35.4%). 5-meth-oxydictamnine có thể ngăn ngừa HBV, do đó cần có những nghiên cứu sâu hơn về cơ chế hoạt động.
Chống oxy hoá
Hoạt tính chống oxy hóa của các chất chiết xuất khác nhau từ rễ Xuyên tiêu đã được nghiên cứu. Ba chiết xuất, cụ thể là nước, ethanol và chiết xuất acid ethanol, có tác dụng ức chế sản xuất malondialdehyde do Fe2+–cysteine gây ở gan. Chiết xuất acid ethanol có khả năng ức chế mạnh nhất, tiếp theo là chiết xuất nước và sau đó là chiết xuất ethanol.
Bộ ba chiết xuất cũng có tác dụng thu hồi nhất định đối với anion superoxid triệt để và cho thấy mối quan hệ liều lượng – đáp ứng. Dịch chiết nước có tác dụng dọn gốc mạnh nhất đối với gốc anion superoxide, tiếp theo là dịch chiết acidethanol và sau đó là dịch chiết ethanol. Ba chất chiết xuất cũng có mức độ ức chế khác nhau đối với quá trình phát quang hóa học trong máu toàn phần ở chuột bị viêm. Tác dụng ức chế của chiết xuất acid ethanol là mạnh nhất, tiếp theo là chiết xuất ethanol rồi chiết xuất nước. Do đó, Xuyên tiêu có hoạt tính chống oxy hóa mạnh.
Chống ung thư
Nhiều nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mối quan hệ giữa chỉ điểm vân tay HPLC của chiết xuất Xuyên tiêu và hoạt động chống ung thư dạ dày (Shen và cộng sự năm 2011), ung thư cổ tử cung (Wang và cộng sự năm 2011) và ung thư gan để thiết lập nền tảng kiểm soát hiệu quả chất lượng của Xuyên tiêu.
Mao và cộng sự (năm 2013) đã xây dựng mô hình hiệu ứng vân tay giữa đỉnh đặc trưng của chỉ điểm vân tay hồng ngoại của chiết xuất Xuyên tiêu và hiệu quả chống khối u của nó phản ánh tác dụng chống khối u của Xuyên tiêu.
Chống loét dạ dày
Han và cộng sự (năm 2012) nhận thấy dịch chiết nước của rễ (liều: 18, 30g/kg), thân (liều: 30g/kg), lá (liều: 10.8, 18, 30g/kg) và phần trên mặt đất (liều: 30g/kg) của Xuyên tiêu làm giảm đáng kể chỉ số loét do acid clohydric và ethanol gây ra trên mô hình chuột. Do đó, Xuyên tiêu có tác dụng chống loét dạ dày đáng kể.
Tác dụng và cơ chế bảo vệ của tổng số alkaloid trong Xuyên tiêu đối với bệnh loét dạ dày đã được nghiên cứu. Tổng lượng alkaloid ở mức 2 và 2.5g/kg của Xuyên tiêu có thể làm giảm chỉ số loét do rượu, căng thẳng và thắt môn vị gây ra trong ba mô hình. Trong mô hình loét dạ dày do thắt môn vị, tổng lượng alkaloid của Xuyên tiêu với liều 2 và 2.5g/kg làm giảm đáng kể hoạt động của pepsase và hàm lượng malondialdehyd trong dạ dày và làm tăng hàm lượng superoxide dismutase, NO và PGE2. Do đó, cơ chế của tổng số alkaloid trong Xuyên tiêu trên vết loét dạ dày có thể liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi của các chỉ số này (Pang và cộng sự năm 2007).
Chống loét miệng
Hiệu quả của việc sử dụng Xuyên tiêu bên ngoài đối với mô hình chuột lang bị loét miệng do bỏng bằng phenol đã được nghiên cứu bởi Xiao và cộng sự (năm 2012). So với nhóm mô hình, liều thấp, trung bình và cao (0.5, 1 và 1.5g/mL) thuốc sắc Xuyên tiêu và liều thấp và cao (0.15 và 0.25g/mL) bột Xuyên tiêu có thể làm giảm đáng kể triệu chứng tại chỗ, diện tích và thay đổi bệnh lý tại chỗ của vết loét miệng ở chuột lang.
Do đó, việc sử dụng thuốc sắc và bột Xuyên tiêu bên ngoài có tác dụng tốt đối với vết loét miệng.
Bảo vệ gan
Pang và cộng sự (năm 2006) đã nghiên cứu tác dụng và cơ chế bảo vệ của chiết xuất nước Xuyên tiêu đối với tổn thương gan do tetrachloromethane gây ra ở mô hình chuột. Trong thí nghiệm, chiết xuất nước của Xuyên tiêu làm giảm đáng kể hàm lượng alanine aminotransferase, aspartate aminotransferase và malondialdehyde trong gan ở chuột và tăng hoạt động superoxide dismutase của gan. Do đó, chiết xuất nước của Xuyên tiêu có tác dụng bảo vệ rõ ràng đối với tổn thương gan do hóa chất ở chuột.
Ngày dùng xuyên tiêu từ 3 – 5g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ấm bụng, chữa chứng tức ngực, bụng đau buốt, đau dạ dày do lạnh, nôn mửa, không ăn được
Xuyên tiêu, gừng khô, đảng sâm đem sắc lấy nước uống, bỏ bã, thêm kẹo mạch nha hoà vào, uống lúc còn ấm
Dùng ngoài da, rửa chữa ngứa, eczema
Xuyên tiêu, khổ sâm, địa phu tử, phèn chua. Các vị trên, lượng bằng nhau. Đun nước để rửa.
Một số lưu ý khi sử dụng vị thuốc xuyên tiêu:
Nguồn Tham Khảo:
- Lu Q, Ma R, Yang Y, et al. Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC: Traditional uses, phytochemistry, pharmacological activities and toxicology. Journal of Ethnopharmacology. 2020;260:112946. doi://doi.org/10.1016/j.jep.2020.112946.
- Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.
- Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần. Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược. Nhà xuất bản Y học. TP. HCM; 2000.
Mong rằng với những thông tin của bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại dược liệu và cách sử dụng chúng đúng cách nhé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của chuyên gia, bác sĩ cụ thể trước khi sử dụng các vị thuốc thảo dược nhé. Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung này.